ĐH Bách khoa Hà Nội khôi phục hình thức thi toán tự luận trong kỳ thi riêng năm 2020

10/04/2020 18:48 GMT+7

Hội đồng tuyển sinh Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã quyết định phương án tuyển sinh riêng . Theo đó, với riêng môn toán, 1/3 đề thi sẽ là đề tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm hoàn toàn.

Chiều nay, 10.4, Hội đồng tuyển sinh Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố phương án thi tuyển sinh riêng năm 2020. Theo đó, trường sẽ tổ chức một kỳ thi riêng. Và dự kiến lấy khoảng 70% chỉ tiêu đại học hệ chính quy từ phương thức này.
Thí sinh sẽ làm 3 môn/bài thi trong 1 buổi duy nhất, vào chiều 25.7, tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội.

1/3 đề toán là tự luận

Về thời gian thi, trường này sẽ thi trắc nghiệm kết hợp tự luận ngắn trong 1 buổi với thời gian làm bài 180 phút, riêng đối với ngành ngôn ngữ Anh, thời gian làm bài 210 phút.
Đối với khối kỹ thuật, kinh tế, các thí sinh sẽ dự thi 1 buổi trên giấy với 3 môn hoặc bài thi, gồm toán (85 - 90 phút), đọc hiểu (30 - 35 phút) và bài thi thứ ba (60 phút). Tổng thời lượng buổi thi là 180 phút.
Đối với ngành ngôn ngữ Anh, các thí sinh thi 1 buổi với bài thi trên giấy 2 môn/bài thi là toán (85 - 90 phút) và đọc hiểu (30 - 35 phút), tổng thời lượng bài thi trên giấy 120 phút. Môn thứ ba là tiếng Anh (90 phút), các em thi trên máy tính.
Hầu hết các môn/bài thi được tổ chức hoàn toàn theo hình thức trắc nghiệm. Riêng môn toán có 2/3 trắc nghiệm và 1/3 tự luận. Với phần tự luận, các em làm trực tiếp lên bài thi có đề vào ô trống. Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sẽ được miễn thi tiếng Anh và quy đổi điểm theo quy định của trường.
Như vậy, đây là năm đầu tiên, hình thức thi tự luận đối với môn toán đã được sử dụng trở lại trong một kỳ thi mà kết quả dùng để tuyển sinh vào đại học.

Khối kinh tế, kỹ thuật: toán từ 7 điểm mới được xét sơ tuyển

Muốn được dự thi, các thí sinh phải đăng ký dự thi và qua vòng sơ tuyển. Các thí sinh đăng ký tối đa 5 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên vào các ngành/chương trình của Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Các nguyện vọng này độc lập với các nguyện vọng được đăng ký xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Việc xét thí sinh ở vòng sơ tuyển được căn cứ vào điểm học bạ 5 học kỳ THPT của các thí sinh (các học kỳ 1,2 lớp 10 và lớp 11; học kỳ 1 lớp 12).
Cụ thể, với khối ngành kỹ thuật, kinh tế, nhà trường sẽ xét điểm trung bình của 5 học kỳ THPT đối với các tổ hợp sau: toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh; toán, hóa, tiếng Anh; toán, hóa, sinh. Thí sinh phải đạt tối thiểu 20 điểm với tổ hợp mà mình dùng để xét sơ tuyển, trong đó điểm trung bình môn toán tối thiểu là 7,0.
Với ngành ngôn ngữ Anh, trường sẽ xét điểm trung bình của 5 học kỳ THPT đối với tổng điểm 3 môn toán, văn, tiếng Anh. Thí sinh phải đạt tối thiểu 20 điểm, đồng thời điểm trung bình môn tiếng Anh từ 7,0 trở lên.
Ở khâu sơ tuyển, trường này sẽ lựa chọn từ trên xuống dưới theo tổng điểm 3 môn cho đến khi đạt được số lượng dự thi dự kiến của từng khối ngành, gồm: khối kỹ thuật, kinh tế 9.600 thí sinh; ngôn ngữ Anh 400 thí sinh. 
Các thí sinh nộp hồ sơ trực tuyến trên hệ thống của Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Đơn đăng ký in ra từ hệ thống có xác nhận của trường THPT nơi các em đang (hoặc đã từng) theo học, tải lên hệ thống đăng ký trực tuyến và nộp bản gốc khi đi thi.
Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết không thu lệ phí sơ tuyển, còn lệ phí thi tuyển sẽ thông báo sau.
Trường đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến dành không quá 70% tổng chỉ tiêu của từng khối ngành, đối với từng ngành/chương trình không quá 80%, cho phương thức xét tuyển dựa vào kỳ thi riêng. Tỉ lệ này có thể thay đổi trong trường hợp có sự biến động lớn về kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Trường cho biết sẽ công bố trúng tuyển, xác nhận nhập học theo quy định của Bộ GD-ĐT đối với hình thức tuyển sinh riêng. Các thí sinh sẽ nhập học sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT và trước khi xét tuyển đại học theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.