Đi 20 km đóng học phí do không dùng tiền mặt!

12/09/2019 07:39 GMT+7

Hơn một tuần sau khai giảng năm học mới 2019 - 2020, hàng chục gia đình có con em theo học tại các cơ sở giáo dục công lập ở tỉnh Bến Tre vẫn chưa biết đóng học phí cho con như thế nào trước chỉ đạo thu học phí không dùng tiền mặt của Sở GD-ĐT.

Hạn chế dùng tiền mặt là chủ trương đúng, kể cả khi đóng học phí. Tuy nhiên, cần phải tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân thực hiện chứ không nên gây khó khăn, đặc biệt với những người chưa tiếp xúc với các dịch vụ.

Mất thêm tiền xe ôm đi đóng học phí qua ngân hàng !

Anh N.T.M (ngụ xã Phú Túc, H.Châu Thành, Bến Tre) cho hay hiện anh vẫn chưa biết sẽ đóng học phí cho con đang học tại Trường mầm non Phú Túc ra sao vì nhà trường thông báo phải liên hệ với Agribank chi nhánh H.Châu Thành mở tài khoản mới đóng học phí được.
“Nhà trường kêu lên ngân hàng mở tài khoản rồi nạp tiền nhiều vào, sau đó chuyển tiền học phí trên điện thoại thông minh gì đó. Trong khi tôi và vợ dốt như me, phải đi mần mướn kiếm sống qua ngày, đến nỗi cái điện thoại cảm ứng cũng chưa từng đụng tới. Vậy mà năn nỉ cỡ nào nhà nước cũng không thu trực tiếp như năm trước. Mắc cười ở chỗ là các khoản chi phí khác cao hơn cả tiền học phí thì nhà trường thu tiền mặt”, anh M. bức xúc.
Nhà ông N.N.M (ngụ xã Nhuận Phú Tân, H.Mỏ Cày Bắc) cách ngôi trường cháu nội ông đang học chỉ hơn 1 km. Nhưng để đóng học phí cho cháu, ông phải kêu xe ôm đi hơn 20 km đến chi nhánh Công ty viễn thông Viettel ở H.Mỏ Cày Bắc để đóng học phí vì đơn vị này có dịch vụ thu hộ học phí cho nhà trường.
“Tôi ở nhà nấu cơm, chăm sóc cho 2 đứa cháu vì cha mẹ chúng đi làm công nhân tận Bình Dương. Cha mẹ nó gửi tiền về tháng nào đủ sống tháng đó nên tiền học cũng phải đóng từng tháng chứ lấy đâu ra đóng 1 lần cho cả năm học. Vậy mà nay lại đẻ ra thêm cái vụ tiền xe ôm cả 100.000 đồng/tháng, thiệt là khó khăn”, ông M. bức xúc.

Mang tiền mặt lên ngân hàng đóng học phí !

Hằng tháng phụ huynh mang tiền mặt lên ngân hàng đóng học phí thì mục đích không dùng tiền mặt là không đạt được

NGUYỄN VĂN MINH (Trưởng phòng GD-ĐT H.Mỏ Cày Bắc, Bến Tre)

Theo bà Đoàn Thị Kim Hoàng, Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Túc, H.Châu Thành, đa số phụ huynh không đồng tình với cách thu học phí không dùng tiền mặt. Lý do phổ biến nhất là phụ huynh còn khó khăn nên không đồng ý mở tài khoản ngân hàng hoặc mở rồi cũng không có tiền nạp vào và nhà ở xa.
Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mỏ Cày Bắc, cho biết: “Những trường hợp như ông bà chăm sóc cháu vì con phải đi làm xa, khó có thể sử dụng được công nghệ chuyển tiền trong tài khoản trên điện thoại hoặc trên máy vi tính. Trong hơn 10.000 học sinh tại 25 trường (THCS và mầm non) thuộc diện phải đóng học phí do Phòng GD-ĐT huyện quản lý thì số lượng học sinh sống với ông bà là khá phổ biến. Các trường hợp này cùng với các phụ huynh khó khăn, chưa từng hoặc ít tiếp xúc với các dịch vụ chuyển tiền của các tổ chức tín dụng sẽ gặp muôn vàn khó khăn từ việc các trường buộc phải thu phí không dùng tiền mặt. Mặt khác, hằng tháng phụ huynh mang tiền mặt lên ngân hàng đóng học phí thì mục đích đóng học phí không dùng tiền mặt là không đạt được”.
Nan giải là vậy, nhưng công văn chỉ đạo của Sở GD-ĐT Bến Tre là đến cuối tháng 10.2019 phải 100% trường, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh áp dụng xong chỉ đạo thu học phí không dùng tiền mặt và có báo cáo về Sở.

Giải pháp nào cho phụ huynh ?

Ngày 10.9, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Ngọc Bửu, Giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre, cho biết hiện Sở vẫn đang chờ các đơn vị báo cáo. “Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, UBND tỉnh chỉ đạo Sở thực hiện và theo tôi được biết thì Sở GD-ĐT Bến Tre là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai chủ trương này. Cũng vì địa phương tiên phong nên việc gặp các khó khăn là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đây là chủ trương đúng đắn phù hợp với xu hướng toàn cầu nên chúng tôi sẽ kiên trì thực hiện”, ông Bửu khẳng định.
Ông Bửu cũng nhìn nhận bất cập khi các chi nhánh ngân hàng ở các huyện tích cực tham gia nhưng đều yêu cầu phụ huynh sau khi mở tài khoản tại trụ sở của ngân hàng phải đóng tiền mặt vào. Nếu tài khoản không đủ đóng đến các lần tiếp theo thì phụ huynh phải đến ngân hàng hoặc trường đóng tiền mặt để họ nạp vào tài khoản. Cách làm này dường như không có ý nghĩa đối với chủ trương không dùng tiền mặt.
“Nếu trường nào thấy nhiều khó khăn quá thì tạm thời vẫn có thể thu học phí như cách trước giờ vẫn làm. Riêng đối với một số trường hợp phụ huynh quá khó khăn trong tiếp cận công nghệ thông tin, sử dụng trực tuyến các dịch vụ ngân hàng thì theo tôi giải pháp thu hộ thông qua nạp thẻ cào trực tiếp vào tài khoản là khả thi nhất, ai cũng có thể làm được”, ông Bửu nói.
Về việc các khoản khác ngoài học phí vẫn dùng tiền mặt trong khi tổng các khoản này nhiều hơn học phí, ông Lê Ngọc Bửu cho rằng hỗ trợ, đóng góp kiểu xã hội hóa từ phụ huynh học sinh là không giống nhau, chưa thống nhất nên chưa thể quy định phải thu qua tài khoản ngân hàng, dịch vụ thu hộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.