Trước khi hội đồng tư vấn họp, lãnh đạo một số trường khối y dược cho rằng do phổ điểm các môn khối B năm nay đều cao hơn năm ngoái, nên điểm sàn khối ngành sức khỏe sẽ có sự chuyển dịch tương ứng. Mức tương ứng này được hiểu là cao hơn từ 2 - 3 điểm.
Điểm chuẩn y khoa dự kiến cao hơn sàn rất nhiều
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y - Dược TP.HCM, cho rằng mức điểm sàn các ngành sức khỏe năm nay được xác định cao hơn 1 điểm so với 2019. Mức điểm này có thể nói là phù hợp trên cơ sở phổ điểm thi năm nay và tổng thể các trường tham gia xét tuyển khối ngành này trong cả nước. Cũng theo ông Khôi, trong hôm nay trường sẽ công bố mức điểm thấp nhất nhận hồ sơ, nhưng điểm chuẩn dự kiến sẽ cao hơn nhiều với ngưỡng đảm bảo đầu vào của Bộ.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, Phó trưởng khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã công bố điểm sàn chính thức, cụ thể: y khoa chất lượng cao và răng - hàm - mặt chất lượng cao 22 điểm, dược học chất lượng cao 21 điểm.
Tương tự, Trường ĐH Tân Tạo cũng đã xác định điểm sàn các ngành bằng với ngưỡng chung của bộ gồm: y khoa 22 điểm, điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học 19 điểm.
Định điểm sàn phải xét trên tổng thể
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), các mức sàn trên được 100% thành viên hội đồng tư vấn điểm sàn đồng ý. Việc xét để chọn phương án điểm sàn được các hội đồng tư vấn xét trên nhiều yếu tố, toàn diện và tổng thể, phải đảm bảo hài hòa ý kiến của các thành viên mà họ đại diện cho đa dạng loại hình trường (công lập, ngoài công lập), đa dạng địa bàn.
Chẳng hạn, với khối ngành sức khỏe, một số trường còn đề xuất giữ nguyên mức điểm như năm ngoái, vì thực tế tuyển sinh cho thấy có một số ngành, một số trường năm ngoái cũng đã gặp khó khăn. Vì thế, việc biểu quyết tăng mức điểm sàn so với năm ngoái 1 điểm là hội đồng tư vấn đã nghĩ đến yếu tố đảm bảo chất lượng trong bối cảnh phổ điểm năm nay cao hơn năm ngoái.
Trao đổi với Thanh Niên, GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết ủng hộ phương án chỉ tăng điểm sàn 1 điểm so với năm ngoái. “Điểm sàn này với Trường ĐH Y Hà Nội thì không có ý nghĩa, nhưng phải xét trên bình diện chung, trong đó bao gồm cả những trường tạm gọi là “nhóm 2”. Với mức độ đề thi như năm ngoái, mức điểm như năm ngoái, một số trường “nhóm 2” đã không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường ngoài công lập tuyển không được 50% chỉ tiêu. Vì thế, nếu năm nay tăng điểm sàn lên cao quá thì sẽ là khó khăn cho những trường này”, GS Văn chia sẻ.
Nhiều trường sư phạm điểm sàn cao hơn mức của Bộ
Năm nay, ngành sư phạm của cả nước có gần 70.000 chỉ tiêu (gồm cả ĐH và CĐ sư phạm mầm non). Trong khi đó năm ngoái có gần 50.000 chỉ tiêu (ĐH là 22.000, CĐ hơn 17.500 và trung cấp hơn 7.700).
Trường ĐH Sài Gòn xét thí sinh từ 16 - 21 điểm theo phương thức điểm thi tốt nghiệp. Trong đó, ngành sư phạm toán học có điểm sàn 21, cao hơn ngưỡng chung của bộ 2,5 điểm. Ba ngành xét cao hơn điểm sàn của bộ 1,5 điểm gồm: sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh và thanh nhạc.
Trường ĐH Sư phạm TP. HCM cũng đã công bố điểm sàn, ngành cao nhất cao hơn mức của Bộ đến 4 điểm.
|
Điểm sàn khối sức khỏe cao nhất là 22, sư phạm cao nhất 18,5
Ngày 17.9, Bộ GD-ĐT đã quyết định về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) với 2 nhóm ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe.
Điểm sàn nhóm ngành sức khỏe tăng hơn năm ngoái 1 điểm, cụ thể: các ngành y khoa và răng hàm mặt 22 điểm; các ngành y học cổ truyền, dược 21 điểm; các ngành còn lại 19 điểm.
Với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH, điểm sàn là 18,5. Riêng đối với các ngành năng khiếu như mỹ thuật, âm nhạc, huấn luyện thể thao, giáo dục thể chất, điểm sàn thấp hơn mức chung 1 điểm. Điểm sàn xét tuyển vào ngành giáo dục mầm non trình độ CĐ là 16,5 điểm. Tất cả đều tăng 0,5 điểm so với năm ngoái.
|
Bình luận (0)