Đỗ tốt nghiệp rồi tính tiếp...

25/06/2018 17:08 GMT+7

Đó là trường hợp của không ít thí sinh ở huyện biên giới Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Nguyễn Xuân Thúy Ngân và Cao Thị Bảo Thoa vừa phải vượt quãng đường hơn 30km để đến điểm thi là Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Ngân cho biết, hàng ngày, mình và cô bạn cùng lớp Bảo Thoa vẫn phải dậy từ hơn 5 giờ sáng để kịp 6 giờ xuất phát từ nhà đến trường. “Tuy nhiên, riêng mấy ngày thi, tụi em phải dậy sớm hơn, đi từ 5 giờ cho chắc chắn”, Ngân nói. 

Bảo Thoa kể, có những hôm đôi bạn đi học gặp trời mưa, con đường đất đỏ nhiều đoạn lầy lội không tài nào chạy xe được, phải dắt bộ. Đó là chưa kể nhiều lần xe bị hỏng giữa đường, phải dắt bộ cả 10-15 km trong khi đường vắng không một bóng người, đến 9-10 giờ đêm mới về đến nhà.

Con đường đất đỏ hàng ngày Thoa và Ngân phải vượt qua để tới trường (MỸ QUYÊN)

Ba mẹ Ngân làm rẫy, ngoài ra còn đi làm thuê như quét bồn cao su, làm cỏ… để kiếm thêm thu nhập nuôi 4 chị em. Ngân rất muốn đăng ký xét tuyển ĐH nhưng thấy ba mẹ nghèo quá nên quyết định chỉ thi để xét tốt nghiệp, sau đó sẽ đi làm kiếm tiền, khi nào đủ tiền sẽ đăng ký học. 

Trong khi đó ba của Thoa làm thợ xây sắp phải “giải nghệ” do lớn tuổi. Thoa đăng ký ngành luật Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. “Nếu em không đau, em sẽ đi làm kiếm tiền rồi đi học nghề để đỡ đần cha mẹ”, Thoa cho biết.

Cùng trường, có Thào A Trử, Lý A Cở và Giàng Văn Nam còn đi học xa hơn cả Thoa và Ngân. Cả 3 nam sinh dân tộc H’Mông này đều ở bản Đoàn Kết, xã Đắc Ngo, cách trường học tới hơn 50km. “Đường rất lầy lội, khó đi. Hôm nào nắng ráo thì tới trường hết 2 tiếng, nếu trời mưa phải dắt bộ thì cả ngày mới tới. Sau thời gian đầu đi lại quá khó khăn, tụi em quyết định ở trọ gần trường để thuận tiện cho việc học”, Trử chia sẻ.

Từ trái qua: A Trử, A Cở và Giàng Văn Nam (ảnh  MỸ QUYÊN)

Trử dự định thi xét tốt nghiệp xong sẽ đi làm thuê kiếm tiền đi học một nghề nào đó, hoặc sang năm thi tiếp để xét tuyển ĐH. Giàng Văn Nam cũng sẽ không xét tuyển ĐH mà đăng ký ngành thú y của một trường CĐ. Lý A Cở cũng quyết định đi học nghề công nghệ ô tô vì gia đình khó khăn, không có điều kiện đi học ĐH ở thành phố.

“Tụi em đến nay ôn thi cũng đã tàm tạm, mai sẽ cố gắng không căng thẳng để làm bài thi cho tốt. Dù thế nào cũng phải đậu tốt nghiệp đã”, Nam cười hiền.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.