Độc quyền phát hành sách giáo khoa: Nhà xuất bản Giáo dục VN kêu lỗ!

22/09/2018 08:30 GMT+7

Tại cuộc trao đổi với báo chí chiều 21.9, lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục VN đã lần đầu lên tiếng về một số vấn đề mà dư luận bức xúc thời gian qua như 'lợi nhuận khủng' khi độc quyền sách giáo khoa, sách thiết kế để chỉ có thể sử dụng được một lần...

Mỗi năm... bù lỗ hơn 40 tỉ đồng vì SGK
Ông Hoàng Lê Bách, Tổng giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục VN, cho biết: Theo quy định hiện hành thì sách giáo khoa (SGK) là mặt hàng được quản lý giá bởi Bộ Tài chính (thông qua Cục Quản lý giá). Giá bán SGK không thay đổi trong 8 năm qua (từ 2011 đến nay). Do chi phí đầu vào của SGK tăng cao, trong khi giá bán không thay đổi nên dù NXB đã tìm và thực hiện nhiều biện pháp để tiết kiệm chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhưng doanh thu phát hành SGK vẫn không thể đủ bù đắp chi phí, dẫn đến hoạt động xuất bản phát hành SGK luôn bị lỗ.
Ông Bách khẳng định: “NXB đã sử dụng các nguồn thu khác để bù đắp lỗ của hoạt động xuất bản phát hành SGK mỗi năm trên dưới 40 tỉ đồng. Điều này đã được các cơ quan kiểm toán nhà nước, thanh tra của Tổng cục Thuế… kiểm tra, xác nhận và kiến nghị NXB có giải pháp khắc phục, hạn chế việc bù lỗ cho hoạt động xuất bản phát hành SGK”.
Ông Bách dẫn chứng tại “Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016 tại NXB” ngày 26.1.2018 của Kiểm toán Nhà nước đã xác nhận: Doanh thu SGK năm 2015 là 656,6 tỉ đồng; kết quả kinh doanh mảng SGK lỗ 43,8 tỉ đồng. Doanh thu SGK năm 2016 là 735,3 tỉ đồng, kết quả kinh doanh mảng SGK lỗ 43,3 tỉ đồng. Tại báo cáo tài chính năm 2017 đã được kiểm toán độc lập, kiểm toán số liệu: doanh thu SGK là 703 tỉ đồng, lỗ 38,14 tỉ đồng.
Nội dung SGK giữ ổn định từ khi biên soạn đến nay!
Trước không ít ý kiến cho rằng SGK thay đổi liên tục hằng năm khiến năm nào người dân cũng phải mua SGK mới thay vì dùng lại SGK cũ để tiết kiệm chi phí, ông Hoàng Lê Bách khẳng định: “Sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua và Bộ trưởng GD-ĐT ký ban hành, SGK không được chỉnh sửa nội dung nếu không được Bộ GĐ-ĐT phê duyệt. Bất kỳ chỉnh sửa nội dung nào đều phải thông qua Hội đồng quốc gia thẩm định SGK xem xét và Bộ trưởng phê duyệt. Vì vậy, nội dung sách được giữ ổn định từ khi biên soạn bộ sách (2002 - 2008) đến nay”.
Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường hướng dẫn HS không ghi vào SGK
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Để khắc phục tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần, gây lãng phí như phản ánh của dư luận, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, các nhà trường hướng dẫn HS không nên viết vào sách và giữ gìn, bảo quản sách cẩn thận để có thể sử dụng được lâu dài. Giáo viên trong quá trình dạy học cần hướng dẫn HS làm bài tập, viết kết quả, trả lời câu hỏi vào vở viết, vở bài tập. Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang yêu cầu NXB giáo dục VN kiểm tra, rà soát đánh giá cụ thể việc in ấn và phát hành SGK để có đề xuất chỉnh sửa cụ thể thiết kế nhằm hạn chế tối đa việc HS ghi vào SGK, gây lãng phí.
Ông Độ cũng khẳng định: “Sắp tới, khi tổ chức biên soạn SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT sẽ quán triệt với các nhà xuất bản tham gia biên soạn SGK và các hội đồng thẩm định quốc gia về vấn đề này để khắc phục tình trạng HS viết vào SGK, tránh lãng phí như hiện nay”.
Trong trường hợp có những thay đổi lớn về quản lý nhà nước hoặc những phát hiện mới trong khoa học có ảnh hưởng sâu rộng cần phải điều chỉnh liên quan đến kiến thức trong SGK một số môn học, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo chỉnh sửa, cập nhật nội dung.
Ví dụ: Tháng 8.2008, Chính phủ đã điều chỉnh mở rộng địa giới thủ đô bao gồm cả tỉnh Hà Tây nên phải viết lại bài thủ đô Hà Nội trong sách địa lý; hay năm 2006, các nhà khoa học trên thế giới xác định Diêm Vương tinh không được xem là một hành tinh, nên SGK vật lý phải điều chỉnh kiến thức này. Tất cả các điều chỉnh trong SGK đều được Hội đồng quốc gia thẩm định xem xét và trình lãnh đạo Bộ GD-ĐT phê duyệt, NXB không được phép tự ý thay đổi hoặc thiết kế dẫn tới sách phải bỏ đi sau mỗi năm học. “Thực tế mỗi năm có gần 35% lượng SGK cũ được học sinh (HS) sử dụng lại”, ông Bách thông tin.
Nhắc HS không được viết vào SGK thông qua sách giáo viên !
Trước những phản ứng khá dữ dội về việc SGK thiết kế để HS viết vào sách khiến SGK chỉ sử dụng được một lần, Tổng giám đốc NXB này khẳng định: “SGK không thiết kế để HS viết vào sách” và lý giải: Khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã xây dựng hệ thống bài tập trong SGK theo hướng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức trình bày nhằm tạo hứng thú học tập cho HS, đồng thời giúp HS làm quen với các dạng bài tập khác nhau theo xu thế chung của SGK ở các nước phát triển. Do đó ngoài các câu hỏi, bài tập dạng truyền thống (bài tập tự luận), các tác giả có đưa vào SGK các dạng bài tập trắc nghiệm với các hình thức đặc thù như điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi (nối kết)...
Do đặc thù của một số môn học, ví dụ: Đối với sách toán dành cho HS tiểu học, đặc biệt là sách toán 1, HS bắt đầu được làm quen với các số tự nhiên, các phép toán cộng trừ và các hình khối cơ bản. Với lứa tuổi này, HS chưa có kỹ năng viết, vẽ thành thạo. Lãnh đạo NXB Giáo dục còn dẫn chứng hình chụp lại các SGK toán 1 xuất bản qua các giai đoạn, từ năm 1976 - 1979 đến nay đều có các dạng câu hỏi, bài tập trên.
Để tránh việc HS điền trực tiếp vào SGK, các tác giả đã có những khuyến cáo, nhắc nhở HS không được viết vào SGK thông qua sách giáo viên, qua chú thích dưới các bài tập trắc nghiệm trong SGK. Ví dụ: Trong SGK ngữ văn 7, trang 15 (hoặc ngữ văn 9, 11), lần đầu tiên xuất hiện “lệnh” điền/viết vào chỗ trống, tác giả đã lưu ý chú thích cuối trang: “HS chép lại và làm vào vở bài tập”.
Vở bài tập không chỉ ở VN mới có?
Trả lời câu hỏi về hệ thống vở bài tập đi kèm SGK liệu có cần thiết và có nước nào làm như vậy hay không, ông Lê Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc NXB này, cho rằng dù việc khảo sát chưa bao gồm tất cả các nước trên thế giới nhưng ở những nước đã tìm hiểu thì bên cạnh SGK, họ còn có hệ thống sách tham khảo và vở luyện tập. Đặc biệt, với những lớp ở bậc học đầu tiên cũng có vở luyện chữ viết rất nhiều.
Nhiều ý kiến quan tâm tới việc phát hành sách tham khảo của NXB và bày tỏ lo ngại trước tình trạng các trường mập mờ trong việc bán SGK kèm sách tham khảo mà không nói rõ với phụ huynh sách nào nằm trong danh mục bắt buộc.
Ông Hải giải thích: Ngoài NXB Giáo dục VN còn có khoảng gần 60 NXB khác cùng xuất bản sách tham khảo. Chính vì vậy, việc lựa chọn sách tham khảo nào, của NXB nào, cuốn nào để HS mua thuộc quyền quyết định của HS, giáo viên, cơ sở giáo dục trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. NXB Giáo dục VN chỉ phân phối SGK thông qua hệ thống kênh phát hành của mình là các công ty sách thiết bị địa phương. Bộ GD-ĐT có ban hành danh mục SGK bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12 và NXB Giáo dục VN phát hành theo danh mục SGK đó.
Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết thêm: Bộ GD-ĐT có giao cho NXB Giáo dục VN phụ trách công tác thư viện và trường học, phát triển công tác thư viện tủ sách dùng chung. Hằng năm, NXB đều xây dựng hệ thống danh mục các tủ sách và danh mục các sách tham khảo mới để cập nhật vào các tủ sách đó của các trường học. NXB Giáo dục VN thành lập một hội đồng tuyển chọn những tên sách nào tốt, đáp ứng yêu cầu của tủ sách và đưa vào danh sách và giới thiệu các sở GD-ĐT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.