Thực hiện những mô hình, phương pháp dạy học mới
Thói quen coi trọng sách giáo khoa (SGK) là chưa thể bỏ ngay, tuy nhiên, nhiều nhà trường đã chủ động thực hiện những mô hình, phương pháp dạy học mới.
Ông Văn Đức Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, H.Bảo Lâm, Lâm Đồng, khẳng định: “Mô hình trường học mới mà nhà trường thực hiện 5 năm nay đều thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông sắp triển khai nên chúng tôi sẽ không bỡ ngỡ, lo lắng. Mô hình này là tiền đề để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới khi đã đưa vào dạy học tích hợp, phát triển năng lực của học sinh”.
Tất nhiên, đổi mới ấy không phải dễ dàng. Những trường thực hiện thành công đều cho hay quá trình ấy là cực kỳ gian khổ và đòi hỏi sự kiên trì. Khi phụ huynh phản ứng, lãnh đạo nhiều trường ở Lâm Đồng phải mời phụ huynh đến dự giờ, giờ thăm lớp. “Tất cả những thay đổi ấy nếu chờ SGK mới ra đời mới thực hiện thì sẽ không thể tránh khỏi lo lắng và lúng túng”, ông Văn Đức Phương nói.
Ông Trần Đức Lợi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng, cho biết toàn tỉnh có khoảng 62% trường tiểu học và gần 20% trường THCS đang triển khai mô hình trường học mới. Nhận thấy đổi mới sắp tới tương đồng với mô hình này nên năm nay, trong văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học, ngành có chỉ đạo "cứng" là tất cả các trường dù không thực hiện mô hình này thì đều phải áp dụng những thành tố tích cực nhất của mô hình để tạo tiền đề khi triển khai chương trình mới.
Việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên dạy chương trình mới cũng đã và đang không theo bất cứ bộ SGK nào. Ông Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, đơn vị chịu trách nhiệm tập huấn và bồi dưỡng giáo viên cốt cán ở khu vực miền Trung, Tây nguyên, cho biết: “Việc không lệ thuộc vào SGK, chấm dứt coi SGK là “pháp lệnh” là xu hướng tất yếu”.
Dạy sáng tạo khi không quá phụ thuộc vào SGK
Trong giai đoạn bồi dưỡng hiện nay, các trường sư phạm cũng đã từng bước hướng dẫn giáo viên phải thực sự hiểu và phân tích được đặc điểm chương trình môn học. “Nếu giáo viên dạy cho học sinh theo kiểu truyền thụ kiến thức trong SGK một cách xơ cứng thì không thể dạy học theo hướng tiếp cận năng lực được”, ông Lưu Trang nói.
PGS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT), giải thích: Trước đây, theo thông lệ, giáo viên thường sử dụng SGK và có thể tìm hiểu thêm về đặc điểm chương trình để tổ chức dạy học. Trong giai đoạn tới, trong tay các thầy cô sẽ chỉ có chương trình giáo dục phổ thông là quy định chung, ở đó chỉ nêu ra những yêu cầu cần đạt. Các nguyên liệu để các thầy cô tổ chức hoạt động dạy học và hướng dẫn học sinh đạt mục tiêu học tập, đáp ứng yêu cầu cần đạt sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng sáng tạo của giáo viên. Như vậy, không có SGK là cơ hội để giáo viên sáng tạo. Khi tạo ra được các chủ đề dạy học tốt thì nguồn học liệu mà các thầy cô sử dụng tất nhiên sẽ đa dạng chứ không quá lệ thuộc vào SGK.
Phụ huynh “sốt ruột”
Theo Bộ GD-ĐT, tính đến ngày 1.11.2019, toàn quốc đã có hơn 17.000/28.000 giáo viên cốt cán của cả nước được bồi dưỡng trực tiếp về hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đạt hơn 60% kế hoạch. Từ đầu tháng 10.2019, khoảng 700 giảng viên chủ chốt của 7 trường sư phạm tham gia Chương trình bồi dưỡng giáo viên cốt cán của các địa phương trong cả nước.
Bà Trần Lệ Hằng, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Thạnh Mỹ, H.Đơn Dương, Lâm Đồng, cho biết phụ huynh rất quan tâm đến đổi mới sắp tới, đặc biệt người dân có thói quen xem SGK để biết con mình học cái gì, nên chưa thấy SGK mới là chưa yên tâm.
|
Bình luận (0)