Đường vào đời của thủ khoa

12/06/2018 09:05 GMT+7

Nhiều thủ khoa ĐH nổi tiếng một thời bởi hành trình vượt lên nghịch cảnh để vươn đến ước mơ. Nhiều năm trôi qua, họ đang ở đâu trên bước đường đời?

Từ “thủ khoa chăn bò” đến kinh đô ánh sáng
Năm 2012, cái tên Võ Văn Huy rất nổi tiếng với biệt danh “thủ khoa chăn bò” khi đạt điểm cao nhất vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM với 29 điểm. Hình ảnh Huy ngồi bên đàn bò học bài đã khắc ghi sâu đậm vào lòng bạn đọc cả nước.
Trước đó, ngay khi đoạt được huy chương đồng Olympic toán quốc tế, Huy cũng đã được cả nước biết đến với hành trình vượt lên nghịch cảnh của mình. Huy là anh cả trong gia đình có 3 anh em. Tuổi thơ của Huy gắn liền với công việc phụ giúp mẹ như chăn bò, hái rau, cắt cỏ, bóc vỏ hạt điều…
Năm Huy lên lớp 8 thì mẹ phát bệnh sỏi mật, mọi việc trong nhà đều do Huy gánh vác. Từ mờ sáng, Huy phải lo cho cho đàn bò chu toàn rồi mới đến trường. Huy còn đảm nhận việc đưa đón em gái Võ Thị Bích Chi vốn bị u mạch máu, rút gân chân khi mới 2 tháng tuổi nên đi lại rất khó khăn, đi học hằng ngày. Dù vậy Huy học xuất sắc toàn diện, điểm trung bình môn trên 9,0 điểm, riêng môn toán luôn là điểm 10.
Năm 2011, Huy đoạt huy chương đồng Olympic Toán quốc tế, được tuyển thẳng vào ĐH và chọn Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Tuy nhiên, học được một thời gian, Huy nhận ra mình không hợp với ngành y. Chỉ trước khi thi ĐH nửa tháng, Huy về báo lại với gia đình sẽ… thi lại vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Dù không có nhiều thời gian ôn thi nhưng Huy đã xuất sắc trở thành thủ khoa của trường này.
Sau 2 năm học ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM với điểm số trung bình rất cao (trên 9,3), Huy nhận được học bổng toàn phần của 2 chính phủ ở 2 trường ĐH danh giá trên thế giới là ĐH Bách khoa Paris và ĐH Quốc gia Singapore. Huy chọn ngôi trường đào tạo kỹ sư nổi tiếng của Pháp để theo học.
Từ Paris, Võ Văn Huy cho biết đang học thạc sĩ năm cuối ngành machine learning (máy học) và computer vision (tạm dịch: thị giác máy tính).
Với Huy, cuộc sống học tập tại Pháp không có nhiều khó khăn vì có học bổng và đi thực tập được trả lương. Tuy nhiên, nỗi buồn lớn nhất là sống xa nhà, không có người thân nên thỉnh thoảng rất nhớ “mùi” VN. Vì vậy, hầu như sau mỗi kỳ thực tập, Huy đều thu xếp về VN thăm bố mẹ, hai em, nhất là em gái út mà lúc ở nhà ngày nào Huy cũng chở đi học.
“Em không hay nhìn lại quá khứ. Nhưng đôi khi cũng thấy chặng đường mình đã đi cũng khá thú vị. Vừa được xưng là dân y dược, vừa là dân bách khoa! Nếu đưa ra lời khuyên cho các em thí sinh, em nghĩ là các em hãy nghĩ kỹ trước khi chọn ngành học. Vì cảm giác chọn lại sẽ không dễ dàng. Nên tìm hiểu trước về ngành, trường qua các anh chị mà mình quen biết và tin tưởng. Tuy nhiên, nếu đã lỡ chọn ngành khi chưa nghĩ kỹ, hãy mạnh dạn chọn lại. Còn trẻ thì khám phá một chút cũng khá hay”, Huy cho biết.
Huy cho biết sẽ tiếp tục học lên tiến sĩ ở Pháp và khẳng định chắc chắn rằng sẽ trở về VN nếu có cơ hội làm việc tại đất nước của mình.
“Thủ khoa ống cống” của trường y
Năm 2013, Nguyễn Hữu Tiến đứng đầu vào Trường ĐH Y Hà Nội. Mọi người gọi Tiến là “thủ khoa ống cống” vì bố của Tiến đã có 10 năm trời sống trong ống cống, phiêu dạt khắp các vỉa hè Hà Nội để kiếm tiền nuôi 4 người con ăn học.
Đường vào đời của thủ khoa2
Nguyễn Hữu Tiến cùng bố và em trai trước ống cống bố ở 10 năm để nuôi con ăn học Ảnh: Minh Đức
Câu chuyện của ông từng gây xúc động đến bạn đọc cả nước. Để tiết kiệm tiền lo cho các con, ông ở trong một chiếc ống cống rộng khoảng 1,2 m2, giữa một bãi đất trống. Trong ống cống không có đồ đạc gì giá trị ngoài vài bộ quần áo.
Sau khi các con vào ĐH, ông Định cũng tạm chấm dứt ở trong ống cống để ở cùng con. Giờ đây, Nguyễn Hữu Tiến bước vào năm thứ 5 tại Trường ĐH Y Hà Nội với kết quả học cũng rất tốt. “Thời gian này cha con cũng không gặp nhau được nhiều. Vì công việc hiện nay, tôi thường xuyên về nhà lúc 9 - 10 giờ tối. Tiến cũng phải đi trực ở nhiều bệnh viện. Cuộc sống đã bớt khó khăn hơn nhưng vẫn phải cố gắng rất nhiều”, ông Định cho biết.
Dù rất khó khăn và thương bố mẹ nhưng anh em Tiến chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ học. Ngay từ khi học phổ thông xin vào học “lớp chọn” cho đến khi vào học ĐH, hai anh em đều nói rằng sẽ “ghi sổ nợ” để cố gắng học thật giỏi, ra trường đi làm để báo đáp sự hy sinh cực kỳ to lớn mà bố mẹ đã dành cho mình.
Chuẩn bị mọi thứ chờ cơ hội
Hồ Thụy Ngọc Trâm là thủ khoa đầu vào, đầu ra của Trường ĐH Luật TP.HCM.
Đường vào đời của thủ khoa1
Hồ Thụy Ngọc Trâm hiện nay Ảnh: Đăng Nguyên
Trâm từng là học sinh của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM). Trâm kể bí quyết học tập là khi ôn thi, cứ thấy điều gì hay là chép vào một cuốn sổ tay và lúc rảnh rỗi lấy ra đọc lại. Điều này giúp cho việc ghi nhớ dễ dàng hơn và không quên kiến thức. Nhờ vậy, đến giai đoạn nước rút, Trâm chỉ cần học rất ít vì những kiến thức trước đó đã nhớ rồi.
Từ khi học THPT, Trâm quen với một nhóm làm từ thiện do các cựu học sinh THPT Mạc Đĩnh Chi thành lập. Vào ĐH, cô đăng ký làm tình nguyện viên để có thời gian rong ruổi khắp các tỉnh, thành chữa bệnh miễn phí cho người dân.
Tháng 9.2010, Trâm ra trường với điểm rất cao, trở thành thủ khoa đầu ra của trường. Đến tháng 4.2011, cô gửi hồ sơ xin học bổng đến ĐH Melbourne (Úc). Đánh giá cao khoảng thời gian Trâm làm tình nguyện, trường này quyết định cấp cho Trâm học bổng ngành luật thương mại. Tháng 8.2013, Trâm trở về nước, vào làm tại Công ty luật Frasers, một trong những công ty luật nước ngoài lớn nhất tại VN. Cô nhanh chóng đạt đến chức danh Senior Associates dành cho luật sư có nhiều kinh nghiệm, quan trọng với công ty, có thể tự mình phụ trách một vụ việc pháp lý độc lập.
Nói về chặng đường từ khi trở thành thủ khoa đến hiện tại, Ngọc Trâm cho biết điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho mình mọi thứ để khi cơ hội đến sẽ sẵn sàng nắm bắt. Để chuẩn bị cho việc du học, Trâm học tiếng Anh miệt mài, đi làm tình nguyện không mệt mỏi, học xuất sắc nhất có thể. Để trở thành một luật sư ngành thương mại, mọi kiến thức và kinh nghiệm được Trâm tích lũy tối đa. Điều này lý giải cho việc cô gần như thành công ngay lần đầu tiên khi cơ hội đến.
Tìm mục tiêu để phấn đấu
Phạm Thị Ngọc Biển, thủ khoa năm 2014 của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, lớn lên và học giỏi từ gánh đậu hũ mà mẹ đi bán khắp TT.Liên Sơn (H.Lắk, Đắk Lắk). Biển cho biết chia sẻ những gì đã qua thì sẽ có rất nhiều điều để nói. Tuy nhiên, để khuyên thí sinh thì chỉ có một ý duy nhất, là các em phải tìm được cho mình một mục tiêu để phấn đấu, hay nói cách khác là hiểu mình mạnh ở điểm nào để phát huy nó.
Phạm Văn Tiên (H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) mồ côi mẹ nhưng thi tốt nghiệp THPT đứng đầu tỉnh và trở thành thủ khoa của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM năm 2012. Giờ đây, Tiên là một phóng viên được biết đến với hàng trăm bài báo chuyên bảo vệ, giúp đỡ những số phận khó khăn, nhất là phụ nữ và trẻ em. “Với bản thân mình, chỉ cần cố gắng, tập thích nghi với môi trường mới, đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, nhất định bạn sẽ thành công”, Tiên chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.