Giảm số lượng tín chỉ, coi chừng chất lượng đào tạo ngành kỹ thuật

02/01/2020 08:28 GMT+7

Theo đại diện các trường ĐH khối kỹ thuật và công nghệ , dù luật Giáo dục ĐH cho phép đào tạo 3 - 4 năm là có thể cấp bằng cử nhân cho người học nhưng trước mắt, các trường sẽ duy trì chương trình đào tạo kỹ sư.

 

Cử nhân kỹ thuật khó xin việc

Lý do, theo các trường là cầm bằng cử nhân kỹ thuật, sinh viên khó xin việc do các doanh nghiệp vẫn ưa chuộng người học tốt nghiệp các chương trình đào tạo kỹ sư hơn cử nhân kỹ thuật.
Theo PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trước đây, với khối ngành kỹ thuật, nhà trường chỉ thực hiện chương trình đào tạo 5 năm, sinh viên (SV) tốt nghiệp ra trường được cấp bằng kỹ sư. Từ các năm 2011 - 2012 đến nay, trường bắt đầu mở một số ngành cử nhân kỹ thuật, với chương trình đào tạo 4 năm. Tuy nhiên, các chương trình cử nhân kỹ thuật không được người học quan tâm bằng các chương trình kỹ sư. Do đó, dù chỉ tiêu ít nhưng điểm chuẩn các ngành cử nhân kỹ thuật vẫn thường thấp hơn các ngành kỹ sư (trong cùng ngành chuyên môn). Thậm chí, nhiều SV sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân kỹ thuật vẫn muốn học thêm 1 năm để có bằng kỹ sư.

Không nên khuyến khích diện đại trà rút ngắn thời gian học, mà vẫn nên xác định 5 năm là thời gian cần thiết cho một chương trình đào tạo kỹ sư có chất lượng

 PGS Trần Văn Tớp

PGS Trần Văn Tớp nói: “Với luật Giáo dục ĐH sửa đổi, trường có thể xây dựng chương trình tích hợp, còn gọi là chương trình học thẳng. SV nào hoàn thành đủ số tín chỉ tích lũy cần thiết thì được cấp bằng cử nhân, SV nào học hết chương trình 5,5 năm (tức khoảng 175 tín chỉ) thì được cấp bằng kỹ sư”.
PGS Tớp cho biết thêm: “Khóa tuyển sinh năm 2019, trường tổ chức dạy 2 chương trình song hành. Giờ có hướng dẫn thực hiện luật rồi thì trường sẽ tích hợp 2 chương trình, để cho SV lựa chọn học tiếp hay dừng lại sau khi hoàn thành chương trình cử nhân. Hiện nay, xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng vẫn đang trọng vọng bằng kỹ sư, nên nhu cầu người học với chương trình kỹ sư vẫn còn rất lớn”.
PGS Phạm Xuân Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, cho biết: “Xu hướng của thế giới là đào tạo ĐH 4 năm. Tuy nhiên, thực tế của VN, để kỹ sư ra trường làm việc được luôn, các doanh nghiêp vẫn muốn tuyển dụng kỹ sư 4,5 năm hoặc 5 năm chứ không tuyển cử nhân kỹ thuật do học hết chương trình đó, các em chưa đủ kiến thức để làm việc”.

Ngành kỹ thuật, học dưới 150 tín chỉ là thảm họa

Theo GS Phan Thanh Sơn Nam, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, riêng với các ngành kỹ thuật, công nghệ và các ngành khoa học tự nhiên, nếu cứ máy móc áp dụng đào tạo ĐH là đào tạo chương trình cử nhân đại trà (mà trong đó quy định khối lượng học tập tối thiểu 120 tín chỉ) thì sẽ là một thảm họa cho nhiều thế hệ.
Theo ông Nam, chẳng phải ngẫu nhiên mà ở Úc, trong khi nhiều ngành cử nhân chỉ học 3 năm, nhưng với khối ngành kỹ thuật thì phải học 4 năm. Ở Anh, tuy một số ngành kỹ thuật cũng học 3 năm, nhưng bù lại, trước khi vào học, SV phải học để thi chứng chỉ A level, nghĩa là đã phải học những môn giống môn đại cương phải học ở trường ĐH; còn SV quốc tế thì cũng phải học thêm 1 năm dự bị trước khi vào ĐH.

Khung trình độ quốc gia

Theo khung trình độ quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18.10.2016, cấu trúc khung trình độ quốc gia gồm có bậc trình độ, chuẩn đầu ra, khối lượng học tập tối thiểu, và văn bằng/chứng chỉ.
Về bậc trình độ thì có 8 bậc, trong đó người tốt nghiệp ĐH có thể tương đương với trình độ bậc 6 hoặc 7. Người đã có bằng tốt nghiệp ĐH (mà trình độ tương bậc 6), nếu hoàn thành một khối lượng học tập tối thiểu 60 tín chỉ, đồng thời đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7, thì được cấp bằng thạc sĩ. Mặt khác, người học có bằng tốt nghiệp ĐH mà chương trình đào tạo có khối lượng học tối thiểu 150 tín chỉ, đáp ứng chuẩn đầu ra tương đương bậc 7, thì được công nhận có trình độ tương đương bậc 7.
GS Nam phân tích thêm: “Chương trình cử nhân kỹ thuật hóa ở Mỹ khoảng 130 tín chỉ, kéo dài khoảng 4 năm. Nếu bê nguyên xi chương trình này về VN thì SV phải học khoảng 149 tín chỉ may ra mới tương đương về mặt cơ học với người ta. Đó chỉ mới là tương đương về mặt cơ học, chứ xét kỹ ra, từ cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, mình đều thua người ta. Vì vậy, cử nhân các ngành kỹ thuật hay khoa học tự nhiên ở VN mà học dưới 140 tín chỉ sẽ là thảm họa”.
Theo PGS Trần Văn Tớp, hiện nay các trường đào tạo kỹ sư theo nhiều chương trình khác nhau. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chẳng hạn, một chương trình kỹ sư tối thiểu 161 tín chỉ. Nhưng cũng có một số trường đào tạo kỹ sư nhưng chỉ 4,5 năm, tương đương 140 - 143 tín chỉ. Như vậy, theo khung trình độ quốc gia, sản phẩm đầu ra của những chương trình này chưa đạt trình độ tương đương bậc 7. Trong quá trình góp ý kiến xây dựng dự thảo nghị định, các trường đó cũng đã nắm được tinh thần mà nghị định muốn biểu đạt, nên đã hiểu là muốn chương trình đào tạo kỹ sư của mình đạt yêu cầu chuẩn đầu ra tương đương trình độ bậc 7, họ phải bổ sung tối thiểu 7 - 10 tín chỉ.

Không nên khuyến khích sinh viên rút ngắn thời gian học

Về việc SV học dồn trong 4 năm để có bằng kỹ sư, rồi từ đó cho rằng có thể đào tạo kỹ sư trong một chương trình 4 năm, PGS Trần Văn Tớp cho rằng có sự lẫn lộn về khối lượng học tập và thời gian để thực hiện khối lượng học tập đó. Không phải ngẫu nhiên mà các nước đều quy ước khối lượng 30 tín chỉ để xem nó tương đương với khối lượng học tập của SV trong một năm học, bởi để đạt chuẩn mực về chất lượng thì phải có một thời gian vật chất tương ứng phù hợp. Cũng có những SV trong một năm học được 40 tín chỉ, nên chỉ 4 năm là hoàn thành chương trình đào tạo 160 tín chỉ, nhưng đó là những trường hợp xuất sắc và SV phải rất nỗ lực.
“Chúng ta cho phép các em học tăng số lượng tín chỉ để rút ngắn thời gian học, nếu các em có khả năng. Nhưng thực hiện một cách có chất lượng khối lượng học tập lớn trong một thời gian ngắn thì các em phải xuất sắc, mà trong một khóa học thì không có nhiều em xuất sắc. Vì thế, không nên khuyến khích diện đại trà rút ngắn thời gian học, mà vẫn nên xác định 5 năm là thời gian cần thiết cho một chương trình đào tạo kỹ sư có chất lượng”, PGS Tớp nói.

Bằng kỹ sư chương trình PFIEV tương đương trình độ thạc sĩ 

Năm 2019 ghi dấu mốc 20 năm thành lập Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại VN (PFIEV). Đây là chương trình được các trường đào tạo kỹ sư nổi tiếng của Pháp tham gia hợp tác xây dựng giai đoạn đại cương.
Chương trình PFIEV được triển khai tại 4 trường ĐH của VN. Hiện chương trình PFIEV đã tuyển sinh được 21 khóa với gần 6.300 SV. Từ năm 2004 - 2019, chương trình PFIEV có 16 khóa tốt nghiệp với khoảng 4.000 kỹ sư, trong đó có hơn 300 SV PFIEV đi học song bằng và thực tập tốt nghiệp tại các trường đối tác Pháp theo các nguồn học bổng khác. Trên cơ sở đánh giá của Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp, Cộng hòa Pháp đã 3 lần công nhận bằng kỹ sư của chương trình (giai đoạn 2004 - 2010, 2010 - 2016 và 2016 - 2022). Bộ GD-ĐT VN cũng công nhận bằng kỹ sư chương trình PFIEV tương đương trình độ thạc sĩ. Từ năm 2016, kỹ sư tốt nghiệp các chương trình PFIEV được Bộ GD-ĐT công nhận tương đương trình độ thạc sĩ, nhưng người học vẫn phải thêm 6 tháng làm luận văn bổ sung mới được cấp bằng thạc sĩ khoa học.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.