Trao đổi với Thanh Niên về kết quả phiên làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với Bộ Công an và Bộ Giáo dục - Đào tạo về vụ việc sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua chiều qua (23.4), bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban, cho biết đây là phiên làm việc giữa Thường trực Ủy ban với các bộ, ngành liên quan về gian lận tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, để chuẩn bị nội dung cho phiên họp Ủy ban trước kỳ họp thứ 7 sắp tới.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo và Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) đã báo cáo, cung cấp thông tin về kết quả điều tra, xử lý sai phạm tính đến thời điểm này; qua đó, làm rõ thêm tính chất, mức độ sai phạm, hình thức xử lý đối với các đối tượng có liên quan tới sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
"Qua nội dung báo cáo của các cơ quan, những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đã được nhìn nhận là vấn đề hết sức hệ trọng, do vậy, tinh thần chung là cần được xem xét, xử lý nghiêm minh. Tính đến thời điểm này, nội dung sai phạm đã cơ bản làm rõ. Hầu hết đối tượng liên quan tới vụ việc gian lận điểm thi cũng đã bị xử lý với các hình thức, mức độ khác nhau, theo quy định của pháp luật", bà Hoa cho biết.
|
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa: Chúng tôi rất chia sẻ với những khó khăn, vất vả của Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng như cơ quan điều tra, vì đây là vụ việc phức tạp, diễn ra ở diện rộng, liên quan tới nhiều đối tượng, sai phạm diễn ra khá tinh vi. Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn.
Có thể nói, những sai phạm trong kỳ thi đã từng bước được xử lý nhưng xét về tiến độ vẫn còn chậm; một số vấn đề chưa được làm sáng tỏ khiến dư luận tiếp tục bức xúc. Chẳng hạn, ngoài 16 cán bộ liên quan trực tiếp tới Hội đồng chấm thi có hành vi sai phạm tại cả 3 địa phương Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La đã bị khởi tố tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, còn những ai liên quan khác?
Rõ ràng họ không tự nhiên phạm tội, mà chịu sự tác động từ những người khác, với các hình thức khác nhau, để nhờ nâng điểm cho các thí sinh. Cho đến thời điểm này, những người ấy vẫn chưa được phát hiện, xử lý, cho thấy cơ quan điều tra cần phải tích cực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để điều tra, làm rõ. Nếu liên quan tới thành phần cán bộ, công chức nhà nước thì cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra.
Việc một số thí sinh được nâng điểm nhưng nhiều trường đại học vẫn cho các em này tiếp tục theo học cũng đang khiến dư luận băn khoăn. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
Một vấn đề khác, trong số 222 thí sinh phát hiện được nâng điểm ở cả 3 địa phương nói trên đã được trả về điểm thật, đa số đã được xử lý bằng hình thức cho thôi học; nhưng còn một số trường hợp thí sinh dù thuộc nhóm này vẫn tiếp tục được theo học tại các trường đại học thì sao?
Đành rằng có thể là lỗi do người lớn can thiệp, nhưng không thể nói là các em vô can. Do vậy, vẫn cần có những hình thức xử lý phù hợp để bảo đảm công bằng cho những người học thật, thi thật. Có vậy mới ngăn ngừa được sai phạm, hướng tới một kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng, thực chất.
Tránh kéo dài vụ việc dẫn đến tâm lý hoài nghi
Quan điểm của Ủy ban trong việc xử lý đối vụ việc gian lận nêu trên như thế nào?
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thống nhất một quan điểm chung là việc xử lý phải đảm bảo nguyên tắc nghiêm minh, đúng pháp luật, sai đến đâu xử lý đến đó. Việc xử lý phải công khai, minh bạch và không có vùng cấm.
Quá trình xử lý phải dựa trên những quy định của pháp luật nhưng cũng cần lưu ý đến tác động xã hội cả về mặt tích cực và tiêu cực. Đặc biệt, đối với các thí sinh được nâng điểm thì rõ ràng phải xử lý nghiêm, nhưng cần chú ý đến các giải pháp phù hợp, vừa bảo đảm công bằng xã hội, vừa có tính chất giáo dục.
Vậy Ủy ban đã kiến nghị gì đối với các cơ quan công an trong việc xử lý hành vi gian lận tại kỳ thi 2018?
Để việc xử lý được nghiêm minh, công bằng với tất cả các đối tượng liên quan đến những sai phạm trong kỳ thi năm 2018, Ủy ban đã đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị có liên quan giải quyết dứt điểm vụ việc và công bố công khai, rộng rãi kết quả điều tra, xử lý theo pháp luật; tránh kéo dài vụ việc dẫn đến tâm lý hoài nghi trong dư luận.
Cần xử lý nghiêm các đối tượng liên quan, từ những cán bộ làm sai lệch kết quả thi, các thí sinh cho tới người thân của thí sinh, các thí sinh. Tinh thần chung là xử lý nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng người đúng tội.
Còn đối với Bộ Giáo dục - Đào tạo?
Đối với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Ủy ban đã đề nghị Bộ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra và các địa phương, đơn vị có liên quan để xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc người đứng đầu ngành giáo dục và Ban chỉ đạo kỳ thi tại các địa phương để xảy ra sai phạm; đưa ra hình thức xử lý phù hợp đối với các thí sinh liên quan đến sai phạm hiện chưa được xử lý; bổ sung vào quy chế thi THPT năm 2019 quy định về việc xử lý gian lận trong coi thi, chấm thi để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy chế thi hiện hành.
Đặc biệt, cần phải tăng cường giám sát, phát huy vai trò của các trường đại học, cao đẳng và các địa phương trong các khâu tổ chức thi, chấm thi; giao trách nhiệm và phân cấp cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào tổ chức kỳ thi để tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và những năm tiếp theo.
Bình luận (0)