Hoàng Nguyễn <[email protected]>: Tôi thực sự thông cảm với những nỗi niềm riêng cuối năm của bạn và cũng chạnh lòng khi nghĩ về chúng ta - những người ăn lương nhà nước. Vợ chồng tôi đều là những người "ăn lương" (vợ tôi cũng là giáo viên tiểu học, tôi là một cán bộ đầu ngành cấp tỉnh). Mỗi khi mua bán hay có công việc gì đó cần một món tiền kha khá, tôi đều phải chịu những lời than phiền từ bà xã. Nhiều lúc tôi cũng không thể tự giải thích được tại sao. Cứ nói lương thấp, nhưng tại sao người ta lại cứ phải bỏ tiền ra hàng chục hàng trăm triệu đồng để được vào làm công ăn lương Nhà nước (nghề giáo cũng không ngoại lệ)? Trở lại câu chuyện mà cô đặt ra. Tôi là kẻ "ngoại đạo" nhưng luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Nhiều lúc tôi cảm thấy xót xa khi mà mỗi kỳ thi người ta lại cứ phải "giam lỏng" các thầy cô giáo ra đề? Ở các hội đồng thi lúc nào cũng thấy bóng các anh công an, bảo vệ. Thử hỏi niềm tin vào những người "lái đò" để đưa các thế hệ tương lai đến chân trời tri thức có còn? Gần đây nhiều người là công chức viên chức đã phải lựa chọn con đường sinh nhai khác - không làm việc trong cơ quan nhà nước, kể cả những người có chức có quyền. Đó là câu chuyện mà tôi muốn nói với cô: chỉ bằng đồng lương chân chính thì chúng ta chỉ có thể tồn tại mà thôi, và như thế nếu có cho chúng ta hưởng lương bộ trưởng thì cuộc sống cũng không cải thiện được là bao.
Nguyễn Văn Trung <[email protected]>: Tôi cũng là một giáo viên, đọc những ý kiến của bạn, quả thật nghe sao nó chua xót quá! Tôi vừa xem chương trình thời sự của VTV, người ta đã so sánh tiền thưởng Tết của một giáo viên cấp 2 ở Hà Tây và một cô gái làm việc ở một ngân hàng ngoài quốc doanh. Một bên được thưởng gần 30 triệu tiền Tết, một bên được cho 150 nghìn đồng! Cô giáo đó cũng còn may chứ ở chỗ tôi, giáo viên cấp 1, cấp 2 chẳng có khái niệm tiền Tết đâu; thường thì người ta cho ứng lương để ăn Tết, qua Tết thì... Ở trường tôi, thi thoảng có một vài giáo viên mua vé số, tôi hỏi họ nếu trúng số thì làm gì, họ trả lời: nếu trúng số thì nghỉ dạy kiếm việc gì đó mà làm. Nghe thật tiêu cực nhưng cũng có lý!
Mimi <[email protected]>: Ở đâu trên trái đất này sự nghiệp trồng người cũng lắm gian nan. Song có lẽ ít ở đâu, sự nghiệp này lại gian nan và cực nhọc như ở VN những năm gần đây!? Phía nào cũng đầy những nỗi lo: trò (người học), thầy (người dạy), phụ huynh (người chi), Nhà nước (nhà quản lý), xã hội (phía sử dụng). Thế mà vẫn chưa thoát khỏi cái "vòng kim cô" quái ác... Bài viết rất đáng để tất cả chúng ta phải suy ngẫm. Cứ cái kiểu dạy-học-đào tạo-sử dụng còn quá nhiều bất cập và lãng phí (về tiền bạc, thời gian, sức khỏe, chất xám) như hiện nay thì không những không thể cải thiện được lương bổng cho công chức, nâng cao đời sống thực chất cho người dân mà còn có nguy cơ làm kiệt quệ giống nòi. Thật là vô cùng nguy hiểm!
Hạo Nam <[email protected]>: Có lẽ cần phải cám ơn tác giả bài viết khá xuất sắc này. Hy vọng là ngành giáo dục của mình và các cán bộ có chức trách sẽ hiểu và thấu đáo những gì được đề cập trong bài viết. Thực tế cho thấy, việc học bây giờ hoàn toàn khác xưa, khi mà trẻ nhỏ phải học quá sức. Các bác cán bộ nhà ta khi qua bên Tây bên Tàu nhìn thấy nền giáo dục của các nước bạn thì liền ép nước ta phải được y chang như vậy. Chỉ biết đề cập và đặt ra mục tiêu chứ các bác có làm đâu mà hiểu thấu được cái khó của giáo viên và cái khổ của học trò.
Tri <[email protected]>: Phản ánh của tác giả thật trung thực, trung thực đến chua xót. Vợ tôi cũng là giáo viên (cấp 3, TP.HCM), nếu 1 tuần dạy 18 tiết thì lương cũng chỉ dưới 2 triệu, mà thời gian chăm sóc cho con cái (2 đứa) lại không nhiều vì phải soạn giáo án, chấm bài..., nên 2 con tôi phải thuê người giúp việc chăm sóc. Lương người giúp việc chỉ thấp hơn lương của vợ tôi có 500 ngàn thôi (mà còn không dám nói nặng nhẹ gì hết nếu không muốn tìm người giúp việc khác, mà tìm người giúp việc bây giờ cũng đâu có dễ!). Tôi bảo vợ tôi nghỉ ở nhà để chăm sóc gia đình và con cái thì vợ tôi lại bảo là không nghỉ được vì yêu nghề, không muốn xa trường lớp. Nói như bạn, "có thực mới vực được đạo", mình tận tâm với công việc nhưng thù lao không đủ sống thì làm sao có sức khỏe và duy trì được sức khỏe để phục vụ chứ? Nếu tôi cũng là giáo viên thì không biết cuộc sống gia đình và 2 con của tôi sẽ ra sao?
viphunuvn <[email protected]>: Cái khổ về cơ sở vật chất thì ai cũng biết, ai cũng than. Song cái khổ mà nhiều giáo viên như chúng ta chưa nói ra được, bạn biết không, đó là cách quản lí quản giáo dục như hiện nay không cho ta cái hứng thú để dạy học. Ta có thể thông cảm với cơ sở vật chất vì đất nước đang nghèo, nhưng sự dọa dẫm của một bộ phận lãnh đạo, cộng với sự yéu kém chuyên môn đã đẩy đội ngũ giáo viên trẻ lãng phí tuổi cống hiến cho giáo dục, còn đội ngũ giáo viên nhiều tuổi tăng thêm nếp nhăn vô nghĩa. Tôi chỉ mong năm mới, Bộ Giáo dục - Đào tạo nghiên cứu và có biện pháp tạo điều kiện cho lớp trẻ được cống hiến nhiều hơn thôi!
Dai Han <[email protected]>: Bạn đã nói đúng những điều còn ray rứt của những người dạy học như chúng ta. "Có thực mới vực được đạo", theo tôi nhớ không lầm thì 2 năm qua chúng ta đã tăng lương 4 lần, vậy mà vẫn không đủ sống. Còn thưởng Tết, một chuyện quá xa vời đối với giáo viên. Như tôi, hai vợ chồng đều là giáo viên, nhưng chẳng có năm nào chúng tôi dư dả để sắm đồ Tết cho cả nhà chứ chưa nói đến chuyện sắm các vật dụng thiết yếu khác.
Tran Hung <[email protected]>: Mặc dù không làm nghề giáo nhưng tôi thấy những gì tác giả kể ra, dường như quá thật! Xin gửi đến bạn, người giáo viên trẻ đầy dũng cảm khi viết bài này lời chúc tốt đẹp nhất, cho tất cả những giáo viên, những thầy cô đã hết mình vì sự nghiệp giáo dục! Mong rằng ngài Bộ trưởng sẽ đọc bài này để hiểu thêm được những khó khăn của nghề giáo.
Hà Thanh Tú <[email protected]>: Tiếp thư bạn Nguyễn: "Thưa thầy Nguyễn Thiện Nhân, tôi mạnh dạn thưa với thầy rằng phải "làm cách mạng" về giáo dục thôi. Mấy chục năm qua nước ta đã tiến hành cải cách giáo dục và kết quả thì như mọi người đã thấy: "Hai không", rồi "ba không" và nhiều "không" nữa thì ngành giáo dục chỉ nhích nhích lên thôi, nhưng học sinh bỏ học tràn lan và mươi năm nữa chúng ta sẽ có một số lượng không nhỏ "chủ nhân ông" mù chữ và học lực thấp. Vậy thì có nên tiếp tục cải cách theo hướng này? Thầy là tư lệnh ngành giáo dục, xin thầy sớm quyết đoán!".
Nguyen Thanh Tai <[email protected]>: Những vấn đề tác giả nêu đã được đưa ra tại nhiều hội nghị, nguyên nhân cũng đã được chỉ ra, các biện pháp khắc phục cũng đã được nêu lên. Nhưng vẫn chưa thấy có sự thay đổi nào. Ngài Bộ trưởng suy nghĩ gì khi đọc bức thư này?
Châu <nguyen_chau_4770>: Đọc xong bài viết tôi thấy một nỗi buồn khó tả! Đội ngũ trí thức học nhiều, cống hiến lắm, họ chỉ mong có một cuộc sống đơn giản, vậy mà sao quá khó khăn. Với thu nhập như vậy thì làm sao yên tâm đứng lớp? Đầu tư cho giáo dục là đầu tư hiệu quả nhất. Ngành giáo dục đã làm gì, đang làm đến đâu để tăng đầu tư hiệu quả? Năm mới hy vọng ngành giáo dục thay đổi mạnh để giáo viên yên tâm đứng lớp, cống hiến cho xã hội.
Ngọc Thanh <[email protected]>: Ở An Giang của cháu còn có vụ giáo viên tập sự bị trừ 15% lương nữa. Lẽ ra mỗi tháng cháu có thể nhận hơn 1,6 triệu đồng thì bây giờ cháu chỉ được nhận 1.350.000đ mà thôi. Với mức lương ấy, thử hỏi làm sao giáo viên có thể toàn tâm toàn ý giảng dạy mà không vướng bận cơm áo gạo tiền? Cháu mong bác có thể lên tiếng giúp chúng cháu!
Duong Dang Quoc Bao <[email protected]>: "Gửi bạn Như Nguyễn:"Mình nghĩ bạn là một người có tâm huyết với nghề giáo. Nghề nào cũng có những khó khăn thử thách, có gian nan hy sinh, nhưng đúng như bạn nói, "có thực mới vực được đạo". Mình hy sinh với một tấm lòng yêu nghề, nhưng cái mình nhận trước mắt lại là đồng lương "một cọc ba đồng". Rõ ràng hiện thực bây giờ không thể coi là chấp nhận được!".
"Thưa thầy Nguyễn Thiện Nhân, con là người cũng đã có cơ hội đi một số nước lân cận Việt Nam, nhìn thấy nền giáo dục của người ta mà mình không khỏi thèm thuồng. Gần đây, một số trường quốc tế được thành lập ở TP Hồ Chí Minh, người ta tổ chức sao mà hay thế, cách làm giáo dục khác hẳn với những trường của mình. Con nghĩ, nếu thầy làm được một cuộc cách mạng giáo dục thật sự, thì có thể ví thầy như một vị thánh sống cứu giúp bao nhiêu học sinh trong thế kỷ này".
Thạch Nhân Quý <[email protected]>: Khi tôi vừa đọc lá thư của bạn Như Nguyễn thì cũng là lúc thầy Bộ trưởng đi ngang nhà tôi (thầy về họp giao ban ở Sóc Trăng và đi thăm trường cao đẳng gần nhà tôi). Xe lướt nhanh, tiền hô hậu ủng. Ước gì lúc đó thầy Bộ trưởng dừng xe lại ở bất cứ một xóm nhỏ nào của vùng ĐBSCL này và hỏi thăm nhà của giáo viên tiểu học hoặc trung học cơ sở để xem mức sống của họ như thế nào thì... Thầy ơi (tôi xin viết tiếp phần bạn Như Nguyễn chưa viết) đa số giáo viên ở tỉnh này đều là con nợ của ngân hàng và tất nhiên khi lãnh lương thì phải trả ngân hàng. Còn nói về thưởng cuối năm thì "chưa thấy bao giờ". Giáo viên hiện tại rất mong chờ tới ngày "giáo viên sống được bằng lương" như thầy đã từng nói!
Đặng Đức Vinh <[email protected]>: Tôi rất hiểu và thông cảm với những tâm sự của bạn Như Nguyễn. Thực tế là như vậy, chỉ có những thầy cô có thâm niên cao trong ngành thì còn tạm được, còn đối với những người trẻ tuổi thật quá khó khăn để xoay sở cho cuộc sống. Tết đến, xuân về, ai ai, cơ quan nào cũng nhận tiền thưởng Tết, ít ra cũng vài trăm ngàn đồng để động viên. Còn ngành giáo dục thì sao? Phải tự an ủi vậy! Không biết đến khi nào thì giáo viên mới có thể toàn tâm toàn ý lo cho sự nghiệp trồng người đây? Nhà nước, ngành giáo dục cần phải quan tâm hơn nữa, cần đẩy nhanh sự phát triển giáo dục, có chính sách đãi ngộ kịp thời đối với giáo viên, họ đã chờ đợi lâu quá; nhưng con em chúng ta, tương lai của chúng ta có chờ đợi được đâu?
Đỗ Vũ Hồng Ân <[email protected]>: Theo tôi, đây không phải là chuyện mới nhưng lúc nào cũng rất thời sự. Chuyện học hành nhồi nhét học sinh thì tôi rất rõ, vì ở nhà có mấy đứa cháu ruột theo học cả 3 cấp lớp. Môn chính học nhiều đã đành, những môn năng khiếu, kỹ năng như công nghệ cũng chẳng thiết thực. Con trai mà cũng phải học may vá, thiếu nhiều môn dành cho nam. Học nghề thì có thêm điện, điện tử nhưng học sinh chủ yếu vẫn chọn môn tin học và học chủ yếu là để kiếm điểm cộng cho thi tốt nghiệp. Do vừa học hành suốt ngày, trên trường lại không có những lớp dạy các kỹ năng cần thiết nên bây giờ nhiều bạn nam không biết thay cái bóng đèn, nữ không biết nấu nồi cơm (!). Còn chuyện lương thưởng của giáo viên thì đúng là một điều xót xa. Bạn tôi, 2 người làm giáo viên THCS, vẫn chưa có gia đình riêng. Chính 2 người này đôi khi cũng thắc mắc là làm sao những giáo viên khác đã có gia đình có thể nuôi nổi gia đình, con cái. Mà đấy là họ là giáo viên môn Toán và Tiếng Anh là 2 môn có thể dạy thêm nhiều nên mỗi tháng cũng đóng góp cho cha mẹ ít tiền chợ, còn lại thì tháng nào hết tháng đó. Tết này, cộng các khoản thưởng Tết được 600 ngàn, nhưng bị trừ 500 ngàn tạm ứng lương trước đó. Anh rể tôi cũng là giáo viên Anh văn phổ thông, nhưng đã ra ngoài dạy trung tâm vì ở đó lương tính theo tiết dạy, không phải lo sổ sách và chạy theo thành tích. Nhưng đó là những người dạy môn chính, còn môn khác như Sử, Địa,... không dạy thêm, dạy trung tâm ngoài thì không hiểu các giáo viên đó sống bằng gì? Nhiều người nói là làm giáo viên có biên chế nhà nước thì sau này nghỉ hưu sẽ có lương hưu, nhưng theo tôi thì cuộc sống hiện tại mới quan trọng. Vì lúc trẻ mới cần tiền để lo cho con cái học hành, lo cho gia đình đầy đủ và nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời cũng có điều kiện để nghỉ ngơi thư giãn một chút. Chứ về già rồi thì con cái đã lớn, có tiền nhiều cũng chẳng đầu tư được nữa. Với lại già cả rồi cũng chẳng còn thiết tha với hưởng thụ.
Văn Phát <[email protected]>: Tôi cũng có một người chị làm giáo viên. Thú thật cứ mỗi khi Tết đến, thấy chị lãnh tiền thưởng Tết mà xót xa cho ngành giáo dục nước nhà. Thiết nghĩ các nhà quản lý nền kinh tế Việt Nam ta cần phải xem xét và thay đổi ngay vấn đề này. Việc phân bổ tổng thu nhập quốc gia cho các ngành cần phải hợp lý hơn. Tôi mong sao lương bổng của các nhà giáo sớm được cải thiện, giúp họ có thể tạm đủ sống mà còn dành tâm huyết sống chết với nghề. Biết rằng đây là một vấn đề không dễ dàng giải quyết một sớm một chiều, nhưng với tư cách là một công dân có tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, tôi hy vọng những người có trách nhiệm sẽ sớm có giải pháp tối ưu nhất về vấn đề nêu trên.
Nguyen Khieu Kien <[email protected]>: Thư của bạn viết sao đúng hoàn cảnh của quê An Giang chúng tôi quá. Ở quê tôi còn có thêm: 1. Phổ cập giáo dục (tiểu học đúng độ tuổi, trung học cơ sở) thì làm gian làm dối để được đoàn kiểm tra công nhận. 2. Bị trừ lương. Huyện tôi cái gì cũng "vận động cưỡng chế" trên bảng lương. Xây ký túc xá cho sinh viên - trừ lương; xây cơ sở vật chất để trường đạt mức chất lượng tối thiểu - trừ lương... 3. Ngành tài chính tỉnh An Giang buộc giáo dục phải dự toán trên mức lương tối thiểu 350.000 đồng chứ không phải là 540.000 đồng nên đưa đến nợ kinh phí cho ngành giáo dục. Tiền dạy thêm chậm trả trên 6 tháng là chuyện bình thường. Khổ quá Bộ trưởng ơi!
Nguyễn Hồng Hạnh <[email protected]>: Mình cũng là một giáo viên và rất cảm thông với bạn. Chúng ta đã lựa chọn con đường này, dẫu biết là vất vả song luôn cố gắng vượt lên chính mình, vượt lên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; song cũng không ít lần chạnh lòng trước nhiều vấn đề của cuộc sống. Mình hy vọng lá thư của bạn sẽ được thầy Nhân đọc và tương lai nghề giáo sẽ tốt đẹp hơn.
Nguyễn Thanh <[email protected]>: Đọc bài viết, tôi chạnh lòng vì thu nhập của các nhà giáo. Các thầy cô giáo là những máy cái sản xuất ra những cỗ máy con cho xã hội. Thu nhập của họ phải ngang bằng với các ngành khác trong xã hội thì mới nói chuyện họ toàn tâm toàn ý cho dạy học được. Kéo dài tình trạng thầy cô giáo có thu nhập thấp thì không thể mơ đến việc Việt Nam có một nền giáo dục tiên tiến được.
Lâm Ngọc Kiên <[email protected]>: Bức thư làm tôi tâm đắc quá! Suy nghĩ của bạn cũng là nỗi trăn trở của rất nhiều phụ huynh học sinh trong cả nước (trong đó có tôi). Thiết nghĩ ngành giáo dục, mà chủ trì là ngài Bộ Trưởng phải nhanh chóng đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà (đổi mới từ cách dạy, cách học, chương trình đến chế độ đối với giáo viên; đổi mới từ bậc học thấp nhất là mẫu giáo cho đến bậc cao như tiến sĩ...) để thế hệ con cháu chúng ta sau này đừng trách cha ông nó khi xưa quá vô tâm để chúng phải chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa ở các nước lân cận.
Hoàng Thanh <[email protected]>: Cảm ơn bạn Như Nguyễn đã có một bài viết tuyệt vời. Bạn đã thay mặt rất nhiều giáo viên nói nên tâm sự của một người thầy mà trước nay chưa ai nói (chính xác hơn là không ai dám nói ), mặc dù những ý kiến của bạn chỉ nói nên được 1/10 sự thật trong ngành giáo dục. Còn rất nhiều cái bất công nữa mà có lẽ chắc do dài quá nên bạn không viết hết. Tôi chỉ băn khoăn không biết Bộ trưởng có thời gian đọc lá thư này không? Nếu có đọc thì Bộ trưởng sẽ giải quyết thế nào?
Trinh Hậu <[email protected]>: Ước gì mỗi trường học, từ nhà trẻ, mẫu giáo cho đến các trường cấp 3 đều có một vài thảm cỏ xanh cho học trò lớn vui chơi đá bóng đá cầu, các cháu nhỏ mẫu giáo được vật nhau lăn lộn đùa giỡn trên đó. Có ai thấy các trường học ở các thành phố Việt Nam có thảm cỏ không? Buồn thay là rất hiếm! Thảm cỏ xanh đã biến mất, các cánh đồng lúa đã và đang bị đẩy lùi ra thật xa thành phố, rừng cũng đang bị co lại, còn các dòng sông thì đang chết. Hai mươi tỉ đô la là bao nhiêu? Có mang lại niềm vui cho con cháu chúng ta không ?
K.H (tổng hợp)
Bình luận (0)