Giáo dục quyền uy tạo ra 'người máy': Sẽ dạy học sinh nêu ý kiến ngay từ tiểu học

06/12/2018 08:16 GMT+7

Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ khắc phục lối giáo dục truyền thụ kiến thức một chiều, rập khuôn với việc đặt ra mục tiêu giúp người học sáng tạo, làm chủ kiến thức, có cá tính, có tư duy phản biện...

Tư duy phản biện là nội dung quan trọng
Công bố trong tháng 12
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Đến thời điểm này, chương trình giáo dục phổ thông đã cơ bản hoàn tất để xin ý kiến của các bộ ngành liên quan. Tháng 12 này, Bộ GD-ĐT sẽ có họp báo để công bố chi tiết việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Khi góp ý cho dự thảo chương trình này, không ít ý kiến đề nghị cần phải đưa vào chương trình mới việc hình thành tư duy phản biện cho học sinh (HS). Xung quanh ý kiến này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, cho hay: “Tư duy phản biện là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong chương trình mới”.
Ông Thuyết nêu ví dụ một trong những biểu hiện của tư duy phản biện ở HS các cấp học được chương trình tổng thể chỉ ra là: “Nêu được thắc mắc về sự vật, hiện tượng; không e ngại nêu ý kiến cá nhân trước các thông tin khác nhau về sự vật, hiện tượng” (HS tiểu học); “Quan tâm tới các chứng cứ khi nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng; đánh giá vấn đề, tình huống dưới những góc nhìn khác nhau” (THCS); “Không dễ dàng chấp nhận thông tin một chiều; không thành kiến khi xem xét, đánh giá vấn đề; quan tâm tới các lập luận và minh chứng thuyết phục; sẵn sàng xem xét, đánh giá lại vấn đề” (THPT).
Một trong những mục tiêu hàng đầu mà chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra là giúp người học làm chủ kiến thức phổ thông; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú…

Mục tiêu này được cụ thể hóa ở từng môn học. Ví dụ với môn ngữ văn, yêu cầu đặt ra với giáo viên (GV) khi dạy môn này trong chương trình mới là cần khơi gợi, tổ chức cho HS tìm hiểu, khám phá để tự mình bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện những hiểu biết ấy. Cần khuyến khích HS trao đổi và tranh luận, đặt câu hỏi cho mình và cho người khác khi đọc, viết, nói và nghe; tránh máy móc rập khuôn, không tuyệt đối hóa một phương pháp mà biết vận dụng các phương pháp linh hoạt, phù hợp; mở rộng không gian dạy học và các hình thức học tập.
Tôn trọng cách tiếp cận của học sinh
PGS Đỗ Ngọc Thống, chủ biên chương trình môn ngữ văn mới, cho rằng quan trọng nhất là cách dạy của GV. Ví dụ lâu nay chúng ta cứ dạy cho HS cái hay của tác phẩm văn học cụ thể nào đó nhưng cái hay ấy chủ yếu là theo thầy cô, theo sách là chính. Còn bây giờ cái đó phải lùi xuống, nhường chỗ để tôn trọng cách tiếp cận của HS, hướng dẫn HS cách đọc và để các em tự cảm nhận, tự phát biểu suy nghĩ của mình về tác phẩm. Dạy viết cũng vậy, chúng ta đưa ra một đề tài và phải tôn trọng ý tưởng của HS, tránh tả con mèo thì 100 con mèo trong bài văn của học sinh đều giống nhau.
Với môn toán, GS Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình môn toán mới, cho rằng GV cần quán triệt tinh thần “lấy người học làm trung tâm”, chú ý nhu cầu, năng lực nhận thức, cách thức học tập khác nhau của từng cá nhân. Cần chú ý cách tiếp cận dựa trên vốn kinh nghiệm và sự trải nghiệm của HS.
Trao quyền tự chủ, tự quyết
Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại với phương pháp, mô hình giáo dục đang bị “đồng phục” hóa như lâu nay dẫn tới người học thụ động, rập khuôn, máy móc. Tuy nhiên, muốn làm được điều này thì phải trao quyền tự chủ, tự quyết nhất định cho các trường, các sở GD-ĐT chứ không phải mọi việc đều dồn lên Bộ GD-ĐT và “ách tắc” ở đó.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: Trong thời gian qua Bộ GD-ĐT tập trung chỉ đạo đổi mới cơ chế quản lý chuyên môn theo hướng phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo của GV trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông. Bộ tạo điều kiện thuận lợi để GV thực hành phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của HS.
Theo ông Thành, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đã chuyển từ quản lý theo kiểu bao cấp sang giao quyền chủ động cho GV, nhà trường xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục.
Ông Thành cũng cho rằng: Một trong những yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông là tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho HS.
Thiết kế chương trình mới cũng dành nhiều thời gian trên lớp cho HS luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình. Các hoạt động trải nghiệm sáng tạo được triển khai rộng rãi như hoạt động giáo dục nhà trường gắn với di sản, gắn với sản xuất - kinh doanh - dịch vụ ở địa phương giúp tăng cường năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.