Giáo viên sẽ lựa chọn SGK cho học sinh ra sao?

24/09/2018 08:21 GMT+7

Để lựa chọn được bộ sách giáo khoa phù hợp cho học sinh đòi hỏi giáo viên phải có năng lực thẩm định và sự chủ động trong giảng dạy.

Theo quy định, khi chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức thực hiện và không còn duy nhất bộ sách giáo khoa (SGK) của Bộ GD-ĐT thì cũng là lúc giáo viên (GV) được quyền chủ động lựa chọn sách dạy cho học sinh (HS).
[VIDEO] Học sinh sử dụng sách giáo khoa như thế nào?
Sở GD-ĐT không áp đặt, tổ bộ môn quyết định
Khi chia sẻ về tiến độ biên soạn sách, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng GD Trung học Sở GD-ĐT, thông tin: “Sau khi Hội đồng thẩm định quốc gia phê duyệt bộ sách được giảng dạy trong trường phổ thông, Sở GD-ĐT hoàn toàn không áp đặt các trường học phải sử dụng bộ sách của thành phố hay bất kỳ bộ sách nào. Tùy mỗi trường và quan trọng nhất là các tổ môn sẽ đưa ra quyết định căn cứ vào mục tiêu giáo dục, năng lực truyền thụ và điều kiện thực tế sử dụng bộ sách nào có lợi cho HS”.
Từ việc góp ý cho việc biên soạn mới khắc phục những nhược điểm của bộ SGK hiện hành, ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM), cho rằng trong quá trình lựa chọn, GV nên lưu ý sách phải chắt lọc kiến thức phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Nội dung hướng tới phát triển kỹ năng cho HS, coi trọng thực hành, giúp HS ứng với thực tế, tránh hàn lâm, sáo rỗng. Đồng thời, các kiến thức trong sách khuyến khích HS tự khám phá, tự khai thác, tích lũy kiến thức theo nhận thức, phát huy sở thích, năng khiếu của mình.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng có thể thời gian đầu, khi GV chưa có nhiều kinh nghiệm thẩm định và lựa chọn sách, hội đồng sư phạm nhà trường cùng bàn bạc, trao đổi, thẩm định việc lựa chọn bộ sách phù hợp mục tiêu giảng dạy và điều kiện thực tế của đơn vị trên tinh thần dân chủ.
Ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD Q.6 (TP.HCM), cho hay các trường sẽ tập hợp GV của từng bộ môn để dự tiết học minh họa, tìm hiểu và đưa ra nhận xét từ bộ sách, từng môn học. Sau đó, lãnh đạo các trường tổng hợp ý kiến và trên cơ sở đó đưa ra lựa chọn sao cho phù hợp với mục tiêu giáo dục và điều kiện kinh tế...
Chọn theo tiêu chí nào ?
Thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho hay nếu được chọn thì sẽ chọn sách nào mang lại cảm hứng cho HS. Nghĩa là hình thức đẹp, khoa học, nội dung khúc chiết, không lan man, không hàn lâm. Hệ thống bài tập khoa học, đầy đủ và cuối cùng là giá thành hợp lý. Và để chọn được bộ sách “ưng ý” cần năng lực thẩm định của GV có chuyên môn giỏi với kinh nghiệm giảng dạy, được đồng nghiệp đánh giá cao.
Ông Đỗ Đức Anh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), nói rằng GV cần kiên nhẫn, tìm tòi và trăn trở. “Cá nhân tôi sẽ chọn cuốn sách nhẹ nhàng về nội dung kiến thức nhưng phải chú trọng phát triển tư duy độc lập sáng tạo và tạo cơ hội cho HS được rèn luyện kỹ năng”.
Trong khi đó, ông Trương Minh Đức, GV Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho hay có những trường và một số GV đã không còn phụ thuộc vào SGK, quen với cách thức tổ chức cho HS học tập ngoài tài liệu này nên việc sắp tới có thêm bộ SGK nào khác thì cũng không phải là điều quá khó khăn. Vấn đề cần quan tâm là Bộ tổ chức đánh giá kết quả rèn luyện của HS theo những tiêu chí nào. Khi đó GV và nhà trường sẽ chủ động tìm ra cách thức phù hợp nhất để đạt kết quả tốt nhất. “SGK cuối cùng cũng chỉ là công cụ dạy học và GV không phải là thợ dạy, nên dù có thay đổi bao nhiêu thì một GV đúng nghĩa đều phải cố gắng làm được”, ông Đức nói.
Đối thoại trực tuyến: Chống lãng phí và độc quyền SGK
SGK tiếp tục là vấn đề nóng trong giáo dục mấy ngày gần đây. Dư luận xã hội đang đặt vấn đề về lãng phí trong sử dụng và độc quyền trong xuất bản, phát hành SGK.
Trước sự kiện này, Báo Thanh Niên tổ chức buổi đối thoại trực tuyến với chủ đề Chống lãng phí và độc quyền sách giáo khoa vào lúc 10 giờ ngày 24.9 tại địa chỉ thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Tham gia chương trình có các khách mời: Ông Phạm Phương Bình, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.HCM); ông Trần Đức Huyên, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM); ông Võ Quốc Bình, phụ huynh HS Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1, TP.HCM); đại diện NXB Đồng Nai.
Các khách mời sẽ cùng trao đổi xung quanh vấn đề sử dụng SGK hiệu quả, chống tình trạng độc quyền cũng như chuẩn bị thế nào để thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều SGK trong thời gian tới.
Bạn đọc theo dõi chương trình và tham gia đặt câu hỏi tại các địa chỉ trên.
Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.