Giáo viên xin nghỉ việc bị thu bằng gốc, không trả lương

15/02/2020 10:08 GMT+7

Đây là câu chuyện xảy ra ở Trường mầm non Hoa Sữa (địa chỉ 152 Nguyễn Du, TP.Đông Hà).

Tiếp xúc với PV Thanh Niên, cô giáo N.T.L (22 tuổi, quê H.Vĩnh Linh, Quảng Trị, tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị) nghẹn ngào cho biết cô vào Trường mầm non Hoa Sữa làm việc từ tháng 7.2019, lương thỏa thuận 3 triệu đồng/tháng, không được ký hợp đồng, không bảo hiểm. Ngay từ đầu, Hiệu trưởng Phạm Thị Thanh Hương đã yêu cầu cô L. nộp các văn bằng gốc, gồm bằng tin học, bằng Anh văn và bằng tốt nghiệp THPT với lý do “phải nộp bằng gốc mới cho nhận lương”. Đến tháng 1.2020, cô L. xin nghỉ việc nhưng hiệu trưởng không phản hồi. Kể cả khi cô L. xin lấy lại văn bằng, bà Hương thẳng thừng từ chối. “Đến nay, 10 ngày rồi tôi vẫn chưa lấy lại được bằng gốc. Tôi còn 10 ngày lương chưa được nhận nhưng nghĩ đến bằng gốc mà người ta còn chưa trả huống hồ là... lương”, cô L. cay đắng nói.

Lập đoàn thanh tra hiệu trưởng bị tố vay tiền giáo viên không trả 

Ngày 14.2, UBND H.Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết từ tố cáo của các GV, huyện này vừa thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra theo nội dung tố cáo của người lao động Trường TH và THCS Tân Liên.
Theo báo cáo của tổ xác minh, ông Trần Xuân Linh (hiệu trưởng nhà trường) và vợ, em vợ đã vay, mượn tiền của 5 GV trong trường nhiều lần với tổng số tiền gốc là 292 triệu đồng nhưng không trả đúng hạn. Mãi đến khi 5 GV có đơn phản ánh, cơ quan báo chí thông tin thì đến ngày 20.12.2019, ông Linh mới trả hết các khoản vay và lãi. Ngoài việc gây áp lực để vay mượn tiền của GV rồi không trả đúng hẹn, ông Linh có một số thiếu sót, biểu hiện mất công khai dân chủ trong việc thực hiện chức trách của một hiệu trưởng.
Nguyễn Phúc
Cô N.T.D (29 tuổi, tốt nghiệp Trường ĐH Âm nhạc Huế), cô N.T.N (31 tuổi, tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị ngành âm nhạc) vào trường từ tháng 6.2019, đến cuối tháng 9 nghỉ vì đã xin được công việc khác ở trường công lập. Tất nhiên, tiền lương của cô N. bị “nợ”. “Là giáo viên (GV) nhưng chúng tôi phải vừa dạy, chăm sóc trẻ, rửa chén bát, nấu ăn, thậm chí cả sửa điện...”, cô N. nói.
Trong buổi làm việc với phóng viên Thanh Niên sáng 10.2, bà Hiệu trưởng Phạm Thị Thanh Hương thừa nhận việc giữ bằng gốc và chưa thanh toán tiền lương cho một số GV đã nghỉ việc. Giải thích lý do, bà Hương cho biết đây là quy định của nhà trường.
Bà Hương cũng nói rằng việc yêu cầu GV nộp bằng gốc không phải để mua bán thế chấp gì mà chỉ “giữ lại niềm tin”, để các GV có trách nhiệm. Về việc chưa thanh toán tiền lương, bà Hương cho biết trường thiếu kế toán, thủ quỹ nên cần thời gian để giải quyết việc tiền bạc.
Liên quan đến câu chuyện này, bà Lê Thị Tú Lệ, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Đông Hà, cho biết không chỉ GV mà mọi công dân đi làm việc đều có hợp đồng lao động, nếu có vấn đề gì thì cứ chiếu theo các điều khoản trong hợp đồng mà làm theo. Tuy nhiên, khi phóng viên thông tin các trường hợp GV trên không được ký hợp đồng thì bà Lệ cho biết sẽ lập tức cho kiểm tra, tìm hiểu và chấn chỉnh. Bà Lệ cũng thừa nhận việc trường tư thục giữ bằng gốc để “níu chân” GV là có thật. Tuy nhiên, theo bà Lệ, khi GV đã nghỉ việc thì nhà trường phải trả bằng, thanh toán tiền lương đầy đủ là việc nên làm cả về lý và tình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.