Quả thật những nỗ lực và trách nhiệm của Chính phủ, các ban ngành, địa phương trong thời điểm này là rất lớn. Tuy vậy, những “tổng lực” nói trên khó có thể thành công trong việc chống dịch trước mắt và lâu dài nếu không có ý thức, trách nhiệm của mọi công dân. Vấn đề đặt ra cho tất cả mọi người lúc này là cách đánh giá tình hình, là thái độ ứng xử cho đến hành động đúng đắn. Bởi lẽ, sự khách quan của dịch bệnh bên ngoài không đáng lo ngại bằng chính sự chủ quan như “tâm bệnh” của mọi người bên trong.
Hơn bao giờ hết, phương châm phải giữ “một trái tim nóng trong một cái đầu lạnh” cần được đặt ra.
“Cái đầu lạnh” là sự điềm tĩnh, sáng suốt và hiểu biết để chống dịch. Không tiếp tay cho những hành vi khuếch tán thông tin sai lệch gây sự hoang mang cho xã hội, hạn chế các hành vi hùa theo số đông (như tích trữ khẩu trang, thực phẩm...) tạo thêm sự lo lắng không đáng có cho mọi người. Hiểu biết để không vi phạm pháp luật và đạo lý, tình người trong những thời điểm nguy khó, như các hành vi đầu cơ, tích trữ, trục lợi. Có được sự điềm tĩnh trên sẽ khó “ngã tay chèo” khi thấy “sóng cả” nhằm hạn chế được dịch bệnh.
“Trái tim nóng” là sự tương trợ, chia sẻ lẫn nhau giữa mọi người, là sự hợp tác với chủ trương chống dịch của cả nước. Phải có trách nhiệm phòng dịch bệnh cho bản thân, cho cộng đồng như phát động của Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, và giặc đến nhà thì… mọi người phải đánh. Những người liên quan đến giáo dục phải tuân thủ, ủng hộ, hợp tác tất cả những yêu cầu, chủ trương của ngành đưa ra.
Tôi nhớ trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng (The last leaf, 1907), nhà văn Mỹ O.Henry đã xây dựng rất ý nghĩa hình tượng nhân vật Johnsy. Johnsy bị viêm phổi rất nặng. Và cô đã vượt qua trận đại dịch nhờ lòng tin, sự lạc quan, qua bức tranh tình thương chiếc lá không rơi của bác họa sĩ già Behrman. Dù là một câu chuyện hư cấu nhưng đây là bằng chứng cho thấy rằng, dù ở hoàn cảnh nào thì “tâm bệnh” cũng quan trọng hơn “dịch bệnh”!
Bình luận (0)