Gọi video call cho từng học sinh kiểm tra việc học trực tuyến mùa dịch Covid-19

01/04/2020 07:16 GMT+7

Ngành giáo dục Quảng Ninh đang triển khai các lớp học trực tuyến nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức trong quá trình nghỉ dài ngày, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 .

Gần 2 tuần nay, cứ sau khi kết thúc các chương trình học trực tuyến trên truyền hình, cô Vũ Bích Nhàn, giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (TP.Hạ Long) lại lấy điện thoại gọi điện cho từng học sinh của mình.
Theo cô Nhàn, vì không thể kiểm soát được học sinh ngồi trước màn hình ti vi, máy tính, nên sau mỗi buổi học, các giáo viên trong trường vẫn phải gọi điện như một cách để kiểm tra các em.
“Ngoài việc cho học sinh theo dõi các bài giảng trực tuyến, tôi vẫn phải gọi video call kiểm tra, giao bài tập qua e-mail và yêu cầu học sinh nộp bài đúng giờ. Có như vậy mới rèn được ý thức cho các em trong đợt nghỉ dài ngày này”, cô Nhàn nói.
Cô Nguyễn Thị Liên, giáo viên dạy môn toán tin Trường THPT Lê Chân (thị xã Đông Triều), cũng chọn cách tương tác với học sinh bằng video call, qua các mạng xã hội Facebook, Zalo. “Nếu để các em tự do trong đợt nghỉ dài ngày này thì một là kiến thức sẽ mai một, hai là không còn ý thức ôn bài nữa. Do không gặp trực tiếp nên tôi phải gọi điện cho từng em, đồng thời giao bài tập về nhà, chủ yếu nhằm ôn lại các kiến thức cũ và xen kẽ nâng cao”, cô Liên nói.
Theo Sở GD-ĐT Quảng Ninh, nhằm giúp học sinh ôn tập kiến thức cũ, đơn vị này đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tổ chức ghi hình, sản xuất các buổi học trực tuyến. Theo đó, 2 đơn vị đã phối hợp tổ chức ghi hình bài giảng ở các cấp, môn học, với thời lượng 30 phút/video. Trước mắt, việc dạy trực tuyến chỉ dành cho học sinh cuối cấp là lớp 9 và 12. Nội dung tập trung vào củng cố kiến thức môn học, hướng dẫn học sinh ôn tập tại nhà trong thời gian nghỉ học, đặc biệt là với những khối cuối cấp.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, cho biết các thầy cô giáo tham gia dạy trực tuyến đều phải sử dụng khác với phương pháp truyền thống để tránh sự nhàm chán. Ngoài ra, các bài giải sẽ có thêm những hình ảnh sinh động, lồng ghép các tình huống vui vẻ để thu hút học sinh chú ý lắng nghe.
“Việc học qua truyền hình có thuận lợi là học sinh được xem lại nhiều lần, tư liệu phong phú, sinh động. Nhưng nhược điểm là khi học sinh muốn trao đổi trực tiếp, thắc mắc về kiến thức, bài tập, giáo viên không thể giải đáp được ngay. Chính vì vậy, chúng tôi yêu cầu các trường sau khi kết thúc buổi học thì giáo viên phải tương tác với học sinh để kiểm tra”, bà Thúy nói.
Theo Sở GD-ĐT Quảng Ninh, các bài giảng trực tuyến được phát trên kênh sóng QTV3, báo điện tử của địa phương này vào các khung giờ buổi sáng: từ 7 giờ 30 - 10 giờ 45; buổi chiều từ 13 giờ 30 - 16 giờ; buổi tối từ 20 giờ 45 - 22 giờ 15. Các video sau đó cũng được đăng tải trên các trang mạng xã hội trực tuyến của Trung tâm Truyền thông tỉnh QuảngNinh: YouTube QuảngNinhTV; Fanpage: QMG - Tin Tức Quảng Ninh 24/7 và ứng dụng Smart Quảng Ninh.

Chỉ nên củng cố lại kiến thức cũ

Sau 2 tuần triển khai việc học online, qua đánh giá của Sở GD-ĐT Quảng Ninh, đây vẫn là giải pháp tình thế hữu hiệu nhất trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Ông Nguyễn Văn Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Triều, cho biết việc học sinh không thể đến lớp, nhà trường không được tổ chức các buổi sinh hoạt tập trung, các em chỉ còn một cách là học online.
Cũng theo thầy Hà, việc học online chỉ nên củng cố lại kiến thức cũ, nếu dạy bài mới và tính điểm thì chương trình học sẽ bộc lộ nhiều bất cập. “Bởi nhược điểm của học online là khi học sinh muốn trao đổi trực tiếp hay thắc mắc về bài tập, giáo viên không thể giải đáp được ngay, chưa kể đến việc học sinh yếu kém sẽ càng khó tiếp thu”, thầy Hà lý giải.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Vân Anh (42 tuổi, trú tại thành phố Hạ Long) góp ý thêm, việc ôn tập kiến thức là rất quan trọng trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học dài ngày, chưa biết khi nào được trở lại trường.
Tuy nhiên, để việc học trực tuyến đem lại hiệu quả, ngoài nỗ lực của các thầy cô giáo, cũng cần sự chung tay của các bậc phụ huynh. “Tối đến tôi vẫn phải kèm con trai ôn bài. Với môn nào cháu đã vững kiến thức cũ, tôi lại xin cô giáo các bài tập để cháu nâng cao kiến thức”, chị Vân Anh nói.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thúy khẳng định quan điểm của Sở là việc học online vẫn nhằm ôn lại kiến thức cũ, chứ không dạy bài học mới. “Những tiết học trực tuyến trên không thể đạt được hiệu quả như những bài giảng bình thường trên lớp. Nhưng thực hiện yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 thì sự lựa chọn này hoàn toàn phù hợp", bà Thúy cho biết.
Cũng theo bà Thúy, cách làm này của các trường nhận được sự ủng hộ rất tích cực từ phía cha mẹ và các em học sinh. "Quan trọng hơn, đó còn thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các thầy cô đối với công việc. Qua đó, những việc làm này sẽ truyền cảm hứng tới các em học sinh trong việc duy trì thói quen học tập trong bất cứ hoàn cảnh nào”, bà Thúy nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.