GS Ngô Bảo Châu: Việt Nam cần khẳng định vị trí trên bản đồ toán học thế giới

23/12/2020 17:51 GMT+7

Theo GS Ngô Bảo Châu, điều toán học Việt Nam cần vươn tới là chuyển biến về chất, khẳng định vị trí trên bản đồ toán học thế giới bằng những công trình nghiên cứu, qua đó thể hiện được trường phái toán học Việt Nam.

Hôm nay, 23.12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (Viasm) đã tổ chức tổng kết chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020 và kỷ niệm 10 năm thành lập viện. Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học của Viasm, vẫn đang ở Mỹ, và dự lễ tổng kết bằng hình thức trực tuyến.
Phát biểu mở đầu buổi lễ, GS Ngô Bảo Châu nhắc lại kỷ niệm cách đây 10 năm, thời điểm ông Nguyễn Thiện Nhân (lúc đó là Phó thủ tướng) ký quyết định thành lập Viasm, sau khi Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010 - 2020.
“Đây là sự kiện vô cùng có ý nghĩa đối với cộng đồng toán học Việt Nam nói chung và cá nhân tôi nói riêng. Tôi xin cảm ơn ban tổ chức hội nghị đã bố trí cho tôi phát biểu ở hội nghị tổng kết ngày hôm nay, để chia sẻ một vài suy nghĩ của mình với tư cách của một người đã gắn bó với việc triển khai chương trình trọng điểm ngay từ ngày đầu, và nói lời cảm ơn chân thành của mình với các cá nhân, tổ chức đã tham gia trực tiếp và hoặc hỗ trợ bền bỉ, vô tư cho sự phát triển của toán học Việt Nam”, GS Châu bày tỏ.

Giấc mơ “trường phái toán học Việt Nam”

Theo GS Châu, từ 10 năm trước, mặc dù thế giới còn chưa nói nhiều đến chuyển đổi số, chưa được chứng kiến sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, xã hội chưa nhận ra vị trí trung tâm của toán học ở mọi hoạt động phát triển, nhưng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học, coi sự phát triển toán học là ưu tiên hàng đầu. Nhờ sự ưu tiên đặc biệt của Chính phủ, của Bộ GD-ĐT, sự ủng hộ bền bỉ, vô tư của nhiều cá nhân và tổ chức xã hội, cùng với sự đồng lòng của cộng đồng toán học Việt Nam, cả trong và ngoài nước, đã làm cho toán học Việt Nam thay da đổi thịt.
Vai trò của Viasm, cũng như mục đích của chương trình trọng điểm quốc gia là thúc đẩy sự phát triển của toán học Việt Nam. Nghiên cứu toán học ở Việt Nam đã thực sự khởi sắc. Những đơn vị nghiên cứu hàng đầu như Viện toán học Việt Nam luôn duy trì vị trí đầu đàn của mình, không chỉ ở số lượng nghiên cứu mà còn ở chất lượng nghiên cứu. Tuy còn chưa nhiều, nhưng đã có những công trình toán học hoàn toàn thực hiện ở Việt Nam, đã được ghi nhận và công bố ở những tạp chí hàng đầu quốc tế (top 3 thế giới).
Nghiên cứu khoa học ở các trường đại học vốn rất mỏng (nếu không kể đến đơn vị hàng đầu như Đại học Quốc gia Hà Nội), nay đã phát triển mạnh, đặc biệt về số lượng công bố. Tuy chất lượng công bố có thể còn chưa đồng đều, nhưng cũng có những công trình rất xuất sắc đã được hoàn thành.
GS Ngô Bảo Châu cho rằng, cái đích chúng ta muốn hướng tới trong mười năm tới là sự chuyển biến đồng đều về chất lượng nghiên cứu khoa học để toán học Việt Nam khẳng định vị trí của mình trên bản đồ thế giới, không phải là ở những con số, hay ở những bảng xếp hạng, mà bằng sự nhận thức, bằng những công trình nghiên cứu mà qua đó thể hiện được trường phái toán học Việt Nam. “Cảm nhận của tôi qua quá trình làm việc gần đây với các các nhà toán học trẻ Việt Nam là hoài bão này đã trở nên khả thi”, GS Châu nói.

Thúc đẩy nghiên cứu toán học ứng dụng

Nhưng theo GS Châu, toán học Việt Nam đang đối mặt với những thử thách lớn trong lĩnh vực đào tạo do thiếu sinh viên đầu vào. Vì thế, cộng đồng toán học sẽ phải có những cố gắng lớn hơn nữa trong việc phổ biến toán học đến các em nhỏ, thông qua các hoạt động trải nghiệm như ngày hội toán học mở, thông qua các kênh truyền thông như tạp chí Pi. Việc giảng dạy toán học ở các trường đại học cần được kiện toàn việc với định hướng ứng dụng mạnh hơn.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có những cố gắng đặc biệt trong việc tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi toán để duy trì và cải thiện thành tích thi toán quốc tế (IMO), vì việc học sinh Việt Nam được giải cao trong các cuộc thi IMO luôn là một nguồn khích lệ rất lớn đối với những em giỏi toán.
Dù thời gian qua, cộng đồng toán học Việt Nam đã có những cố gắng, kiên trì bền bỉ, nhưng nghiên cứu toán ứng dụng ở Việt Nam hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, điều đáng khích lệ là nhận thức về nhu cầu ứng dụng toán học đã trở nên hiện hữu, nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư trực tiếp vào nghiên cứu cơ bản.
Vì thế, nhiệm vụ của chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học và của Viasm trong giai đoạn tiếp tới là thiết lập những mạng lưới nghiên cứu ứng dụng có khả năng nghiên cứu ở mức cao đồng thời với khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn và cấp thiết của xã hội.
“Để tóm tắt lại trong một câu, bên cạnh những thành tựu đo đếm được, cần thấy rằng rất nhiều điều 10 năm trước là bất khả thi thì nay đã trở nên khả thi, và đích của chúng ta cho 10 năm tới là biến những điều khả thi trở thành hiện thực”, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.