Xuất phát từ TP.HCM bằng xe đạp hôm 10.5 đến nay hai bố con GS.TS Trương Nguyện Thành đã đi qua nhiều địa phương, trải nghiệm nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử ở Bình Dương, Đà Lạt, Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Huế... Trong 3 ngày 18, 19 và 20.5 Giáo sư Trương Nguyện Thành cùng con trai Takara Truong đã có những trải nghiệm thú vị khi khám phá các cảnh quan thiên nhiên và viếng thăm một số di tích văn hóa, lịch sử ở cố đô Huế.
|
Đặc biệt, trong khoản thời gian ngắn GS Thành lưu lại ở Huế, ông đã dành một buổi để trò chuyện với các học sinh-sinh viên Huế với chủ đề 'Dám mơ và dám thất bại' do Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức “Tôi thật bất ngờ, tôi không nghĩ có đến 300 em tham gia buổi nói chuyện này và hàng chục câu hỏi câu nào cũng sâu sắc mà rất thực, rất hay” – GS Thành chia sẻ.
|
Vẫn phong cách 'bụi' thường thấy với chiếc áo sơ mi màu xám, chiếc quần jean 'toe' hai đầu gối, GS Thành đã kể sơ lược hành trình cùng con trai chinh phục các cung đường đèo nguy hiểm, cheo leo như cái cách ông đã sống, chinh phục các vinh quang trong cuộc đời gian khó của mình. GS Thành cũng không né tránh câu hỏi mà ông từng viết lên trên trang Facebook cá nhân rằng ông tạm gác giấc mơ đóng góp cho giáo dục ở Việt Nam để trở về Mỹ giảng dạy và lý giải rằng điều đó là bình thường, “nó như các cung đường ông vừa đi qua, hết đèo này sẽ phải leo và chinh phục những ngọn đèo mới”.
|
“Thất bại hay thành công chỉ là một thí nghiệm của cuộc sống. Không có thành công nào mãi cả cuộc đời đâu, cũng không có thất bại vĩnh viễn, chỉ khi nào ta thôi quyết tâm, không làm bùng cháy những hy vọng trong mỗi chúng ta. Ý chí là điều quyết định bạn có tới đích hay không. Tôi cùng con trai đạp xe cả ngàn cây số cũng là để dạy cho con tôi bài học về ý chí” – GS Thành gửi gắm.
Cũng tại buổi giao lưu trên, GS Thành nhận được khá nhiều câu hỏi của các bạn trẻ. Và ông đã chia sẻ về cách vượt qua nỗi sợ hãi, hoàn thiện bản thân.
|
Đặc biệt, tại buổi trò chuyện, một nữ sinh lớp 12 khối chuyên, Trường đại học Khoa học Huế đã 'làm khó' GS Thành. “Nếu GS ở một đất nước thiếu công bằng, ít cơ hội phát triển thì GS chọn cách nào: ở lại làm việc trong môi trường đó để thay đổi nó, hay đi một nơi khác có nhiều cơ hội và hơn để sống và phát triển?”
GS Thành cho biết: “Ở một đất nước đang phát triển, hay một đất nước tiên tiến đều có những sự thoải mái của nó; nó cũng có những thử thách và cơ hội của nó. Đừng nghĩ rằng bạn đến Mỹ, Úc, hay Canada mà có cuộc sống dễ dàng. Nó sẽ có những thử thách khác. Môi trường xa lạ, văn hóa, ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ, những thử thách, nghĩ suy hoàn toàn xa lạ... bạn có đủ sức để thích nghi nó hay không đó là những thử thách khá lớn. Cái thứ hai, bạn phải tranh đấu, làm giỏi hơn họ gấp 10 lần để bạn được vị trí của họ. Cho nên ở mỗi môi trường sống đều có những thử thách và cơ hội. Việt Nam cũng vậy, có những thử thách và cũng có những cơ hội của nó. Cái quan trọng là bạn có thấy cái cơ hội, thử thách đó và chấp nhận cơ hội đó để sống hạnh phúc và vui vẻ”.
Bình luận (0)