Nguyện vọng 1 - 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú
Các năm trước, Hà Nội quy định để làm căn cứ cho việc đăng ký nguyện vọng dự tuyển, toàn thành phố được phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Học sinh hoặc bố, mẹ học sinh có hộ khẩu thường trú ở khu vực tuyển sinh nào, được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 2 trường THPT công lập trong khu vực tuyển sinh đó.
Thời điểm đó, Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh trong việc học tập, Sở này cho phép các em được đổi khu vực tuyển sinh. Những học sinh có hộ khẩu thường trú và nơi cư trú thực tế khác nhau, học sinh ở vùng giáp ranh giữa các khu vực có thể đổi khu vực tuyển sinh…
Học sinh muốn đổi khu vực tuyển sinh chỉ cần làm đơn (theo mẫu), có xác nhận của hiệu trưởng trường THCS nơi đang học lớp 9 và ghi khu vực tuyển sinh xin đổi vào mục “Khu vực đăng ký dự tuyển” trong phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT, nộp tại trường THCS.
Năm nay, kế hoạch tuyển sinh vừa được UBND TP.Hà Nội phê duyệt quy định: mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 3 trường THPT công lập thay vì 2 nguyện vọng như trước. Tuy nhiên, quy định nêu rõ: “Nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú”.
Quy định này khiến nhiều phụ huynh, học sinh bất ngờ và băn khoăn, vì nếu căn cứ theo các khu vực tuyển sinh như các năm trước thì không phải khu vực nào cũng có các trường THPT công lập chất lượng tương đương nhau. Do vậy, theo nguyện vọng và khả năng học tập, các năm trước học sinh thay đổi khu vực tuyển sinh khá nhiều.
Điều khiến phụ huynh, học sinh tâm tư nhất là nếu quy định bắt buộc phải đăng ký 2 nguyện vọng trong khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú, thì cơ hội lựa chọn trường THPT công lập theo nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 sẽ giảm đi.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội), xác nhận quy định sẽ không cho học sinh đổi khu vực tuyển sinh là một trong những điểm mới của kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học tới. Tuy nhiên, ông Toản cho rằng, bù lại học sinh được có thêm nguyện vọng 3 vào trường THPT công lập có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Đây là quy định mà các em cần nắm vững để quyết định đăng ký, sắp xếp nguyện vọng dự tuyển phù hợp.
Không được đổi nguyện vọng đã đăng ký
Các năm trước, quy định tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội cho phép học sinh có thể thay đổi nguyện vọng dự tuyển 1 lần. Học sinh muốn thay đổi nguyện vọng dự tuyển nộp đơn (theo mẫu) tại các phòng GD-ĐT. Trước đó, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ công bố công khai số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của từng trường THPT để làm căn cứ cho học sinh tham khảo, có thay đổi nguyện vọng hay không.
Tuy nhiên, năm nay kế hoạch tuyển sinh vừa được UBND TP.Hà Nội phê duyệt nêu rõ: “Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký”. Đây cũng là một thay đổi tác động trực tiếp tới học sinh. Ông Phạm Quốc Toản cho rằng, học sinh cần phải cân nhắc kỹ khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh.
Thêm 1 nguyện vọng vào trường công lập, thay đổi quy định trúng tuyển
Ngoài việc mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 3 trường THPT công lập thay vì chỉ 2 trường như trước đây, thay đổi đáng chú ý nữa trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay là một số quy định về trúng tuyển theo nguyện vọng cũng thay đổi.
Theo đó, học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ không được xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Trường hợp học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ được xét tuyển nguyện vọng 2, nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất là 1,0 điểm (các năm trước quy định là 1,5 điểm).
Do có thêm nguyện vọng 3 nên quy định mới bổ sung: “Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 được xét tuyển nguyện vọng 3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 2,0 điểm”.
Ngoài ra, còn có một thay đổi khác khi hạ điểm chuẩn. Nếu như các năm trước: “Khi hạ điểm chuẩn, nhà trường chỉ nhận học sinh đăng ký nguyện vọng 1, không nhận học sinh đăng ký nguyện vọng 2” thì năm nay quy định nêu: “Khi hạ điểm chuẩn, cho phép nhận học sinh có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 có đủ điều kiện trúng tuyển”.
Ông Phạm Quốc Toản cho biết, căn cứ vào kế hoạch tuyển sinh vừa được UBND TP.Hà Nội phê duyệt, khoảng tháng 3, Sở GD-ĐT sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể, giúp các nhà trường và phụ huynh, học sinh tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký dự tuyển.
Ngày 19.2, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022. Phương thức tuyển sinh là thi tuyển, dự kiến kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày 29 và 30.5.2021.
Kỳ thi gồm 4 bài thi độc lập: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và bài thi thứ tư. Trong đó, bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn học còn lại (trừ môn thể dục). Sở GD-ĐT Hà Nội công bố bài thi thứ tư vào tháng 3.2021.
Về hình thức thi, các bài thi môn toán và ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài thi. Bài thi môn ngoại ngữ và bài thi thứ tư thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút/bài thi, có nhiều mã đề trong một phòng thi.
|
Bình luận (0)