Ngày 13. 8, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp THCS do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT cho biết, Sở đã xây dựng dự thảo 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020, cụ thể:
Phương án 1: Thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư thuộc 1 trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Bài thi thứ tư do Sở GD-ĐT công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài đối với bài thi toán và ngữ văn là 120 phút/bài, đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/bài.
Phương án 2: Giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.
Phương án 3: Tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là toán, ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: ngoại ngữ, vật lý, lịch sử và giáo dục công dân); hoặc tổ hợp 2 (gồm 4 môn ngoại ngữ, địa lý, hóa học và sinh học). Thời gian làm bài đối với bài thi toán và ngữ văn là 120 phút/bài; đối với bài thi tổ hợp là 90 phút/bài. Việc quyết định tổ chức bài thi tổ hợp nào sẽ được Sở GD-ĐT thực hiện theo hình thức bốc thăm và công bố vào cuối tháng 3.
Ông Phạm Quốc Toản cũng cho biết, ngoài 3 phương án như trên, các nhà trường có thể đề xuất phương án tuyển sinh khác. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổng hợp ý kiến đề xuất của các nhà trường về phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 để trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.
Dự kiến, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 sẽ được công bố trong thời gian học kỳ I năm học 2018-2019.
Tháng 4.2018 chỉ công bố một phương án
Trước đó, vào tháng tư năm nay, Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố dự kiến sẽ áp dụng phương án thứ 3 trong 3 phương án trên để tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập áp dụng từ năm học 2019-2020. Sở GD-ĐT còn khẳng định sẽ công bố đề thi minh họa của 3 bài thi trên vào tháng 9. 2018, ngay thời điểm bắt đầu năm học mới để các nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh biết và có kế hoạch ôn tập phù hợp.
Sở GD-ĐT còn cho biết rõ hơn về hình thức thi, các bài thi toán, ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; có nhiều mã đề thi trong một phòng thi; thí sinh làm bài thi trên Piếu trả lời trắc nghiệm; kết quả bài thi của thí sinh trên phiếu trả lời trăc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.
Về đề thi, theo phương án của Sở GD-ĐT Hà Nội, đề thi gồm các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9 THCS hiện hành của Bộ GD-ĐT, đảm bảo 4 cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao.
Để chứng minh ưu điểm của phương án tuyển sinh này, lãnh đạo Sở GD-ĐT khẳng định: Việc thi thêm bài thi thứ 3 là bài thi tổ hợp nhằm mục đích: Tránh sự học lệch của học sinh, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở các cấp học dưới; bài thi tổ hợp với mục tiêu dần tiếp cận chương trình sách giáo khoa mới đó là “theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên”; bài thi tổ hợp có môn ngoại ngữ nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, đáp ứng đề án nâng cáo chất lượng dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông.
Với bài thi tổ hợp thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Trong bài thi tổ hợp, ngoài môn ngoại ngữ, 3 môn còn lại vừa có môn tự nhiên, vừa có môn xã hội, điều này đảm bảo tính công bằng, khách quan đối với học sinh.
Thời điểm công bố dự kiến thay đổi, Sở GD-ĐT Hà Nội còn khẳng định: Phương án trên được đưa ra dựa trên kiến đề xuất của hầu hết các hiệu trưởng trường THPT, trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã, hiệu trưởng trường THCS trong các hội nghị, hội thảo về xây dựng phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT từ năm học 2019-2020 do Sở GD- ĐT tổ chức.
Nhiều hạn chế của phương án thi kết hợp xét tuyển
Một trong 3 phương án mà Sở GD-ĐT xin ý kiến góp ý thì có phương án giữ nguyên phương án tuyển sinh thi tuyển kết hợp với xét tuyển đã thực hiện hơn chục năm qua. Phương án thi tuyển kết hợp với xét tuyển áp dụng từ năm học 2005 – 2006 đến nay, chính Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng phương án này đã bộc lộ những hạn chế.
Cụ thể, theo Sở GD - ĐT Hà Nội phương án này tạo nên hiện tượng học lệch các môn, học sinh chỉ tập trung vào học môn ngữ văn và toán, các môn còn lại học sinh chưa tập trung học, như vậy chưa đảm bảo được mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc THCS.
Trong phương thức “kết hợp thi tuyển với xét tuyển”, khâu xét tuyển dựa vào việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở bậc THCS chưa thật sự khách quan do việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của mỗi giáo viên; việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh giữa các nhà trường khác nhau.
Bình luận (0)