Hà Nội mở rộng áp dụng chương trình song bằng tại các trường công lập

17/03/2018 19:31 GMT+7

Học sinh trúng tuyển chương trình song bằng tú tài tại các trường công lập ở Hà Nội được UBND thành phố hỗ trợ kinh phí nên mức học phí phải đóng góp thấp hơn hàng trăm triệu đồng so với học ở trường quốc tế.

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, cho biết: "Chương trình đào tạo song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-level) được thực hiện lần đầu tiên trên toàn quốc, tại trường công lập là Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) bắt đầu từ năm học 2017 - 2018. Khóa đầu tiên này đã tuyển đủ theo đúng đề án là 50 học sinh và chia thành 2 lớp. Năm học tới sẽ mở rộng chương trình song bằng tú tài ở Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, trên nguyên tắc cẩn trọng để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Với cấp THCS, chúng tôi đang triển khai đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge. Dự kiến, năm học 2018 - 2019, trên địa bàn thành phố sẽ có 7 trường THCS công lập thí điểm chương trình song bằng này. Cụ thể, quận Hoàn Kiếm có 2 trường là THCS Trưng Vương và Ngô Sỹ Liên; quận Cầu Giấy có THCS Cầu Giấy và Nghĩa Tân; quận Thanh Xuân có THCS Thanh Xuân; quận Tây Hồ có THCS Chu Văn An; khối THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đề án sẽ làm một cách tổng thể, sau khi được phê duyệt sẽ đề nghị UBND thành phố ủy quyền, cho phép Sở GD-ĐT cấp phép cho các trường và năm tiếp theo con số các trường thực hiện chương trình song bằng có thể triển khai nhiều hơn.
Khác với trường quốc tế chỉ học một chương trình và nhận một chứng chỉ bằng cấp, các trường công lập của Hà Nội phải học song song hai chương trình, một chương trình của Cambridge, một chương trình của Việt Nam để nhận song bằng. Để tránh tình trạng quá tải, chồng chéo kiến thức, việc dạy tích hợp, giảm tải những kiến thức trùng lặp giữa hai chương trình được tiến hành ra sao, thưa ông?
Nếu gộp một cách cơ học để dạy song song cả hai chương trình này sẽ mất rất nhiều thời gian cho học sinh, có nhiều lượng kiến thức chồng chéo. Vì vậy, giải pháp đưa ra là phải tích hợp để làm sao học sinh có thể học cùng một lúc hai chương trình mà không bị quá tải, chồng chéo.
Chúng tôi tiến hành tích hợp kiến thức, lược bỏ những phần nội dung kiến thức chung có trong cả hai chương trình, đảm bảo làm sao khi các em học xong chương trình THPT (hoặc THCS) thì việc thi lấy bằng tốt nghiệp THPT (hoặc THCS) vẫn đảm bảo như học sinh học chương trình Việt Nam; mặt khác vẫn đảm bảo để đạt đủ điều kiện nhận chứng chỉ A-level (hoặc IGCSE).
Nói thì như vậy, nhưng đây là việc làm không hề đơn giản. Một số môn học có chương bài nghe tiêu đề thì có vẻ giống nhau giữa hai chương trình nhưng nội dung thì lại không giống nhau, phương pháp tiếp cận kiến thức, phương pháp giảng dạy khác nhau.
Do vậy, chúng tôi đã phải nghiên cứu, lên một sơ đồ rõ ràng giữa hai chương trình nhằm giảm thiểu sự chồng chéo để học sinh vẫn đảm bảo đủ kiến thức, năng lực dù chỉ học nội dung tương tự ở một chương trình. Những phần kiến thức giao nhau thì sẽ chọn dạy ở chương trình Cambridge để tăng cường hơn việc học tập ngôn ngữ tiếng Anh cho học sinh. Thực tế cho thấy, cách làm này phù hợp. Học sinh học khoảng trên dưới 40 tiết/tuần cả hai chương trình, học 6 ngày/tuần và mỗi ngày không quá 7 tiết.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội
Xin ông cho biết, khó khăn lớn nhất khi thực hiện chương trình này là gì? Có học sinh nào của THPT Chu Văn An khi học chương trình này đã phải nghỉ học giữa chừng không, thưa ông?
Khó khăn nhất khi dạy chương trình Cambridge ở các trường công lập là đội ngũ giáo viên và trang thiết bị cơ sở vật chất. Phương pháp học của chương trình này đòi hỏi thí nghiệm, thực hành rất nhiều, cách tiếp cận cũng khác khi yêu cầu học sinh phải chủ động, tích cực hơn. Do vậy, năm vừa qua, khóa học đầu tiên ở Trường THPT Chu Văn An đã phải dành 3 tháng đầu để giúp bổ trợ kiến thức, kỹ năng học tập cho học sinh, trang bị cho các em một số khái niệm, thuật ngữ về mặt ngôn ngữ để có thể học được chương trình khi chính thức chuyển sang học chương trình A-level.
Ở THPT Chu Văn, sau 3 tháng bổ trợ kiến thức thì có 1 học sinh xin chuyển sang lớp chỉ học chương trình của Việt Nam vì một số lý do, trong đó có việc áp lực khi mới tiếp cận với việc học hai chương trình cùng một lúc, với phương pháp học tập mới mẻ.
Điều này cũng dễ hiểu khi về cách thức, phương pháp học thay đổi nên có những em cảm thấy khá căng thẳng vào những ngày đầu, nhưng nhìn chung, sau 1 học kỳ thì đã thấy sự thích ứng rất tốt từ phía học sinh và các nhà trường. Chúng tôi đánh giá, việc tuyển chọn học sinh đầu vào là khâu rất quan trọng để các em có thể “theo” được một “chặng đường” dài.
Những trường ngoài công lập, trường quốc tế khi áp dụng chương trình Cambridge thường có mức học phí rất cao, có trường lên tới 40 - 50 triệu đồng/học sinh/tháng. Xin ông cho biết, khi áp dụng chương trình song bằng vào các trường công lập của Hà Nội thì UBND thành phố có những hỗ trợ như thế nào về kinh phí để học sinh có khả năng đóng góp một mức học phí có thể “chấp nhận được” với nhiều người dân hơn?
Hỗ trợ của thành phố với các trường công lập khi thực hiện chương trình này là rất lớn. UBND thành phố đã giao Sở GD-ĐT xây dựng các đề án và có hỗ trợ rất nhiều trong những nội dung này. Nói đến học phí, sẽ thấy sự chênh nhau rất lớn giữa các trường công lập và trường ngoài công lập.
Ví dụ, học phí để học 5 môn chương trình Cambridge hiện nay của các trường THPT (như THPT Chu Văn An) hiện thu 7,5 triệu đồng/tháng và khóa học trong 3 năm học (kể cả 3 tháng học bổ trợ kiến thức năm đầu) là 24 tháng, tổng số tiền học phí khoảng 180 triệu đồng thì có thể lấy được chứng chỉ A-level. Còn các trường quốc tế, trường ngoài công lập hiện nay đang dạy chương trình này thì học phí dao động 320 - 400 triệu đồng/năm, còn nếu là trường ở nước ngoài thì con số còn lớn hơn nữa.
Với cấp THCS, hiện nay chúng tôi đang xây dựng đề án, trong đó dự tính học phí cho 1 tháng là khoảng 5,6 triệu đồng với 4 năm học ở THCS là 36 tháng. Học phí mà các trường công lập thu của học sinh chỉ nhằm mục đích chính là chi trả lương giáo viên, phí bản quyền, tài liệu học liệu học chương trình Cambridge. Còn tất cả trang thiết bị, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, chi trả lương giáo viên dạy các môn học của Việt Nam,… đều do ngân sách của thành phố đầu tư để đảm bảo cho các em được học thực hành, thí nghiệm theo đúng yêu cầu đặt ra.
Tôi nghĩ rằng mức học phí như vậy khá phù hợp, sự hỗ trợ của thành phố rất lớn trong việc tạo điều kiện học tập hội nhập cho học sinh. Mức phí hiện nay đã giúp trả kinh phí cho giáo viên tương đối cao để tuyển chọn được những giáo viên tốt nên có thể yên tâm về chất lượng.
Xin cảm ơn ông!

Tuyển học sinh đầu vào khắt khe
 50 học sinh Hà Nội - lứa đầu tiên của chương trình đặc biệt này - đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe đầu vào: có điểm tổng kết trung bình cả năm lớp 9 các môn toán, vật lý, hóa học từ 8,0 trở lên, riêng môn tiếng Anh từ 8,5 điểm trở lên... Sau đó, học sinh còn trải qua 3 vòng thi: thi viết 2 môn ngữ văn, toán theo quy định của kỳ thi tuyển sinh vào lớp10 THPT của thành phố Hà Nội; làm 4 bài thi viết hoàn toàn bằng tiếng Anh các môn: toán, vật lý, hóa học, tiếng Anh. Sau khi có kết quả của vòng 1 và vòng 2, 100 học sinh được chọn ra để phỏng vấn theo các tiêu chí: điểm xét tuyển vào lớp 10 THPT được xét từ cao xuống thấp, mỗi bài thi của vòng 2 phải đạt chuẩn của CIE.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.