Những thay đổi này cho thấy đã xuất hiện một tầm nhìn dài hạn, có tính chiến lược trong đầu tư cho giáo dục ĐH khối ngoài công lập, chứ không an phận xem ĐH tư là cái đuôi xếp hàng phía sau ĐH công như trước.
Tận dụng kinh nghiệm, tên tuổi người từ trường công
Sau khi PGS-TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng đầu tiên Trường ĐH Hồng Bàng, rút lui vào năm 2015, từ đó đến nay, 2 hiệu trưởng tiếp theo của trường đều đến từ trường công lớn tại TP.HCM.
tin liên quan
Trường ĐH Hoa Sen sẽ có chủ mới?Khi trở thành nhà đầu tư chính tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Tập đoàn Nguyễn Hoàng lập tức mời PGS-TS Thái Bá Cần, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, về làm hiệu trưởng nhiệm kỳ 2015 - 2020. Sau một thời gian điều hành nhà trường, tuy chưa hết nhiệm kỳ nhưng theo định hướng phát triển mới của tập đoàn, ông Cần chính thức đảm nhiệm vai trò mới là Phó tổng giám đốc phụ trách khối đại học. Gần đây ông trở thành Chủ tịch HĐQT của Trường ĐH Gia Định và có tên trong HĐQT của Trường ĐH Hoa Sen. Hai trường do Tập đoàn Nguyễn Hoàng đầu tư chính.
Để thay PGS-TS Thái Bá Cần, Tập đoàn Nguyễn Hoàng tiếp tục mời PGS-TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế TP.HCM về nắm giữ vị trí này. Cũng trong bối cảnh đó, GS-TS Hoàng Văn Kiếm, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, trở thành Hiệu trưởng Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tháng 10.2018, tiến sĩ Hà Hữu Phúc, nguyên Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cũng trở thành Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định.
Ngay sau khi trở thành nhà đầu tư chính của Trường ĐH Hoa Sen, Tập đoàn Nguyễn Hoàng cũng mời nguyên hiệu trưởng một trường ĐH công lập lớn tại TP.HCM vừa nghỉ hưu về làm hiệu trưởng. Với động thái này, có vẻ việc tận dụng kinh nghiệm, khả năng quản trị, tên tuổi… của hiệu trưởng trường công về làm trường tư là một chiến lược rõ ràng của Tập đoàn Nguyễn Hoàng.
Tháng 8.2018, UBND TP.HCM có quyết định công nhận PGS-TS Đỗ Văn Xê, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, làm Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM.
Một nghề chuyên nghiệp
tin liên quan
Giáo viên giỏi chạy từ trường công sang tưCách đây 4 năm, tháng 9.2014, giới quan tâm giáo dục ĐH ở VN xôn xao trước sự kiện một tiến sĩ trẻ (35 tuổi) được bổ nhiệm làm hiệu trưởng một trường ĐH. Lúc bấy giờ, một người trẻ (dưới 45 tuổi) làm hiệu trưởng trường ĐH là điều chưa từng có tiền lệ, đặc biệt với những trường ngoài công lập, nơi mà thành viên ban giám hiệu thường là những người lớn tuổi.
Vị hiệu trưởng 35 tuổi hồi ấy là tiến sĩ Đàm Quang Minh, lúc đó được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường ĐH FPT. Tiến sĩ Minh từng là học sinh khối chuyên toán tin, ĐH Tổng hợp (nay là Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội). Nhận bằng tiến sĩ của Trường ĐH Tổng hợp Greifswald (CHLB Đức), năm 2007, về nước ông Minh đầu quân cho Tập đoàn FPT, bắt đầu hành trình trở thành chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đào tạo của tập đoàn này.
Nhưng 2 năm sau, tiến sĩ Minh đã rời Trường ĐH FPT. Một năm sau, Trường ĐH Thành Tây thay đổi chủ sở hữu (do được Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ mua lại) và thay đổi hiệu trưởng. Tiến sĩ Đàm Quang Minh xuất hiện với tư cách hiệu trưởng trường này. Một năm sau, Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ thoái vốn khỏi Trường ĐH Thành Tây nên ông Đàm Quang Minh cũng thôi chức hiệu trưởng nhà trường để vào Huế làm Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân, nơi vừa được tổ chức giáo dục này mua lại.
Như vậy, chưa đầy 40 tuổi, trong 4 năm kinh qua vị trí hiệu trưởng của 3 trường ĐH, có thể nói tiến sĩ Minh là người chuyên nghiệp với “nghề hiệu trưởng trường ĐH”!
Nhân tố mới từ các tài năng của trường công
Trường ĐH Thành Tây sau khi thay chủ đầu tư đã bổ sung nhân tố mới: GS Nguyễn Văn Hiếu về làm Phó hiệu trưởng. GS Hiếu (46 tuổi) là người đã từng thu hút sự chú ý của dư luận khi anh là người trẻ nhất được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm 2016.
Trước khi sang Trường ĐH Thành Tây làm phó hiệu trưởng, GS Hiếu là Viện trưởng Viện ITIMS của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Hơn thế, ông được mệnh danh là “con gà đẻ trứng vàng” cho Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhờ sản lượng cũng như chất lượng các bài báo mà anh công bố trên các tạp chí quốc tế danh tiếng.
Việc GS Hiếu về Trường ĐH Thành Tây cũng tạo nhiều bàn tán trong giới học thuật, vì nó mang tính dự báo cho một xu hướng đầu tư xem ra có vẻ bài bản cho nghiên cứu khoa học và đào tạo của một trường ĐH tư. Hơn nữa, việc mời được một nhà khoa học danh tiếng, lại đang ở độ tuổi sung sức nhất của người làm khoa học như GS Hiếu về tham gia bộ máy quản lý cho trường ĐH tư được các nhà chuyên môn đánh giá là một biểu hiện đầy “chịu chơi” của nhà đầu tư.
Ở phía nam, cũng có một trường hợp tương tự. PGS-TS Trần Đan Thư, Trưởng khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (TP.HCM), được mời về làm Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen. Tuy nhiên, ông đã sớm rời vị trí này sau 4 tháng. (còn tiếp)
“Cha truyền con nối”
Một số trường khác cũng đã có hiệu trưởng trẻ, nhưng lại đi theo con đường an toàn hơn, mặc dù để vạch ra được con đường này cũng đòi hỏi một sự chuẩn bị công phu, đó là “cha truyền con nối”.
Ví dụ Trường ĐH Duy Tân ở Đà Nẵng mới đây đã bổ nhiệm tiến sĩ Lê Nguyên Bảo (38 tuổi) làm hiệu trưởng. Tiến sĩ Bảo là con trai của Nhà giáo Ưu tú Lê Công Cơ, người vốn là hiệu trưởng của trường, nay rút sang làm Chủ tịch HĐQT. Hoặc ở Hà Nội có Trường ĐH Thành Đô, cũng là cha xây trường con nối nghiệp (tiến sĩ Ngô Xuân Hà, 45 tuổi, làm hiệu trưởng, thay cho cha là GS Ngô Xuân Độ, giờ làm Chủ tịch HĐQT). Điều đáng nói là cả tiến sĩ Bảo, tiến sĩ Hà đều được gửi đi đào tạo bài bản ở Mỹ, sau đó trở về trường tham gia điều hành ở các vị trí thấp một thời gian, khi đã “đủ lông đủ cánh” thì mới lên làm hiệu trưởng.
Quý Hiên
|
Tiếp nối các tham vọng
Về làm hiệu trưởng trường tư sau khi về hưu từ trường công, nhiều người cho rằng đây cũng là một cách họ tiếp tục những ước mơ, tham vọng chưa thực hiện được hết từ hệ thống công.
Ngày 14.11, phát biểu chính thức lần đầu tiên tại buổi lễ khai giảng năm học mới, PGS-TS Đỗ Văn Xê chia sẻ: “Tôi là người may mắn được đi du học ở nhiều nơi, đã làm việc gần 40 năm ở Trường ĐH Cần Thơ, trong đó có 15 năm làm phó hiệu trưởng. Lúc đi du học ở các nước, nhất là lúc học ở Mỹ, khi đến bất cứ nơi nào trong trường tôi đều có cảm giác thân thiện như đó chính là nhà của mình. Gặp thầy cô nào, nhất là các thầy cô làm ở các đơn vị hành chính và hỗ trợ sinh viên, họ đều tươi cười niềm nở, luôn muốn giúp đỡ mình như đó là niềm vui của họ. Tôi ao ước khi về nước sẽ tạo được ngôi trường làm cho sinh viên của tôi có được cảm giác như thế. Tôi muốn tạo được không khí mà tất cả mọi người trong trường đều sống, làm việc vui vẻ và hạnh phúc khi được làm việc ở đó. Khi học xong về nước, tôi may mắn được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng đến 3 nhiệm kỳ nhưng tôi chỉ mới thực hiện khoảng 1/3 điều mình mong muốn vì còn nhiều hạn chế về quyền quyết định. Được mời làm Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM là dịp may mắn cuối đời để tôi thực hiện mong muốn một lần nữa, được làm điều mình mơ ước một cách trọn vẹn”.
Trăn trở cũng như mong ước này của PGS-TS Đỗ Văn Xê cũng là điều mà những người từng quản lý trường ĐH công lập suy nghĩ khi nhận lời về làm hiệu trưởng trường tư. Việc quyết định này không hề đơn giản bởi nếu thất bại, tên tuổi của những người này đã từng gầy dựng trong hàng chục năm sẽ bị tổn hại không nhỏ.
Chẳng hạn, việc nhận lời của PGS-TS Hồ Thanh Phong là vì công việc của ông nhiều năm qua trùng khớp với định hướng quốc tế của nhà đầu tư vào Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Thời điểm có quyết định, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, PGS-TS Hồ Thanh Phong cho biết sau khi ổn định về đội ngũ, tham vọng của ông là sẽ tiếp tục phát triển trường theo định hướng quốc tế. Muốn như vậy, trường sẽ bắt đầu với các chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh cho sinh viên.
Đăng Nguyên
|
Bình luận (0)