Hiệu trưởng tuyển giáo viên: Làm sao để tránh lạm quyền?

29/08/2018 15:41 GMT+7

Chủ trương giao quyền tuyển dụng giáo viên cho nhà trường được ủng hộ nhưng cần có quy định chặt chẽ và chế tài đối với người đứng đầu đơn vị tuyển dụng.

Khủng hoảng vì giáo viên nghỉ sinh

Ngày 29.8, ngay sau khi đăng bài Giao quyền tuyển tuyển dụng giáo viên cho hiệu trưởng, Báo Thanh Niên nhận được khá nhiều ý kiến của bạn đọc. Bên cạnh ý kiến thể hiện sự đồng tình về việc phân cấp tuyển nhân sự cho các trường THPT, nơi trực tiếp sử dụng giáo viên thì còn có những băn khoăn về sự công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện. Đặc biệt là những lo ngại về “quyền lực tập trung vào người đứng đầu nhà trường”.

Vào đầu tháng 8, trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, sau khi công bố lộ trình sau năm 2020, 100% các trường THPT sẽ tự chủ trong vấn đề tuyển dụng nhân sự cho đơn vị của mình, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đánh giá các đơn vị khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã chủ động sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước giao hiệu quả hơn khi thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện tăng nguồn thu. Ngoài ra, các đơn vị cũng xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển hoạt động sự nghiệp, khai thác nguồn thu, tăng thu, tiết kiệm chi.


Lấy ý kiến về lộ trình này, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đồng tình và cho biết có những tình huống xảy ra trong quá trình sử dụng lao động khiến các trường khó lòng xoay sở mà Sở ở cấp cơ quan quản lý ngành không thể giải quyết cụ thể cho từng đơn vị trong từng thời điểm khác nhau. Từ đó, ông Bình lấy ví dụ, có những môn học, thật tình nhà trường muốn tuyển giáo viên nam vì thực tế tổ bộ môn đó chủ yếu là giáo viên nữ nhưng kết quả không như ý muốn. Có thời điểm, một tổ có 3 giáo viên cùng nghỉ hậu sản rồi sau đó là quy định lao động, con dưới 12 tháng nhà trường không xếp thời khóa biểu tiết đầu và tiết cuối. Ban giám hiệu rối tung vì không biết xoay sở thế nào nên nếu như được chủ động, các trường sẽ cân đối, điều chỉnh được độ tuổi và giới tính của ứng viên dự tuyển.

Để hiệu trưởng không lạm quyền

Tuy nhiên, khá nhiều ý kiến cho rằng việc trao thêm quyền cho nhà trường, cho hiệu trưởng là quá tốt, nhưng cũng cần có cơ chế điều tiết. Bạn đọc Hiếu Sơn (Q.1, TP.HCM) bày tỏ suy nghĩ: “Giống như xe có chân ga thì cũng có chân thắng. Không đạp ga thì xe không chạy, nhưng không có chân thắng thì nguy hiểm vô cùng... Thiết nghĩ, cần có hội đồng nhà trường giám sát hoạt động của hiệu trưởng, mà hội đồng phải có khả năng thực... giống như thắng xe phải dừng được xe thì mới an toàn”.

Tương tự, giáo viên T.H. Ngân (Q.4, TP.HCM) chỉ ra rằng: “Quy định nào cũng có hai mặt của nó, nếu chúng ta quản lý kém thì mọi tiêu cực sẽ xảy ra. Vấn đề quan trọng nhất là quy chế hoạt động, quyền hạn trách nhiệm của hiệu trưởng đến đâu, cơ chế, quản lý, thanh tra, giám sát như thế nào… Đừng để mọi việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát rồi lại rút kinh nghiệm là điều đáng tiếc”.

Bạn đọc Nguyễn Thụy Anh nêu ý kiến: “Tôi là giáo viên THPT tại một quận nội thành rất ủng hộ chủ trương này. Nhưng tôi có lo lắng, nếu hiệu trưởng làm không tốt thì sẽ gây ra hậu quả rất tai hại, nghiêm trọng rất lớn so với thực hiện cơ chế tuyển dụng như hiện nay. Vì vậy, phải tăng cường giám sát cộng đồng, giám sát của xã hội, của những người đã, đang và sẽ được tuyển dụng. Đồng thời, Sở phải bồi dưỡng và bổ nhiệm lại những người có năng lực, đức tài làm hiệu trưởng và phải xử lý thật nghiêm những hiệu trưởng lợi dụng chức vụ để vụ lợi trong việc tuyển dụng và bãi nhiệm giáo viên”.

Một nguyên hiệu trưởng THPT tại Q.3, TP.HCM nói bên cạnh có nhiều dư luận không tốt về hiệu trưởng thì còn có cả một thực tế là giáo viên được trên tuyển dụng và “gửi gắm” nên có thái độ chây ì, dựa hơi khiến một số hiệu trưởng không làm gì được. Do vậy, việc giao quyền cho hiệu trưởng là rất cần thiết. Nhưng song song với đó là một quy trình tuyển dụng chặt chẽ như thông báo rộng rãi để nhiều ứng viên cùng dự tuyển, hết thời gian thử việc phải có ý kiến đánh giá của tổ chuyên môn, hội đồng sư phạm nhà trường trước khi hiệu trưởng ký quyết định tuyển dụng. Khi quy trình “thắt chặt” thì chắc chắn chất lượng giáo viên sẽ nâng cao và hiệu trưởng không thể lạm quyền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.