Học ngành kỹ thuật, thiết kế có thể tự tạo việc làm

21/03/2019 08:31 GMT+7

Được xem là nhóm ngành nặng nhọc, vất vả hoặc đòi hỏi năng khiếu, sáng tạo... nên nhóm ngành kỹ thuật kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật thường ít thu hút thí sinh. Tuy nhiên, nhu cầu nhân lực, thậm chí khả năng tự tạo việc làm lại cao hơn hẳn các khối ngành khác.

Đó là nhận định của các chuyên gia trong chương trình tư vấn trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức chiều qua 20.3. Chương trình được phát trực tiêp tại tại: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên.

Xác suất không có việc làm rất thấp

PGS-TS Nguyễn Trọng Phước, Phó trưởng khoa Xây dựng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết: “Nhóm ngành khoa học, kỹ thuật như xây dựng, điện, cơ khí... có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Mặc dù nhu cầu nhân lực hằng năm không có sự tăng đột biến, tuy nhiên các em học ngành này ra trên thực tế xác suất thất nghiệp rất ít vì số lượng người học thấp hơn các nhóm ngành khác. Không chỉ làm việc tại các doanh nghiệp, nhà máy..., các em vẫn có thể tự tạo việc làm cho mình”.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho rằng: “Khối ngành này có ưu điểm mà ngành khác không có là sinh viên hoàn toàn có thể tự tạo việc làm, khởi nghiệp. Ví dụ, học điện - điện tử có thể mở trung tâm sửa chữa điện tử, hoặc kiến trúc, xây dựng thì có thể mở công ty tư vấn về thiết kế, kiến trúc sau khi có chứng chỉ nghề”.
Theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, học về kỹ thuật là ra trường thường phải làm đúng chuyên môn nhưng nhân lực luôn thiếu nên không hiếm cơ hội việc làm cho người học nhóm ngành này. Nhất là các ngành kỹ thuật điện - điện tử, viễn thông, công nghệ, sản phẩm hiện hữu trong mọi ngõ ngách cuộc sống. Nhu cầu sản xuất, phân bố, trao đổi thương mại liên quan đến lĩnh vực này đang rất phát triển.

Vẫn phù hợp với học sinh nữ

Rất nhiều học sinh gửi câu hỏi cho chương trình, thắc mắc liệu nữ học kỹ thuật có phù hợp hay không, đặc biệt là ngành cơ khí và xây dựng. Tiến sĩ Hà Thúc Viên lưu ý: “Hiện nay trang thiết bị máy móc ngày càng nhỏ gọn, xu thế tự động hóa nên học và làm kỹ thuật không còn vất vả, nặng về tay chân như ngày xưa. Hơn nữa, lĩnh vực kỹ thuật rất rộng, nữ có thể học những lĩnh vực liên quan đến thiết kế”. Tại Trường ĐH Việt Đức có trên 10% nữ học về kỹ thuật mà không gặp trở ngại gì. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, ngành cơ khí có nhiều kiến thức rất khó và khối lượng chương trình học nặng hơn nhiều ngành khác, nên thí sinh cần hiểu rõ trước khi quyết định.
Đối với ngành xây dựng, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng nữ hoàn toàn có thể tham gia học các ngành như kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, quản lý xây dựng, kinh tế xây dựng. Kiến trúc sư Lê Hải Hồng Phong, Trưởng bộ môn kiến trúc Khoa Kiến trúc - kỹ thuật xây dựng - mỹ thuật ứng dụng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng nhìn nhận: “Có rất nhiều vị trí việc làm, nữ thì có thể làm ở phòng thiết kế (thiết kế kết cấu, ra bản vẽ cho kỹ sư xây dựng ở công trình), quản lý dự án, các phòng ban quản lý xây dựng về đất đai, hoặc làm tự do trong việc tính toán cho các công trình”. 
Không biết vẽ có thể học thiết kế, mỹ thuật ?
Tuyết Nhi (học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM) hỏi: “Em dự định thi mỹ thuật công nghiệp hoặt thiết kế, ngoại trừ khả năng vẽ thì cần thêm tố chất gì khác để thành công trong nghề này?”. Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương thông tin: “Nhóm ngành thiết kế có 4 ngành: thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang - hai ngành này đòi hỏi thi môn vẽ, thí sinh tham gia thi vẽ trực tiếp tại trường hoặc dùng kết quả thi từ trường khác. Riêng 2 ngành thiết kế nội thất và kiến trúc cho phép thí sinh chọn tổ hợp có môn vẽ hoặc không có môn học này. Những thí sinh chưa có năng khiếu vẽ thì trong quá trình đào tạo trường sẽ hỗ trợ người học phát triển năng lực này”.
Theo thạc sĩ Mai Quyết Thắng, Trường ĐH Hoa Sen, để học các ngành năng khiếu, vẽ là chỉ là yếu tố đầu tiên, bên cạnh đó thí sinh phải có tư duy thẩm mỹ, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin. Kiến trúc sư Lê Hải Hồng Phong cũng cho rằng vẽ chỉ là một kỹ năng đầu tiên trong lĩnh vực kiến trúc, thiết kế... Người học phải có nhiều kiến thức chuyên ngành quan trọng khác, đồng thời phải có kỹ thuật lẫn tư duy sáng tạo, kỹ năng về quản lý thời gian, làm việc nhóm, chịu được áp lực về thời gian và tâm sức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.