Học sinh bắt đầu 'chiến dịch' ôn tập cho các kỳ thi năm 2021

12/01/2021 07:36 GMT+7

Từ đầu tháng 1, khi học kỳ 2 bắt đầu, các trường THPT triển khai kế hoạch học và ôn theo phương án 'thi gì học nấy' để giúp học sinh lớp 12 có sự chuẩn bị tốt nhất cho các kỳ thi quan trọng sắp tới.

Học ôn theo hình thức thi

Theo chia sẻ của hiệu trưởng các trường THPT tại TP.HCM, với học sinh (HS) lớp 12, hình thức thi sẽ quyết định phương án học và định hướng ôn tập.
Vào đầu năm học, các trường tổ chức cho HS học và củng cố kiến thức đều 6 môn thi. Chẳng hạn những HS có dự tính chọn bài thi tự nhiên sẽ củng cố 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ cùng 3 môn vật lý, hóa học, sinh học. Còn HS có xu hướng chọn bài thi xã hội thì ngoài 3 môn bắt buộc, sẽ ôn đều kiến thức 3 môn địa lý, lịch sử, giáo dục công dân.
“Việc ôn như vậy để nếu Bộ có quyết định lấy một đầu điểm của bài thi tổng hợp thì kết quả bài thi tự chọn các em sẽ không bị ảnh hưởng. Còn nếu quy định 3 đầu điểm của 3 môn thi trong bài thi tổ hợp thì các em cũng đã có sự chuẩn bị hệ thống kiến thức để bước vào học kỳ 2 ôn nâng cao tập trung những môn thuộc tổ hợp xét tuyển mà mình hướng đến”, ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho hay.
Năm 2021 kỳ thi tốt nghiệp THPT được Bộ giữ nguyên như năm trước nên công tác tổ chức ôn tập cho HS và định hướng xét tuyển ĐH cơ bản ổn định. Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), cho hay về kế hoạch ôn tập, hiện nay trường đã hoàn tất cho HS chọn tổ hợp môn thi. Năm nay tỷ lệ học sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên vẫn chiếm ưu thế. Với lợi thế phân ban theo khối xét tuyển ĐH từ năm lớp 10 nên các HS được định hướng sớm và nâng cao các môn trong tổ hợp xét tuyển… Sau khi hoàn tất kiểm tra học kỳ 2, nhà trường sẽ phân lớp theo năng lực học và dựa trên khối thi cũng như tổ hợp môn xét tuyển để giúp HS tập trung ôn tập nâng cao các môn chính của khối xét tuyển. Bên cạnh việc triển khai ôn tập, trường cũng tăng cường luyện tập để giúp HS rèn luyện và thích nghi với hình thức thi 3 môn liên tục trong bài thi tổ hợp.
Còn ông Trần Minh, Hiệu phó Trường THPT Đào Duy Anh (Q.6, TP.HCM), cho biết nhà trường đã bắt đầu tiến hành ôn tập cho khối 12. Là trường ngoài công lập nên ban ngày HS học theo thời khóa biểu hoàn thành chương trình. Còn các buổi chiều tối trong tuần từ 18 giờ đến 19 giờ, HS sẽ ôn tập các môn thuộc bài thi, tổ hợp xét tuyển đã chọn. Thêm vào đó, thầy Minh cho biết trong kế hoạch của trường có lưu ý do dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng, vì vậy nhà trường cũng có kế hoạch tập huấn nội bộ cho giáo viên các phần mềm dạy trực tuyến, các phần mềm làm bài tập, ra đề kiểm tra online. Việc trang bị ứng dụng công nghệ này cũng để thầy cô và HS có thể trao đổi bài tập, kiến thức sau giờ học hoặc vào những ngày cuối tuần không lên lớp. Đồng thời giúp HS luôn có tinh thần chủ động trong học tập và ôn tập trong quá trình chuẩn bị cho các kỳ thi.

Luyện tập kỹ năng làm bài thi đánh giá năng lực

Về công tác chuẩn bị cho xét tuyển ĐH và xây dựng kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2021, lãnh đạo Trường THPT Ngô Quyền (Q.7) cho biết căn cứ vào những lựa chọn của HS, nhà trường sẽ xếp lớp học vào buổi thứ 2 với định hướng hệ thống và nâng cao kiến thức. Lãnh đạo trường này cho hay, ngoài tham khảo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, giáo viên còn phải nghiên cứu định dạng đề thi đánh giá năng lực của các trường ĐH để xây dựng các chuyên đề ôn tập đáp ứng theo mục tiêu của các kỳ thi. Bên cạnh đó, trong quá trình dạy, giáo viên có bổ sung thêm các tình huống thực tế tập cho HS kỹ năng làm bài thi đánh giá năng lực.

Hỗ trợ học sinh làm hồ sơ xét tuyển

Song song với kế hoạch ôn tập thì các trường cũng hỗ trợ HS đăng ký xét tuyển.
Ông Phạm Phương Bình thông tin, trường đã liên hệ và nắm thông tin về phương thức tuyển sinh. Nhà trường tổ chức nhiều buổi hướng nghiệp chuyên sâu và giới thiệu cụ thể các phương án để HS tìm hiểu.
Đặc biệt ông Bình còn chỉ ra rằng điểm mới trong năm nay là ngoài đánh giá HS bằng điểm số, giáo viên bộ môn còn đánh giá bằng nhận xét. Như vậy các trường ĐH sẽ có cái nhìn cụ thể hơn về kết quả học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động học tập của từng HS ở các môn xét tuyển. Bộ phận học vụ của trường sẽ là đầu mối nhận và chuyển hồ sơ xét tuyển tránh để HS tự đi nộp. Với những em HS đạt các danh hiệu, thành tích HS giỏi và đạt các giải thưởng có thể được ưu tiên, trường sẽ viết thư giới thiệu và tư vấn hướng dẫn HS để tăng khả năng trúng tuyển vào các trường ĐH.
Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục hướng nghiệp và kiểm tra, đánh giá HS. Mỗi HS được cung cấp một tài khoản cá nhân mang tính bảo mật. Khi tham gia khảo sát hướng nghiệp, HS trả lời hơn 100 câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 40 - 50 phút về sở thích, tính cách, mục tiêu cá nhân, để từ đó phần mềm khảo sát cho ra một số ngành nghề gợi ý ở nhiều lĩnh vực. Trong đó cung cấp đầy đủ thông tin về mức lương, môi trường làm việc, nhu cầu thị trường, yêu cầu bằng cấp... để là một trong những kênh tham khảo trước khi đăng ký hồ sơ xét tuyển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.