Học sinh thích thú khi khẩu trang vào đề kiểm tra môn ngữ văn

27/04/2021 14:44 GMT+7

Không chỉ học sinh bày tỏ sự thích thú mà nhiều giáo viên khi tiếp cận đề kiểm tra môn ngữ văn lớp 10, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) nhận xét văn bản giản dị nhưng chứa đựng ý nghĩa, mang tính giáo dục cao.

Nhân vật “Chiếc khẩu trang”

Trong đề kiểm tra môn ngữ văn lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), phần Đọc hiểu đắt đầu với trích đoạn trong tản văn Chiếc khẩu trang của GS.TS Huỳnh Như Phương:

Một trong những nhân vật - đồ vật xuất hiện xuyên suốt trong đời sống nhân loại năm 2020 chính là chiếc khẩu trang. Vốn chỉ thông dụng ở những xứ sở ô nhiễm môi trường hay trong những nơi làm việc độc hại, từ khi coronavirus khởi phát ở Vũ Hán - Trung Quốc rồi trở thành đại dịch, chiếc khẩu trang đồng hành với đời sống con người, từ Đông sang Tây, từ thành phố hoa lệ đến thôn quê hẻo lánh, từ người trẻ trong học đường đến người già trong nhà dưỡng lão… Vượt qua những e ngại và thành kiến ban đầu, nay chiếc khẩu trang đã chinh phục tuyệt đại đa số nhân loại như là một "vị cứu tinh" trong đại dịch Covid-19, ít nhất là cho đến khi vắc-xin chủng ngừa căn bệnh này được sử dụng phổ biến trên toàn cầu.
Chiếc khẩu trang trước hết là một sản phẩm y tế nhằm bảo vệ sức khỏe con người. Đeo khẩu trang là để lập lá chắn bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội. Đeo khẩu trang cũng là cách góp phần giảm gánh nặng của y, bác sĩ và nhân viên y tế trong tình trạng quá tải của các bệnh viện…
Từ một sản phẩm y tế, chiếc khẩu trang trở thành một hiện tượng giao tiếp xã hội. Đeo khẩu trang là một cách thể hiện thái độ ứng xử với tha nhân, với không gian công cộng. Cũng là "mask" như cái mặt nạ trong hội hóa trang nhưng khẩu trang chỉ che miệng và mũi, vẫn còn để hở đôi mắt, vầng trán, mái tóc để nhận ra một hình ảnh. Người ta vẫn có thể nhận ra nhau qua ánh mắt lấp lánh niềm vui để động viên nhau hay buồn rầu ứa lệ trước cảnh người thân bị cách ly, thậm chí lìa đời mà không thể tiễn đưa. Giao tiếp qua trung gian chiếc khẩu trang đòi hỏi những thay đổi nhất định: giọng nói tăng âm, ánh mắt biểu cảm, khoảng cách cần thiết, cử chỉ linh hoạt để thu hút người đối thoại…
Trong hoạn nạn, chiếc khẩu trang trở thành một hiện tượng văn hóa, thể hiện tình gia đình, tình đồng bào, tình nhân loại”.

Từ trích đoạn này, học sinh thực hiện các yêu cầu như: Chỉ ra 2 tác dụng của việc đeo khẩu trang đã được đề cập trong đoạn trích; Có đồng tình với ý kiến của tác giả “Trong hoạn nạn, chiếc khẩu trang trở thành một hiện tượng văn hóa, thể hiện tình gia đình, tình đồng bào, tình nhân loại” không? Vì sao?; Học sinh rút ra bài học gì cho bản thân qua việc đeo khẩu trang?.

Nhận xét về nội dung đề kiểm tra, giáo viên Hải Minh, dạy ngữ văn tại quận 10 (TP.HCM) nói: “Văn bản giản dị, nhưng ý nghĩa và mang tính giáo dục cao. Qua đề thi này, học sinh sẽ hiểu hơn về vai trò của chiếc khẩu trang - nhất là trong bối cảnh hiện nay. Mang chiếc khẩu trang không chỉ bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, sống cho chính mình, mà còn sống cho cả gia đình và xã hội!". Từ việc nhìn nhận đó, học sinh sẽ bày tỏ quan niệm và suy nghĩ của nình, nhất là nhìn thấy những góp sức của mình trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh hiện nay - những việc rất nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn, thiết thực, theo giáo viên Hải Minh.

Với những dạng đề kiểu này, giáo viên Hải Minh nhấn mạnh: “Môn văn đã góp phần giúp học sinh nhận ra học văn là để sống. Vẫn đáp ứng được yêu cầu kiến thức về kiểm tra đọc hiểu đó là nhận biết về vấn đề được nói đến, hiểu được thông điệp, hình ảnh. Và có cả vận dụng khi yêu cầu học sinh bày tỏ quan điểm về một vấn đề mà tác giả đặt ra”.

Tác giả đoạn trích nói gì?

Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên về đề kiểm tra ngữ văn của trường chuyên khi sử dụng đoạn trích trong tác phẩm tản văn của mình, GS Huỳnh Như Phương nói: “Tôi cảm thấy khá vui không chỉ bởi tác phẩm của mình được giáo viên, học sinh biết đến mà nó còn mang tính thời sự khi tình hình dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp". Với trích đoạn này, nhà trường không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn nhắc nhở học sinh một cách nhẹ nhàng việc nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội, theo GS Huỳnh Như Phương.

Nói về đề kiểm tra của trường mình, bà Nguyễn Thị Ái Vân, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho hay khi chọn ngữ liệu, giáo viên cũng chú ý đến những ngữ liệu có thông điệp nhân văn và phù hợp với lứa tuổi học sinh hay không và “nhân vật” trong tác phẩm của GS Huỳnh Như Phương, không chỉ là nhân vật quen thuộc với học sinh trong nước mà còn gắn liền với mọi người trong bối cảnh dịch bệnh, thể hiện tính nhân văn.
Với những yêu cầu của đề kiểm tra, cô Ái Vân nói thêm: "Các em học sinh sẽ thể hiện những suy nghĩ tích cực của mình về trách nhiệm của cá nhân. Qua thông điệp từ ngữ liệu cũng có thể tác động ý thức các em về giữ gìn, bảo vệ sức khỏe của bản thân và mọi người và không thể thờ ơ với cuộc sống xung quanh. Các em thể hiện tình yêu thương, ý thức trách nhiệm và hiểu hơn trong quá trình học tập rằng văn học không xa rời mà gần gũi, là cuộc sống đang diễn ra, mỗi con người nhỏ bé đều góp phần vào nâng cao những giá trị của cộng đồng xã hội nhân văn".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.