Học trực tuyến: Nỗi lo của các trường ở đảo vì điện nay có, mai cúp

07/09/2021 07:07 GMT+7

Học sinh khối lớp 9 và 12 tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp bước vào năm học mới với hình thức học trực tuyến từ ngày 6.9.

Để thuận lợi cho việc quản lý, giám sát cũng như kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, Sở GD-ĐT Kiên Giang đưa ra 2 hệ thống phần mềm để các trường chọn tổ chức dạy học trực tuyến.
Đó là hệ thống E-Learning (lms.vnedu.vn) của VNPT và hệ thống K12Online (K12Online.vn) của Viettel. Ngoài 2 hệ thống trên, giáo viên có thể sử dụng thêm các ứng dụng hỗ trợ dạy học trực tuyến như Zoom, Microsoft team, Google Meet, Skype…

Việc học trực tuyến tại Kiên Giang được triển khai từ ngày 6.9 đối với khối lớp 9 và lớp 12

ẢNH: XUÂN LAM

Nỗi lo cúp điện tại các trường ở đảo

Theo ghi nhận thực tế, trong ngày 6.9, phần lớn thầy cô ở các trường vào gặp mặt học sinh, ổn định lớp trên mạng, triển khai một số nội quy của nhà trường, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng học trực tuyến cho học sinh. Một số điểm trường vùng biển đảo, vùng sâu, biên giới do đường truyền internet không ổn định nên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thao tác, giảng dạy.
Cô Lương Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS An Sơn (huyện đảo Kiên Hải), cho biết trường THCS nhưng có 2 cấp học. Lớp 9 có 45 em, lớp 12 có 28 em, trong đó còn khoảng 10 em học sinh chưa có các thiết bị thông minh để học trực tuyến. Ngoài đảo, mạng internet yếu nên nhà trường sử dụng ứng dụng Google Meet để dạy.
"Sử dụng ứng dụng Google Meet thì tạm ổn, nhưng nếu sử dụng Zoom hay hệ thống K12Online thì rất yếu, mạng chập chờn không dạy và học được. Khó khăn nhất trên xã đảo là nguồn điện, vì không có điện lưới quốc gia, sử dụng từ máy phát điện của xã nên bị cúp điện luân phiên. Ngày hôm qua có điện, hôm nay thì cúp điện. Ngày mai ấp này có điện nhưng ấp kia thì không. Vì vậy, việc dạy và học cũng rất khó khăn", cô Hạnh nói.

Khó khăn và giải pháp ở vùng biên giới

Trong khi đó, tại huyện biên giới Giang Thành, thầy Lý Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Mỹ, chia sẻ: "Trong ngày học đầu tiên, học sinh lớp 9 của trường không vào học được nhiều, chỉ hơn 50%. Một số em không có thiết bị thông minh, một số em thì đường truyền không đảm bảo nên không tham gia học được. Các em có lúc vào được, có lúc không, có lúc đang học thì bị 'out ra' nên số lượng lớp học không được ổn định. Tạm thời em nào chưa vào học được thì thầy cô giáo sẽ gửi bài trực tiếp qua zalo vì hầu hết các em học sinh đều có zalo.
Tại Trường THPT Thoại Ngọc Hầu (H.Giang Thành), thầy Nguyễn Văn Lương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Trường có hơn 150 học sinh lớp 12 và đều có điều kiện học trên mạng. Sáng 6.9, trường dạy trên phần mềm Zoom. Lúc đầu, các em còn lúng túng do đường truyền chạy thêm dung lượng nên bị yếu, khi các em vào cùng một lúc thì bị nghẽn mạng nên trường phải chia thành 5 phòng học trực tuyến và chuyển sang chạy trên phần mềm Google Meet thì ổn hơn".

Giáo viên Trường THPT Thoại Ngọc Hầu (H.Giang Thành, Kiên Giang) dạy trực tiếp trên bảng kết hợp với bảng tương tác thông minh và được truyền trực tuyến trên ứng dụng cho học sinh lớp 12

ẢNH: XUÂN LAM

"Đa số thầy cô giáo ở tại trường hoặc nhà gần trường nên thầy cô đến lớp dạy trực tiếp trên bảng, kết hợp thêm máy chiếu, bảng tương tác thông minh để tiết học thêm sinh động, hiệu quả. Trường có 5 camera thu phát trực tiếp các buổi dạy của giáo viên phát trực tuyến trên phần mềm Zoom cho học sinh", thầy Lương thông tin thêm.

Cuối giờ chiều 6.9, Sở GD-ĐT Kiên Giang có công văn cho phép tất cả học sinh thuộc 8 huyện, thành phố thực hiện Chỉ thị 15 được đến trường học từ ngày 13.9, gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Gò Quao, Giồng Riềng, Tân Hiệp, Kiên Hải và TP.Phú Quốc. Các cơ sở giáo dục tại các địa phương này phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Học sinh nông thôn tham gia học tỷ lệ thấp

Tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị 16, các trường trong toàn tỉnh sẽ bắt đầu khai giảng năm học vào ngày 20.9. Để kịp tiến độ chương trình, Sở GĐ-ĐT yêu cầu các trường học THCS và THPT tổ chức dạy trực tuyến cho học sinh lớp 9 và lớp 12 từ ngày 6.9.
Theo lãnh đạo một số trường THPT tại Đồng Tháp, công tác tập huấn giáo viên được Sở GD-ĐT và các trường chuẩn bị khá tốt và thông báo cho học sinh lớp 12 sẵn sàng chuẩn bị máy vi tính hoặc điện thoại thông minh để học trực tuyến hiệu quả.
Thầy Nguyễn Đức Điền, Hiệu trưởng Trường THPT Thống Linh, H.Cao Lãnh, Đồng Tháp, cho biết: "Qua các môn học trong ngày đầu tiên, thấy tình cũng ổn. Đối với học sinh, một số em có máy vi tính, một số học trên điện thoại. Trường chỉ triển khai cho các lớp dạy 4 tiết/ngày để học sinh dễ tiếp thu vì học trực tuyến mà cho các em ngồi lâu quá sẽ không đạt hiệu quả".
Tại nhiều trường học vùng sâu, vùng xa, biên giới, hạ tầng mạng internet chưa tốt nên ảnh hưởng khá nhiều đến công tác dạy học trực tuyến. Học sinh Trường THCS-THPT Giồng Thị Đam, H.Tân Hồng bước vào ngày đầu học trực tuyến. Các thầy cô giáo cố gắng truyền đạt kiến thức cho học sinh, tuy nhiên kết nối mạng chập chờn khiến bài giảng của giáo viên bị gián đoạn.
Chị Nguyễn Thị Giang, mẹ của em Lê Nguyễn Ánh Nguyên, học sinh lớp 12 Trường THCS-THPT Giồng Thị Đam, nói: “Theo dõi quá trình học của con, tôi thấy cả thầy và trò đều rất nhiệt tình nhưng mạng internet có lúc nói nghe không được, bị đứt đoạn. Thời gian dịch bệnh nên học trực tuyến đảm bảo an toàn sức khỏe cho thầy và trò. Tuy nhiên để học đạt hiệu quả, ngoài đường truyền internet tốt thì các phụ huynh cần phải theo dõi quá trình học của con mình để nhắc nhở, chấn chỉnh’.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Đồng Tháp, toàn tỉnh có 14.365 học sinh lớp 12, trong ngày 6.9 tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến đạt 92,97%. Các trường THPT ở khu vực đô thị có ỷ lệ học sinh tham gia học đạt 100%; tỷ lệ học sinh học các trường khu vực nông thôn tham gia học trực tuyến thấp. Trong đó, học sinh lớp 12 Trường THPT Trường Xuân học trực tuyến thấp nhất, với 83/260 học sinh tham gia (31,92%).
Đồng Tháp có tổng cộng 21.804 học sinh lớp 9 nhưng ngày đầu tiên tổ chức dạy học trực tuyến chỉ có 14.790 học sinh theo học, đạt tỷ lệ 67,83%. Trong đó, H.Lai Vung tỷ lệ học sinh lớp 9 học trực tuyến thấp nhất tỉnh, chỉ có 195/2.204 em tham gia học.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.