Hội đồng trường không thể thay thế hội đồng quản trị của trường tư thục

24/04/2019 16:32 GMT+7

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội, đã chỉ ra những băn khoăn về quy định hội đồng trường của trường tư thục trong dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi).

Ông Khang cho biết, trong dự thảo luật Giáo dục sửa đổi (bản thảo công bố ngày 12.4), khoản 3 của điều 56 ghi: “Hội đồng trường của trường tư thục và tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là tổ chức quản trị, đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan. Thành viên của hội đồng trường gồm:
Đối với trường tư thục, bao gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp;
Đối với trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, bao gồm đại diện nhà đầu tư do các nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; thành viên trong và ngoài trường;
Thành viên trong trường gồm có các thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, chủ tịch công đoàn, đại diện ban chấp hành Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường (nếu có), hiệu trưởng; thành viên bầu là đại diện giáo viên và người lao động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu; thành viên ngoài trường là đại diện nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, doanh nhân, cựu học sinh do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu.
Số lượng và cơ cấu thành viên hội đồng trường tư thục và trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường.
Theo ông Khang, nếu quy định như dự thảo luật, hội đồng trường của trường tư thục bao gồm đại diện các nhà đầu tư có vốn góp và rất nhiều thành viên không có vốn góp trong và ngoài trường!
“Một hội đồng như thế có đại diện cho quyền sở hữu trường, có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường tư thục hay không?”, ông Khang đặt câu hỏi.
Ông Khang cho biết, điều mà ông và nhiều lãnh đạo trường tư thục hiện đang rất quan tâm và rất lo lắng, đó là: Hội đồng trường trong dự thảo luật Giáo dục sửa đổi có thay thế nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng quản trị của trường tư thục trong luật Giáo dục 2005 hiện hành không?
Luật Giáo dục 2005 hiện hành, điều 53 ghi:“Hội đồng trường đối với trường công lập, hội đồng quản trị đối với trường dân lập, trường tư thục là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường...”.
Căn cứ luật Giáo dục 2005, ngày 28.3.2011, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục. điều 8 và 11 của Quy chế ghi:
“Trường có từ hai thành viên góp vốn trở lên phải có hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý và là tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của trường, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết nghị của đại hội đồng thành viên góp vốn và có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch, kế hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường phù hợp với quy định của pháp luật.
Hội đồng quản trị do đại hội đồng thành viên góp vốn bầu và được cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận. Đối tượng tham gia hội đồng quản trị là những người có vốn góp xây dựng trường hoặc người đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân có số vốn góp theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của trường.
Trường phổ thông tư thục do một cá nhân hoặc tổ chức  đầu tư toàn bộ kinh phí xây dựng và kinh phí hoạt động của trường thì không có hội đồng quản trị. Nhà đầu tư có nhiệm vụ và quyền hạn như hội đồng quản trị...”.
Như vậy, theo luật hiện hành, hội đồng quản trị của trường phổ thông chỉ có từ 2 đến 11 thành viên có vốn góp hoặc nhà đầu tư duy nhất có vai trò như hội đồng quản trị của trường. Điều này xác định về bản chất hội đồng quản trị hiện nay khác hẳn Hội đồng trường của trường tư thục trong dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi).
Ông Khang khẳng định: “Hội đồng trường không thể đại diện cho quyền sở hữu trường; không thể quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường tư thục...”
Nhà nước khuyến khích xã hội hóa giáo dục, bảo hộ quyền sở hữu của Nhà đầu tư đối với trường tư thục. Vì vậy, luật Giáo dục (sửa đổi) cần xác định một tổ chức đại diện của nhà đầu tư, thành viên là những người có vốn góp, như Hội đồng quản trị của trường tư thục trong luật Giáo dục hiện hành.
Hội đồng trường không thể thay thế hội đồng quản trị của trường phổ thông tư thục trong thực tế hiện nay!”, ông Khang nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.