Hụt hơi chạy theo đổi mới thi cử

09/07/2018 08:06 GMT+7

Sau 4 năm thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, đến năm 2018 dư luận xã hội cũng như giới chuyên môn thực sự thấy cách gộp 'một kỳ thi 2 mục tiêu' hoàn toàn không giúp ích được gì cho giáo dục cũng như xã hội.

Sự học đang bị đem ra làm trò cười !
Tiền đề cho đổi mới thi chính là công cuộc vận động thực hiện phong trào “hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử, nói không với bệnh thành tích trong giáo dục) mà ông Nguyễn Thiện Nhân, khi đó là Bộ trưởng GD-ĐT phát động từ năm học 2006 - 2007.

 Kết quả của cuộc vận động này là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp (lần 1) của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007 sụt xuống thê thảm: 66,72% (trong khi tỷ lệ này của năm 2006 là 94%). Tại hội nghị tổng kết năm học 2006-2007, ông Nguyễn Thiện Nhân tin rằng, với đà nghiêm túc đó của kỳ thi tốt nghiệp, đến năm năm 2009, có thể không cần tổ chức thi tuyển sinh ĐH, CĐ nữa, mà có thể gộp 2 kỳ thi làm một.

Tuy nhiên, ý định này đã không thể thành hiện thực vào thời điểm như ông Nhân mong muốn, khi mà ngay vào năm sau, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao có dấu hiệu “hồi sinh”, thậm chí có những địa phương  tăng vọt (Tuyên Quang từ 14,28% lên 59,88%, lần 1). Đến năm 2011, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cả nước (96%) vượt mốc năm 2006, năm trước khi thực hiện “hai không”. Trong 3 năm tiếp theo, con số này vẫn tiếp tục tăng, mà cao nhất là năm 2014 (gần 98%). Thực tế này đã dấy lên trong dư luận xã hội những ý kiến: nên chăng bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, chỉ giữ lại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, khi mà thực thế cho thấy việc để các địa phương chủ trì tổ chức một kỳ thi trung thực và thực chất là không khả thi.

Rất nhiều nhà chuyên môn trong và ngoài nước tích cực góp ý, đề xuất giải pháp, trong đó chủ yếu ngả về phương án bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, cuối cùng Bộ GD-ĐT đưa ra phương án giữ kỳ thi tốt nghiệp, gọi là kỳ thi THPT quốc gia, bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ (lúc đó đang được Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức với quy mô toàn quốc theo hình thức “ba chung”).
Lựa chọn này được sự ủng hộ tích cực của Chính phủ. Tại nhiều hội nghị của ngành GD-ĐT, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần nhấn mạnh là chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp được, vấn đề là cần phải làm tốt kỳ thi này để các trường ĐH, CĐ có thể lấy kết quả làm căn cứ xét tuyển. Tháng 7.2014, tại một hội nghị của ngành GD-ĐT bàn về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015, ông Vũ Đức Đam nêu quan điểm: “Chúng ta lấy lợi ích của xã hội, trước mắt là của các cháu học sinh. Nếu cảm thấy một kỳ thi mà giảm tốn kém không chỉ cho các cháu và gia đình các cháu mà cả xã hội thì vẫn quyết tâm làm”.

Kể từ đó cho đến những năm sau, mỗi năm Bộ GD-ĐT cải tiến kỳ thi một chút với nỗ lực “đảm bảo nghiêm túc, trung thực” cho kỳ thi, mà trong đó ngày càng tăng vai trò giám sát của các trường ĐH. Đến giờ, kỳ thi có vẻ khiến dư luận xã hội bớt nghi ngờ về sự nghiêm túc.
Tuy nhiên, mọi “che chắn” nhằm làm cho kỳ thi tốt hơn không ngờ dẫn tới một lỗ hổng ngày càng phình to, đến nỗi sau kỳ thi năm 2018 đã trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn tán của dư luận về kỳ thi: chất lượng đề thi.
Để phục vụ kỳ thi 2 mục đích, đề thi (đặc biệt là môn toán) đang từ thái cực dễ của hai năm trước thì năm nay được “cải tiến” đến nỗi nhiều nhà chuyên môn khẳng định đề toán của VN là đề thi tốt nghiệp THPT khó nhất thế giới. Những bàn tán rôm rả đến nỗi TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, thốt lên: “Chưa bao giờ cái sự học của đất nước bị mang ra làm trò cười nhiều như bây giờ!”.
Một kiểu “sáng tạo nửa vời”
Trong quá trình thực hiện đổi mới thi, một trong nhiều lý do “phải đổi mới” mà Bộ GD-ĐT đưa ra để thuyết phục dư luận, đó là “hội nhập quốc tế”. Theo đó, các kỳ thi chuẩn hóa của thế giới, trong đó kỳ thi SAT, được Bộ GD-ĐT đưa ra làm ví dụ cho những mô hình mà kỳ thi THPT quốc gia hướng tới học hỏi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây là cách học hỏi lạ đời chưa từng có. Theo GS Nguyễn Tiến Dũng, ĐH Toulouse (Pháp), các trường phổ thông của Mỹ cũng tổ chức cho học sinh thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp (chứ không phải để xét tuyển ĐH vào những trường lớn), cũng là đề trắc nghiệm, cũng có những đề 50 câu 90 phút, nhưng mục tiêu là làm cho hầu hết học sinh đều đậu dễ dàng, không cần học thêm bất cứ nơi đâu vẫn làm được. Còn Pháp thì tổ chức kỳ thi tốt nghiệp khá quy mô, nhưng thi tự luận, hoặc ít nhất có một phần tự luận, với thời gian làm bài một môn thi (môn toán) là 4 tiếng.
Theo ông Dũng, kỳ thi “hai trong một” là một sản phẩm “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, một kiểu “sáng tạo nửa vời”, chủ yếu là học Mỹ nhưng học không đến nơi đến chốn, như kiểu “coca-cola trộn nước mắm”. GS Dũng nói: “Trước hết Mỹ cũng không phải là chuẩn mực quốc tế về giáo dục phổ thông. Thứ hai, muốn học Mỹ thì không thể lấy một kỳ thi giống SAT để xét tốt nghiệp vì Mỹ không dùng SAT để xét tốt nghiệp, mà xét ĐH thì SAT chỉ là một trong nhiều căn cứ”.
GS Dũng còn nhận xét: “Thứ mà Bộ GD-ĐT mang về là bài thi trắc nghiệm giống Mỹ nhưng đề thi mẹo mực khó khăn, lại dùng cho thi "2 trong 1". Hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH mục đích khác hẳn nhau, khi trộn vào như vậy khó mà ra được cái đề nào thích hợp vừa đảm bảo phân loại (cho tuyển ĐH) vừa đảm bảo cơ bản và đậu dễ dàng với các học sinh chỉ cần đi học bình thường trên lớp”.
GS Vũ Hà Văn, ĐH Yale (Mỹ), cũng cho biết Trường Yale giống như các trường ĐH tốp cao khác của Mỹ xét tuyển ĐH dựa vào nhiều tiêu chí, mà trong đó điểm SAT chỉ là một. “Dĩ nhiên SAT không phải là tiêu chí duy nhất. Thậm chí, trong các tiêu chí, SAT không phải là tiêu chí quan trọng nhất”, GS Văn nói.
Thi cử bóp méo mọi nỗ lực của giáo dục
Căn cứ quan trọng để Bộ GD-ĐT tiến hành đổi mới các kỳ thi dành cho học sinh học xong lớp 12 là việc T.Ư Đảng ban hành Nghị quyết số 29 (tháng 11.2013) mà một trong số 9 nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết là yêu cầu ngành GD-ĐT “đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan”.
Tuy nhiên, nghị quyết đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp nhưng Bộ GD-ĐT (khi đó ông Phạm Vũ Luận làm bộ trưởng) đã chọn đổi mới thi làm khâu đột phá. “Bộ GD-ĐT xác định đổi mới kiểm tra đánh giá và thi cử trong nhà trường là khâu đột phá quan trọng nhất trong quá trình triển khai nghị quyết”, ông Luận từng khẳng định.
Nhưng trên thực tế việc đổi mới thi chưa thấy đột phá đâu mà đang gây ra nhiều rối loạn. Tiến sĩ Phạm Thị Ly, nhà nghiên cứu độc lập, nhận xét: “Cái quái gở nhất ở ta, thi cử lẽ ra là phương tiện, thì giờ bị biến thành mục đích, hơn thế nữa, mục đích tối hậu của việc học. Điều này khiến cho nó bóp méo hoàn toàn mọi nỗ lực giáo dục thực sự”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.