Khi trẻ mắc lỗi đừng buông lời nóng giận

29/09/2018 17:02 GMT+7

Chỉ vì con chưa ngoan hoặc không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ, nhiều phụ huynh buông lời tức giận vô tình làm tổn thương tâm hồn con trẻ.

Chị Nguyễn Quỳnh Như (ngụ chung cư Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) kể lại: Con nói ở lớp ai cố gắng sẽ được cô thưởng phiếu khen, cuối tháng được tặng quà. Rồi con hồn nhiên kể bạn ngồi cạnh được 8 cái, trong khi con chỉ được 3 cái. Nghe xong mình bắt bẻ "tại sao con lại được có 3 phiếu? Sao con không được nhiều như bạn ấy? Con thua bạn con không thấy buồn sao?". Suốt buổi tối mình thấy con không cười nói, mặt lầm lì chui vào phòng ngồi. Sáng hôm sau chở con đi học con cũng buồn bã. Gặng hỏi mãi, thì con bật khóc và nói "mẹ chê con kém cỏi không bằng bạn Nguyên. Con cũng cố gắng rồi nhưng chỉ được 3 phiếu thôi".
Lời con nói khiến chị Như như “bừng tỉnh”. Thì ra sau khi bị mẹ bắt bẻ, con chị tủi thân trong lòng, nếu không được hỏi đến thì không biết sẽ ức chế đến bao giờ. “Ngay khi con nói vậy, mình đã an ủi, xoa dịu con, nói là con cứ cố gắng hết mình là được, cô thưởng bao nhiêu phiếu mẹ không quan trọng nữa”, chị Như cho biết.

 

Không chỉ vậy, nhiều bậc phụ huynh khi nóng giận cũng thường hay buông những lời dọa dẫm thiếu kiểm soát, như “đồ vô tích sự”, “hư thế quẳng ra đường ba mẹ không nuôi nữa”, “lười học, học dốt vậy thì mai mốt lớn đi bán vé số, đi ăn xin”… mà không hề hay biết con sẽ “găm” trong lòng mình, sẽ tưởng lời nói đó là thật.
“Thậm chí trước mặt đông người, có cha mẹ còn la mắng, đánh con khiến con xấu hổ, nuôi trong lòng sự ức chế. Chúng ta nên kiềm chế cơn giận và tế nhị, khéo léo khi dạy con”, chị Xuân Chung, phụ huynh có con học lớp 4, Trường tiểu học Hồ Văn Cường, Q.Tân Phú, nhận định. 
Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, giảng viên khoa tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: “Có nhiều phụ huynh nghĩ 'con nít thì biết gì', ngược lại, cũng không ít người có quan điểm 'con nít cái gì cũng biết'. Khi nghĩ con nít chẳng biết gì cả, thì người lớn có xu hướng làm thay, làm giùm con, nuông chiều những đòi hỏi của đứa trẻ… Ngoài ra, sợ con làm sai, phạm lỗi không ít phụ huynh áp đặt suy nghĩ của mình cho con, hạn chế tính tích cực, tự lập, thậm chí cấm đoán, coi thường, đánh mắng nếu trẻ làm trái ý. Còn những người theo quan điểm 'con nít cái gì cũng biết' hay đánh đồng trẻ 'nó khôn lắm, nó biết hết', dễ dẫn đến chuyện để con 'tự bơi', không hướng dẫn, giải thích, phân tích, làm mẫu… Khi xảy ra chuyện lại đổ lỗi cho con, so sánh con với trẻ khác”.
Theo thạc sĩ Huân, cả hai quan điểm đều không phản ánh đúng về trẻ. Trẻ em không phải “tờ giấy trắng” mà người khác muốn viết gì lên đó thì viết, cũng không phải chúng là “người lớn thu nhỏ” nên cái gì cũng hiểu và làm được nếu không được dạy bảo, giải thích tận tình ngay từ những lần đầu.
“Trẻ có suy nghĩ, tính cách, sở thích, cảm xúc, khả năng và các đặc điểm riêng phù hợp lứa tuổi. Các con hoàn toàn có thể nhận ra thái độ, hành động, nghe thấy lời nói, cảm nhận thấy xúc cảm, tình cảm mà mọi người xung quanh đối với mình… chỉ là chúng hiểu nhưng thiếu vốn từ, thiếu khả năng diễn đạt cho người lớn hiểu. Bất kỳ một tổn thương nào cả về thể chất lẫn tinh thần như: đánh mắng, so sánh, bạo lực, bỏ bê, xâm hại… đều ảnh hưởng đến tâm lý đứa trẻ về sau. Nhẹ thì để lại ấn tượng không tốt, khiến trẻ ghét, sợ tiếp xúc với người lớn, nặng thì khiến trẻ ám ảnh, rối loạn, sang chấn về mặt thể chất, tâm lý”, thạc sĩ Huân nêu quan điểm.
Chính vì thế, khi trẻ mắc lỗi hay chưa đáp ứng sự kỳ vọng của người lớn, anh Huân cho rằng điều đầu tiên là cha mẹ không nên “tấn công” trẻ về mặt ngôn ngữ lẫn hành động. Xem xét vấn đề ở nhiều khía cạnh: Con như vậy là do đâu? Do mình dạy chưa đúng, do yếu tố khách quan tác động, do mình kỳ vọng quá lớn, không tương xứng với khả năng của con? Những câu hỏi sẽ giúp chúng ta tự kéo mình lại để không hành động bộc phát, nóng giận một cách không cần thiết và cũng không mang lại lợi ích gì trong việc giáo dục con trẻ. Khi đủ bình tĩnh, kiềm chế được cảm xúc cũng là lúc người lớn sáng suốt hơn trong việc tìm ra và lựa chọn được giải pháp tốt nhất trong việc dạy con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.