|
Sự tương tác giữa thầy và trò là vô giá
Gần đây, có xu hướng tỏ ra sùng bái sự hỗ trợ của các phương tiện giáo dục hiện đại, nào bảng tương tác, nào phòng học thông minh, máy tính bảng… đến mức cho rằng sự bùng nổ cách mạng công nghệ thông tin, hàng loạt phương tiện kỹ thuật ra đời hỗ trợ đắc lực cho việc học thì vị trí người thầy lui dần xuống hàng thứ yếu, hay ít ra người thầy không còn giữ vai trò quyết định then chốt trong nhà trường như trước đây nữa.
GS Hoàng Tụy bình luận: “Ý kiến này mới nghe ra có lý nhưng đã không được khoa học và kinh nghiệm thực tiễn xác nhận”. GS Tụy dẫn chứng công trình của GS J.Hattie, nhà nghiên cứu giáo dục người New Zealand, dựa trên dữ liệu hơn 50 triệu học sinh (HS) mọi lứa tuổi, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để khảo sát ảnh hưởng tương đối của các yếu tố khác nhau đến chất lượng giáo dục, như: trình độ, khả năng tiếp thụ, tinh thần ham học của người học, năng lực, phương pháp giảng dạy của thầy, chất lượng và sự phong phú các phương tiện hỗ trợ học tập, đặc biệt là về công nghệ thông tin… Tác giả đã đi đến kết luận là ngay cả trong nhà trường hiện đại, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì vai trò quyết định nhất đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố liên quan trực tiếp tới người thầy.
|
PGS Ngô Quang Hưng, một chuyên gia ngành khoa học máy tính, ĐH bang New York ở Buffalo (Mỹ) trong một lần trao đổi với phóng viên Thanh Niên về đề án trang bị máy tính bảng cho HS tiểu học ở TP.HCM, cho rằng sự tương tác giữa thầy và trò là những giá trị không thể đo lường được trong giáo dục. “Thầy chỉ nhìn học trò bằng một ánh mắt nào đó thôi là tính truyền cảm trong bài giảng của thầy rất khác với việc trò ngồi xem video. Những hoạt động tương tác giữa người với người tuyệt đối quan trọng cho sự phát triển tư duy của trẻ con”, PGS Hưng nói.
TS Đàm Đức Việt, bác sĩ trẻ của Viện Răng - Hàm - Mặt T.Ư nhận xét nghề thầy giáo cũng giống như nghề thầy thuốc, máy móc tối tân hiện đại rất cần nhưng máy móc ấy chưa bao giờ thay thế được con người. Kiến thức của người thầy, tấm lòng của người thầy sẽ luôn là yếu tố quyết định. “Thời học y, tôi học được ở thầy giáo không chỉ kiến thức về y học mà còn là cái tâm trong nghề này, học cái cách mà thầy chữa trị và đối xử với bệnh nhân. Điều đó thì thiết bị dù đắt tiền, dù hiện đại nào cũng không thể làm được ”, bác sĩ Việt nói.
Trò thích học vì kính yêu thầy
Không phải ngẫu nhiên mà năm 2010, khi nhận giải thưởng Fields, GS Ngô Bảo Châu đã dành phần quan trọng nhất trong bài phát biểu tại lễ tôn vinh của nhà nước dành cho ông để nhắc nhở công ơn của những người thầy.
Nhà thơ Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con tại Hà Nội, chia sẻ: “Trong thời gian học ở Trường Hà Nội - Amsterdam, tôi có khá nhiều kỷ niệm với thầy cô, những trải nghiệm quan trọng có ảnh hưởng lớn đến những quyết định nghề nghiệp của tôi sau này”. Theo nhà thơ, nhiều thầy cô là những người đầu tiên khai mở phương pháp học và tiếp cận kiến thức cho mình.
Nhà giáo Tôn Thân, người thầy mà GS Ngô Bảo Châu nhiều lần nhắc đến khi giao lưu với HS VN, cho rằng muốn dạy tốt, người thầy phải có sức thu hút đối với học trò. Đối với những HS nhỏ tuổi, nhiều khi các em quý thầy quý cô mà yêu luôn môn thầy cô đó dạy. Trong quan hệ giữa thầy và trò, thầy là người bạn lớn của học trò. “Tôi cũng nhận thấy, muốn dạy học trò tốt, mình phải hiểu họ. HS ngày hôm nay khác HS ngày xưa thế nào. Ngay cả ngôn ngữ của HS cũng phải hiểu. Phải đi con đường của chính bản thân học trò để dạy”, thầy Thân tâm sự.
GS Hoàng Tụy chỉ ra rằng thành ngữ “Không thầy đố mày làm nên” dù ở thời đại nào vẫn luôn đúng. Sứ mạng của nhà trường, của thầy là phải thông qua giáo dục mà đánh thức cái tiềm năng trong mỗi HS, khơi dậy và phát triển nội lực của họ. Sứ mạng đó thật cao quý và quan trọng. “Bất kể thế nào, không có thầy giỏi, cả năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức thì khó có thể có một nền giáo dục thật sự có chất lượng, dù cho người học thông minh, có đầy đủ nội lực, và dù cho chương trình đào tạo tiên tiến”, GS Hoàng Tụy nhấn mạnh.
Tiến sĩ trẻ Chu Cẩm Thơ (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, viết lại chương trình và sách giáo khoa không khó bằng việc nâng cao chất lượng người thầy. “Vì vậy, tôi mong đợi một cơ chế linh hoạt hơn để có thể thu hút nhiều người giỏi, trước hết vào học ngành sư phạm, sau đó là hàng loạt các cơ chế để những người giỏi ấy về giảng dạy ở phổ thông và yên tâm gắn bó với nghề. Bởi vì, chính những người trực tiếp đứng lớp mới là những người quyết định hiệu quả giáo dục”, tiến sĩ Thơ mong muốn.
Tuệ Nguyễn
Làm thầy là cả một nghệ thuật
Trải qua 35 năm trên bục giảng, “thầy giáo viết bằng chân” Nguyễn Ngọc Ký nay đã nghỉ hưu nhưng vẫn luôn tâm huyết, trăn trở với nghề giáo.
|
Ông đã dành cho phóng viên Thanh Niên cuộc phỏng vấn nhân ngày Nhà giáo VN.
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Theo thầy, làm nghề giáo thời nay có khó hơn trước?
Làm thầy bây giờ quả là có khó hơn nhưng mà cũng… dễ hơn. Dễ hơn ở chỗ, giáo viên có được phương tiện hiện đại, sử dụng giáo án điện tử, có nhiều sách báo để tham khảo. Tuy nhiên, chính vì vậy mà người thầy phải biết hài hòa như thế nào để học trò thấy rõ giá trị “không thầy đố mày làm nên”. Càng có thuận lợi với những phương tiện hiện đại đó, giáo viên càng phải có ý thức chăm chút nghề nghiệp trong từng cử chỉ, từng việc sử dụng thao tác kỹ thuật. Không thể dựa dẫm vào những phương tiện ấy mà cẩu thả vội vàng.
Tôi ủng hộ phương pháp mới, tận dụng phương pháp dạy hiện đại như giáo án điện tử nhưng tuyệt đối không được lạm dụng.
Nhiều người cho rằng học trò bây giờ ít vâng lời thầy cô, thậm chí còn đánh cả giáo viên. Thầy nghĩ sao về quan hệ thầy - trò hiện nay?
Nhiều trò thời nay không ngoan như hồi xưa có một phần quan trọng là do giáo viên không mẫu mực. Cuộc sống bon chen đời thường khiến cho nhiều thầy không còn tính mô phạm mẫu mực nữa. Tôi nhận thấy hiện có những nhà giáo dạy trong dạy ngoài. Họ dạy ở trường một mức độ nhất định vừa đủ, còn lại dành dạy thêm. Thành ra, sự toàn tâm toàn ý của người thầy bị hạn chế. Về phía HS, các em nộp tiền cho thầy để học thêm, đó là chuyện tiền trao cháo múc. Tự dưng giáo viên như trở thành người đi đòi nợ nên hình ảnh người thầy và mối quan hệ thầy - trò cũng bị ảnh hưởng.
Có những quan hệ thầy - trò sàm sỡ. Thậm chí, có những thầy giáo chửi học trò, văng cả những lời tục tĩu… Sẵn một cái tâm không quý trọng thầy rồi, thấy thầy cũng không có gì cao quý nên một số học trò sẵn sàng đánh chửi lại thầy. Theo tôi, mấu chốt vẫn nằm ở câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
Phải biết tạo tâm thế
Làm sao để hình ảnh người thầy lung linh trong mắt học trò, thưa thầy?
Cần phải có chính sách để nhà giáo không phải bon chen, không phải làm cái nghề khác kiếm sống mà toàn tâm toàn ý với việc dạy học. Mặt khác, chương trình dạy và học, thi cử, sách giáo khoa cũng cần phải giảm tải hơn nữa nhưng cần tăng cường hơn tính nhân văn sâu sắc.
Có thể thấy rằng, trong mắt học trò ngày xưa, người thầy vời vợi như thánh. Bởi vì những kiến thức học trò học được ngoài thầy ra hầu như không còn kiến thức nào khác. Nhưng bây giờ, ngoài thầy đứng lớp ra thì còn hàng trăm người thầy khác: thầy ti vi, thầy Google, thầy báo chí, thầy ngoài đời… Điều này đòi hỏi người thầy cần có sự đầu tư cho những đơn vị tri thức để tìm ra cái hay, cái đẹp, cái sâu sắc nhất chuyển tải đến HS. Làm sao để mỗi tiết dạy, mỗi tiết học, HS cảm nhận được niềm vui, thấy được những điều mới lạ, thấy lớn thêm một chút về nhận thức, ý thức. Còn người thầy luôn luôn có ý thức cao độ về mỗi lời mình giảng, lúc dạy xong cũng thấy mình lớn thêm một chút, hạnh phúc thêm một chút.
Dù bất cứ thời đại nào, người thầy phải tìm mọi cách để tạo được tâm thế cho mình và cho HS. Muốn trò chuẩn mực, nền nếp thì thầy cũng phải nền nếp chuẩn mực. Muốn trò kính phục thầy, thì thầy phải chuẩn hóa, mẫu mực ở trên bục giảng cũng như ngoài đời thường. Làm thầy là cả nghệ thuật chứ không hề đơn giản. Có thể người thầy đó rất đẹp nhưng chỉ cần một câu nói, một cử chỉ không đẹp là mất đi hình ảnh người thầy.
Sự chuẩn mực có song hành với tính gần gũi, để học trò không phải chỉ dám “kính nhi viễn chi” người thầy?
Sự chuẩn mực và gần gũi thống nhất thành một. Người thầy càng chuẩn mực, mẫu mực bao nhiêu thì học trò càng kính mến và càng gần gũi, thương yêu bấy nhiêu.
Thực ra, những người thầy biết tạo tâm thế, giáo viên giỏi là người đâu cần quát tháo đánh đấm học trò mà vẫn thu phục được các em. Vấn đề là người thầy phải biết ý thức cao về nghề nghiệp của mình, biết tự rèn luyện, đổi mới và hoàn thiện chính mình qua mỗi tiết dạy. Có như vậy, ngay cả khi học trò gặp thầy ở ngoài đường, ngoài chợ, lúc thầy đang trả giá chẳng hạn thì cũng thấy rằng đây là người thầy mình kính trọng.
Như vậy, khi người thầy mẫu mực trong đời thường thì họ hạnh phúc hơn chứ mất cái gì đâu, đâu mất tự do và đâu đánh mất chính mình.
Ý kiến Truyền ngọn lửa đam mê Người thầy phải truyền được ngọn lửa đam mê cho HS. Ngoài ra, thầy cô giáo cần phải biết lấy niềm vui, sự tiến bộ, thành đạt của HS làm lý tưởng nghề nghiệp, làm lẽ sống của mình. Làm sao để HS cảm nhận những ngày đi học luôn đầy ắp những điều mới lạ, luôn sáng tạo, đam mê, phấn khởi. Lê Thị Phượng Trân trọng người thầy vì sự tận tụy Hãy đến với học trò bằng tâm trong sáng. Sự tận tụy của giáo viên là điểm để các em trân trọng. Nhiều khi chỉ là những chi tiết nhỏ nhưng lại để lại ấn tượng lớn. Đừng ngần ngại thể hiện tình thương, nâng đỡ, dìu dắt và giúp trò sửa chữa lỗi lầm. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương để HS soi rọi đạo đức, cách sống. Nhà giáo ưu tú Kim Vĩnh Phúc Cập nhật cái mới Với trẻ mầm non, hãy chăm sóc trẻ từ những điều nhỏ nhặt nhất. Đặc biệt, lứa tuổi này rất ham khám phá, luôn đặt câu hỏi đến tận cùng vì vậy giáo viên cũng phải thường xuyên trau dồi kiến thức, cập nhật những cái mới, những câu chuyện hay để có thể trả lời, giải đáp khi trẻ cần. Có như vậy thì trẻ mới gần gũi, yêu quý cô và cảm thấy cô giáo là người “biết tuốt” để ngưỡng mộ. Trần Tú Quyên Tạo niềm tin với học trò Xuất phát từ tình yêu thương tạo niềm tin đối với trẻ, đã hứa thì phải thực hiện, trò chuyện để hiểu trẻ... là những bước tạo hình ảnh đẹp trong mắt học trò. Tiểu học là lứa tuổi dễ tổn thương, đừng bao giờ nêu khuyết điểm của trẻ trước lớp mà sẽ trò chuyện riêng, phân tích để trẻ hiểu tại sao con không nên làm việc đó. Nguyễn Thị Thu Vân Dám sống vì Học Sinh Người thầy phải tận tâm với nghề, hết lòng thương yêu học trò và phải dám sống vì các em. Hãy sống, dạy học như những người thầy mà mình nhớ, mình thương yêu. Giáo viên phải là người biết đau với nỗi đau của HS. Bùi Thị Đông Sống và dạy bằng tâm Nhà giáo cần chỉn chu trong tác phong, cách ăn mặc. Khi đến lớp luôn nở nụ cười trên môi. Người thầy dạy HS phải biết tôn trọng thầy cô, thì đầu tiên thầy cô phải tôn trọng các em. Phải luôn để tình cảm, tâm hồn của mình vào từng câu nói, lời giảng để các em cảm nhận, tin tưởng. Bùi Thị Ngọc Linh B.Thanh - M.Luân - L.Thanh |
Như Lịch
(thực hiện)
>> Khắp nơi kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11
>> Thư gửi các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ và các em học sinh, sinh viên nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2006
>> Hội thi nấu ăn chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11
>> Bài dự thi Viết về thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Hành trình không đơn độc
>> Cuộc thi viết về thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Bình luận (0)