Tôi cho rằng việc giao cho hiệu trưởng toàn quyền quyết định nhận hay không nhận một giáo viên nào đó, đuổi hay không đuổi một giáo viên nào đó, nếu không khéo sẽ biến hiệu trưởng thành “quan phụ mẫu” ban phát ân huệ cho giáo viên, giáo viên thì không dám góp ý gì vì sợ bị ghét, bị “đì”...
Chúng tôi đều mong rằng nếu chủ trương trên đi vào thực tế, cơ quan quản lý cần có quy chế chặt chẽ, hiệu trưởng có quyền nhận và đuổi giáo viên thì giáo viên cũng có quyền kiện hiệu trưởng nếu hiệu trưởng làm sai quy định.
Các cấp quản lý phải thanh tra, kiểm tra và xử lý rốt ráo, đúng người đúng tội với hiệu trưởng, đừng bao che, chạy tội cho cấp dưới như một số trường hợp từng xảy ra.
Đỗ Đức Anh, giáo viên THPT tại Q.1, TP.HCM
tin liên quan
Hiệu trưởng được tuyển dụng giáo viên?
Có ý kiến cho rằng, khi tự chủ thì nhà trường sẽ tuyển được giáo viên đúng với nhu cầu và điều kiện. Cách đây 4 năm, trường tôi đã làm việc này bằng cách nhờ giảng viên bên các trường ĐH giới thiệu những sinh viên ra trường xếp loại khá, giỏi. Sau đó trường mời về cộng tác trong hè để đánh giá thêm năng lực thực tế cũng như cho các giáo sinh tìm hiểu về trường trước khi đăng ký tuyển dụng. Sau đó, bạn nào muốn làm việc cho trường thì làm hồ sơ tuyển dụng tại phòng giáo dục quận và hiệu trưởng cũng đã làm đơn gởi xin được nhận giáo sinh đó về trường. Qua hai năm được chấp nhận việc này mà trường đã tuyển được những ứng viên nhiệt tình, tâm huyết giảng dạy ở trường. Sau đó họ đã đạt được nhiều thành tích cao ở các cuộc thi chuyên môn do quận, thành phố, Bộ tổ chức. Sau đó thì không được phép xin nữa mà phải nhận bất cứ giáo viên nào mà phòng giáo dục điều động. Kết quả là có giáo viên không đáp ứng với môi trường giáo dục của đơn vị, có người lại xin nghỉ vì nhà xa.
Tuy nhiên, khi tự chủ thì các trường phải cam kết tuyển dụng theo đúng nhu cầu và công khai trong toàn hội đồng. Việc quyết định không phải chỉ do hiệu trưởng mà còn có tập thể ban giám hiệu và tổ trưởng bộ môn tham gia vào đánh giá chuyên môn.
Nguyên phó hiệu trưởng một trường THCS tại Q.1, TP.HCM
tin liên quan
Sở GD-ĐT TP.HCM tuyển 420 giáo viên, nhân viên
Khi tập thể giáo viên là người lao động và hiệu trưởng là “ông chủ” thì rất nhiều tình huống có thể xảy ra với các thầy cô và không phải tình huống nào cũng tích cực. Lương không cố định, có thể tăng nếu ai có năng lực hay vừa lòng “ông chủ”. Ngược lại, giáo viên nào có ý kiến trái chiều hiệu trưởng, có thể bị sa thải hoặc giảm lương. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có lường trước tình huống có thể xảy ra việc “con ông cháu cha” trong trường sẽ đông đảo “át” giáo viên có năng lực...
Vì vậy ngoài một hành lang pháp lý trong việc tuyển dụng thì cần đi kèm với việc giảm biên chế của đội ngũ quản lý, thực hiện luân chuyển đối với lãnh đạo trong trường học để tránh lộng quyền của hiệu trưởng lên nhà giáo, nhất là khi “quyền hành” đó có thể loại.. người tài.
Giáo viên THCS N.V. Xuân (Q.Tân Phú, TP.HCM)
tin liên quan
TP.HCM sẽ không yêu cầu hộ khẩu khi tuyển giáo viên mầm non
Thực tế hiện nay Q.Bình Tân đang cho các trường thành lập hội đồng tuyển dụng độc lập với sự giám sát của quận. Tuy nhiên việc giám sát không thể đảm bảo 100% nên phòng giáo dục đánh giá cao vai trò của đội ngũ giáo viên hướng dẫn thử việc. Đội ngũ này đóng vai trò kiểm tra sát hạch để sự quyết định ký hợp đồng của hiệu trưởng thực hiện đúng nguyên tắc. Nói chung hội đồng tuyển dụng cần được thiết lập ở các trường với các tiêu chuẩn trình độ, đạo đức và năng lực…
Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục Q.Bình Tân, TP.HCM
Hiện Q.12 vẫn tuyển dụng giáo viên theo hội đồng quận dựa trên chỉ tiêu cụ thể của từng trường. Ứng viên đăng ký dự tuyển vào trường nào thì chỉ được xét theo chỉ tiêu của trường đó. Các hiệu trưởng tham gia vào tuyển dụng nhưng thông qua việc chấm chéo bài thi của ứng viên các trường để tránh sự thiếu công tâm. Tuy nhiên khi giao quyền về các trường thì lo lắng nhất việc tuyển theo mối quan hệ của người đứng đầu nhà trường.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Q.12, TP.HCM
Bình luận (0)