Khuyến khích giáo viên thực hiện hồ sơ sổ sách điện tử

14/12/2020 19:05 GMT+7

TP.HCM quy định khuyến khích giáo viên thực hiện hồ sơ sổ sách điện tử thay thế cho hồ sơ sổ sách giấy.

Đáp ứng yêu cầu tra cứu, kiểm tra nhanh

Ngày 14.12, Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy đảm bảo yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy.

Trong hướng dẫn các trường tiểu học sử dụng hồ sơ sổ sách điện tử có quy định rõ việc sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy là khuyến khích không bắt buộc, tùy theo nguyện vọng của giáo viên và nhà trường.

Hồ sơ sổ sách điện tử được tạo ra bằng các ứng dụng văn phòng thông dụng, được lưu trữ thuận tiện bằng nhiều hình thức khác nhau, đáp ứng yêu cầu tra cứu, chia sẻ, kiểm tra nhanh vào mọi thời điểm… Hồ sơ sổ sách điện tử được xây dựng theo đúng mẫu của hồ sơ giấy, khi cần thiết có thể in ra và đóng tập như hồ sơ giấy.

Giáo viên có thể chuẩn bị kế hoạch bài dạy, ghi chép nội dung sinh hoạt, hoạt động, thực hiện các loại hồ sơ sổ sách khác bằng các phương tiện công nghệ, sau đó lưu trữ dạng sổ, không phải in ra giấy.

Đối với kế hoạch bài dạy, cuối mỗi bài dạy cần có mục "Rút kinh nghiệm" để cập nhật các nội dung cần thiết sau tiết dạy.

Giúp giáo viên giảm chi phí, công sức, thời gian

Giáo viên Vũ Hoàng Sơn, Trường tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, cho biết trước đây giáo viên phải thực hiện các loại sổ hội họp, sổ chủ nhiệm, sổ dự giờ theo hình thức viết tay truyền thống. Còn giáo án thì có thể viết tay hoặc đánh máy nhưng phải in và đóng thành cuốn.

Ngoài ra có giáo viên còn cho hay, nhà trường yêu cầu giáo viên nhận xét học bạ theo hình thức viết tay. Trong khi đó, trên cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục có sổ liên lạc điện tử, giáo viên có thể nhận xét trên mẫu có sẵn sau đó lưu vào hồ sơ học sinh.

Vì vậy, với hướng dẫn sử dụng hồ sơ sổ sách điện tử của Sở như trên, giáo viên Vũ Hoàng Sơn nói rằng quy định giúp giáo viên giảm chi phí, công sức, thời gian khi thực hiện các loại hồ sơ sổ sách. Giáo án, kế hoạch bài giảng của mỗi giáo viên có sự tích lũy, có sự chỉnh sửa cho từng lớp học, từng năm học trên nền tảng công nghệ. Ngoài ra giáo viên có thể tham khảo và trao đổi với nhau để bài giảng phong phú, sinh động, phù hợp với từng trình độ học sinh.

Hay giáo viên Nguyễn Thanh Thùy (huyện Bình Chánh) chia sẻ bắt đầu từ năm học này, giáo viên sẽ giảm bớt những “gánh năng về sổ sách”. Khuyến khích người dạy chủ động, năng động khi ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc của mình. Và chính đội ngũ cán bộ quản lý cũng thay đổi hình thức quản lý, không bó hẹp, truyền thống mà ứng dụng công nghệ vào quản lý để thích ứng trong điều kiện mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.