Kiến nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa nhà nước định giá

11/06/2020 15:20 GMT+7

Khẳng định cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT đã có văn bản kiến nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa.

Thông tin từ Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết, theo quy định của luật Giá 2012 và các văn bản hướng dẫn, sách giáo khoa thuộc mặt hàng kê khai giá với Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, nên Nhà nước cần có giải pháp cấp bách để điều tiết giá.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa  vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa.
Bộ Tài chính đã có Tờ trình báo cáo Chính phủ đề xuất bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (hình thức giá tối đa). Hiện, Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để báo cáo Quốc hội.
"Sau khi được Quốc hội đồng ý, việc bình ổn giá sách giáo khoa chắc chắn sẽ tốt hơn", đại diện Bộ Kế hoạch - Tài chính cho biết. 
Trước mắt, đối với giá sách giáo khoa năm học 2020-2021, Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT đều có văn bản đề nghị các nhà xuất bản nghiêm túc, chặt chẽ trong kiểm soát chi phí sản xuất, giảm tối đa giá sách giáo khoa, nhằm mục tiêu bình ổn giá.
Ngày 4.6.2020, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu các nhà xuất bản thực hiện rà soát phương án giá sách giáo khoa để tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, tiếp tục giảm giá sách giáo khoa để hỗ trợ người tiêu dùng; đồng thời, đánh giá tác động đến chỉ số CPI báo cáo về Bộ Tài chính và Bộ GD-ĐT trước 20.6 tới để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Bộ này cũng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các nhà xuất bản phối hợp các vụ, cục và địa phương
thực hiện các công tác xã hội như: tặng sách giáo khoa cho con các gia đình chính sách, gia
đình thương binh liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT sẽ cùng Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (GREP) cấp sách cho các thư viện vùng khó khăn để các trường có thể cho học sinh dùng chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.