Kinh nghiệm học tập, sinh sống khi du học

06/07/2018 21:00 GMT+7

Chiều 6.7, một số học sinh tiêu biểu đang học tập, sinh sống ở Mỹ đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong chương trình 'Hành trình du học: Chia sẻ kinh nghiệm học tập, sinh sống' ở nước ngoài của Báo Thanh Niên .

Vượt qua ngày đầu bỡ ngỡ

Có thể nói, đối với các du học sinh, ngày đầu khi ra nước ngoài là khoảng thời gian bỡ ngỡ nhất. Cần phải vượt qua giai đoạn này tốt nhất để tiếp tục việc học tập.

Lê Hoàng Dương, được nhận học bổng bậc trung học năm 2017 - 2018 tại Trường Center Moriches (New York, Mỹ); thành viên dự thi Robocon cho trường và đoạt giải nhất bang New York, hiện đã có học bổng vào University of Maryland. Tuy nhiên, Dương vẫn nhớ như in thời gian khó khăn ban đầu khi mới đến Mỹ. Trước khi học chính thức, Dương trải qua 2 tuần ở chung người bản địa. Thời gian đầu là khó khăn nhất vì phải làm quen ngôn ngữ, phong tục. Gia đình bố mẹ nuôi của Dương có thời gian đi làm từ 22 giờ tối, về nhà khi rạng sáng, không thể gặp và nói chuyện nhiều. Tuy nhiên, Dương cũng dành thời gian để có thể tiếp xúc, nói chuyện vào lúc bố mẹ nuôi rảnh, từ đó bắt nhịp với cuộc sống.

“Ở Việt Nam, bạn nên chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng đương đầu mọi thứ khi đi du học Mỹ. Bạn cũng nên tìm hiểu rõ luật từng bang. Nên kết bạn, hòa nhập cộng đồng đang sinh sống. Có như vậy, thời gian khó khăn ban đầu sẽ không quá nặng nề và dễ dàng thích nghi”, Dương cho biết.


Triệu Kiều Nga là học sinh được nhận học bổng năm học 2017 - 2018 tại Trường Jack C.Hays (Texas, Mỹ), năm sau sẽ vào học tại Seattle Central College. Nga cho biết ban đầu, Nga gặp chút khó khăn vì điểm khác biệt là lối sống ở phương Tây là tự lập. Gia đình bố mẹ nuôi rất bận rộn, chỉ nấu ăn khoảng 2-3 ngày/tuần. Nga thường phải tự chế biến các món ăn. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề lớn. Kinh nghiệm Nga rút ra khi đi du học là ngay từ ban đầu đừng sống khuôn khổ trong “cái hộp”. Hãy bước ra khỏi “vòng tròn” của mình, cố gắng thử những điều mình chưa được làm, để có trải nghiệm tốt nhất.

 

Phan Khắc Long, học sinh nhận học bổng năm 2014 - 2015 tại Trường Martin Ferry (Ohio), đang là sinh viên năm 2 ngành Commercial Photography tại The Art Institute of Pittsburgh ở Pennsylvania thì có thời gian đầu khá ngại ngùng với chuyện ăn uống.

“Cha mẹ nuôi của em là người bản địa nên rất thẳng thắn. Nếu có vấn đề và chia sẻ thì họ sẽ tìm ra vấn đề để giải đáp giúp. Lúc em qua có mang nửa thùng mì gói theo. Hai tuần đầu em toàn ăn mì gói nên ba mẹ nuôi nói không nên ăn mì nữa, nên tập ăn thức ăn của Mỹ. Dần dần em bắt đầu quen thức ăn. Món ăn ưa thích nhất sau đó là khoai tây dầm. Việc tập hòa nhập vào văn hóa, lối sống, ẩm thực của nơi đến học rất quan trọng trong thời gian ban đầu”, Long chia sẻ.

Kinh nghiệm hòa nhập ở trường

Phan Khắc Long cho biết thời gian đầu ở trường học của Long khá suôn sẻ. Các môn học thì hầu như không có môn nào khó. Toán lớp 11 ở Mỹ chỉ tương đương lớp 8 ở Việt Nam. Môn khó nhất là những môn như sinh học, tiếng Anh chuyên môn rất khó. Vì vậy, Long cho rằng chỉ cần để ý điều này để giải quyết.

Một lý do khác giúp Long nhanh chóng hòa nhập tốt với các bạn là có tham gia đội tuyển bơi của trường, được tham gia thi đấu khu vực, vùng. Nếu tham gia hoạt động ngoại khóa sẽ giúp bạn dễ hòa nhập hơn. Ngoài ra, hoạt động ngoại khóa cũng là một trong những yếu tố xét học bổng của nhà trường.

Triệu Kiều Nga cũng đồng ý là học trung học bên Mỹ rất dễ so với Việt Nam. Nhưng các trường cũng chia môn học làm nhiều mức độ khác nhau. Nếu thấy dễ, có thể đổi học lớp nâng cao. Nếu học giỏi môn học nào thì thầy cô sẽ để ý, chọn để đi thi cho trường. Lúc học ở Việt Nam, Nga rất ghét môn toán. Ban đầu qua Mỹ, Nga chưa thay đổi suy nghĩ này. Cho đến khi Nga được học lớp nâng cao toán, thầy cô lựa chọn đi thi cho trường. Từ đó, Nga trở thành người trước đó ghét toán nhưng lại giỏi toán!

Lê Hoàng Dương cũng cho biết học lớp khó thì biết nhiều thầy cô tốt hơn, là nền tảng vào ĐH. Ở những lớp này, độ say mê nghe giảng của học sinh cao hơn lớp khác.

Trả lời câu hỏi của một phụ huynh về việc nên tham gia và chuẩn bị các bài thi SAT hoặc ACT như thế nào, Lê Hoàng Dương cho rằng những lớp tiếng Anh nên chuẩn bị từ khi còn ở Việt Nam, sẽ rất có ích trong việc bồi bổ kỹ năng. Nên thi trước các bài thi SAT, ACT để có khả năng thi lại khi qua nước ngoài. Sự chuẩn bị thường tốn ít nhất 6 tháng để làm quen thủ tục và áp lực của bài thi. Nên thi ít nhất 1 lần trong năm. Nên tìm hiểu cả 2 bài SAT và ACT, cái nào phù hợp hơn. Vì phần khoa học ở bài thi ACT kỹ hơn nhưng không tập trung nhiều mảng kiến thức. Bài thi SAT có thời gian các bài ít hơn, áp lực lại tăng dần theo mức độ.

Phan Khắc Long thì lại cho rằng nếu để học lên ĐH, 2 bài thi này chủ yếu dành cho học sinh Mỹ, tùy trường lấy điểm của bài thi nào. Trong khi đó, trường ĐH nào cũng sẽ lấy điểm TOEFL. Đây cũng là một hướng để chuẩn bị từ Việt Nam. Nên chuẩn bị trước mọi thứ, tham gia thi trước, để làm quen cả dạng bài thi và áp lực khi thi. Vì thi TOEFL thì chỉ được nghỉ 15 phút giữa 2 phần thi. Khi thi đề sẽ có những câu rất lạ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.