Kỹ năng làm bài thi khoa học tự nhiên

06/06/2018 09:47 GMT+7

Để giúp thí sinh đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia, các giáo viên có kinh nghiệm hướng dẫn cách làm bài thi khoa học tự nhiên với 3 môn vật lý, hóa học, sinh học.

Chia nhóm câu hỏi môn lý
Giáo viên Lê Thị Ngọc Dung, Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), lưu ý trước kỳ thi, để dễ nhớ và nhớ lâu bài học nhằm giải quyết thật nhanh các dạng toán liên quan, học sinh phải biết hệ thống kiến thức đã học thông qua các sơ đồ tư duy (sơ đồ thời gian trong dao động điều hòa), biểu bảng so sánh (con lắc lò xo, con lắc đơn; dao động cơ, dao động điện từ, giao thoa sóng nước, sóng ánh sáng...).
Cô Ngọc Dung nhắc nhở thí sinh (TS) khi vào phòng thi: “Khi đọc đề, đặc biệt là bài tập, nhiều TS thường chú trọng đến số liệu, dữ kiện bài toán mà lướt qua yêu cầu dẫn đến hiểu sai nội dung, yêu cầu. Vì thế, các em nên cẩn thận gạch chân một số cụm từ khóa khi đọc đề bài. Chẳng hạn, trong vật lý là cùng pha, ngược pha, vuông pha, sớm pha, trễ pha, lệch pha... để tìm ra đáp án chính xác. Đến giai đoạn làm bài, các em nên thực hiện theo nguyên tắc làm cẩn thận từ câu dễ đến câu khó và phải cố gắng làm thật chính xác 20 câu đầu rồi hãy làm các câu tiếp theo”.
Đồng thời, qua nhiều năm làm công tác chấm thi, cô Ngọc Dung đưa ra lưu ý, nhiều TS có thói quen khoanh đáp án vào đề thi, cuối giờ mới tô đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm, rất dễ dẫn đến nhầm lẫn, bỏ sót. Thế nên, để không mắc phải sai sót không đáng có, các em hãy phân chia theo số lượng câu hỏi. Trước hết hãy làm nhóm các câu dễ nhất đề thi là khoảng 20 câu đầu tiên và tô cẩn thận vào phiếu. Sau đó chia nhóm 10 câu để làm và điền phiếu trắc nghiệm ngay khi hoàn thành từng nhóm.
Giải bài toán hóa học nhanh, chính xác
Thạc sĩ Phạm Thành Hải, Trường THPT Hai Bà Trưng (Q.Tân Bình, TP.HCM), đưa ra một số lưu ý cho TS khi giải các bài toán hóa học để tìm ra đáp án cho câu hỏi trắc nghiệm. Trước hết, theo thạc sĩ Hải, khi giải một dạng bài bất kỳ cần phải viết được phương trình phản ứng và phương pháp giải. Và để giải quyết được phần bài tập nhanh cần nắm chắc kiến thức và sử dụng tốt các phương pháp tính toán như: phương pháp trung bình, phương pháp quy đổi, phương pháp bảo toàn khối lượng, nguyên tố, mol electron, điện tích.
Đối với bài tập vận dụng cao thường đề rất dài nên cần sơ đồ hóa đề bài, định hướng cách giải đề như sử dụng phương pháp hay định luật phù hợp nhất. Dựa vào dữ liệu đề bài cho để xác định bắt đầu từ đâu để giải và đâu là mấu chốt của bài toán. Với dạng bài đồ thị: chú thích các khoảng trên đồ thị ứng với những phản ứng nào?
Đánh dấu từ khóa trong môn sinh
Về môn sinh, theo giáo viên Bùi Thị Thanh Thu, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM), đề thi sắp xếp theo mức độ dễ đến khó, TS nên làm từ trên xuống dưới. Đọc kỹ từng câu, gạch dưới những từ khóa để chú ý và sau này kiểm tra lại cho dễ. Những câu quá khó thì đánh dấu lại làm sau; tránh mất thời gian cho những câu này trong khi nhiều câu khác chưa làm. Nếu làm không kịp thời gian thì cuối cùng cần chú ý trong bảng làm bài cũng phải tô đủ tất cả các câu. Tránh sót câu và tránh nhảy dòng.
Cô Thanh Thu khuyên: “TS thường hay sai những câu đơn giản hơn là những câu khó. Đó là do mình chưa có bản lĩnh làm bài. Các em cần tập thói quen đọc kỹ đề, gạch dưới những từ khóa trong đề để chú ý hơn. Thường đề đại học rất chuẩn, không cho những từ khóa thừa, nên hết sức chú ý”.
Đối với các dạng toán, có những phương pháp giải nhanh, giáo viên cũng nhấn mạnh TS cần áp dụng triệt để vì nó giúp TS nhanh chóng nhận dạng, bài toán trở nên dễ dàng và có nhiều thời gian cho những bài toán lạ, khó ở phần sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.