Lãnh đạo các sở thực hiện Tiếng Việt công nghệ giáo dục nói gì?

11/09/2018 08:19 GMT+7

Theo Bộ GD-ĐT, dựa vào nhu cầu của các địa phương, hiện nay đã có 49 tỉnh, thành sử dụng tài liệu tiếng Việt công nghệ giáo dục để dạy học.

Đánh giá của lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương cũng cần được lắng nghe trong khi nhìn nhận về chương trình này.
Giúp học sinh nắm chắc kiến thức, nhưng từ ngữ còn hàn lâm
Tại Trà Vinh, trước năm 2010, Bộ GD-ĐT chỉ định thí điểm chương trình dạy sách công nghệ giáo dục (CNGD) do nhóm nghiên cứu của GS Hồ Ngọc Đại biên soạn. Bộ sách hướng học sinh (HS) phát triển tư duy đi từ cụ thể thông qua các hình (vuông, tròn, tam giác) và phân biệt ngữ âm giúp HS học đâu nhớ đó. Bộ sách được giáo viên truyền đạt bằng phương pháp giảng dạy rất riêng của chương trình đã giúp tư duy HS phát triển khá vững vàng. Thông qua đó, sẽ phát triển tư duy tưởng tượng.

Hiệu quả học tập tiếng Việt của HS chắc chắn hơn so với giảng dạy các sách khác. Cụ thể, vào thời điểm đó, tỉnh Trà Vinh chưa phổ cập giáo dục mầm non nhưng phương pháp học bằng CNGD của GS Hồ Ngọc Đại giúp các em vào lớp 1 (khi chưa qua các lớp mầm non) vẫn tiếp thu tốt, phát triển tư duy khá tốt, đáp ứng tốt về tính hiệu quả giáo dục đề ra.
Tuy nhiên, bộ sách này sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên môn ngôn ngữ học không cần thiết, hàn lâm, không phù hợp với lứa tuổi lớp 1.
Tăng Thị Ngọc Mai (Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trà Vinh)
Tài liệu ổn định và hiệu quả
Tài liệu tiếng Việt CNGD đã được áp dụng thí điểm vào giảng dạy tại tỉnh Tây Ninh từ năm 1985. Đến năm 2001 - 2002 tạm ngưng. Đến năm 2008, Bộ GD-ĐT cho phép tỉnh tiếp tục áp dụng thí điểm tài liệu này. Trong năm học 2008 - 2009, có 22 trường tiểu học thuộc huyện Tân Biên và Tân Châu (khu vực có HS phần đông là người dân tộc thiểu số) được áp dụng thí điểm. Kết quả cuối năm học, môn tiếng Việt lớp 1 - CNGD từ 90,6% HS đạt từ điểm trung bình trở lên, tăng lên 94,3%. Riêng HS dân tộc thiểu số đạt kết quả từ 81,8% lên 87,4%. Đến cuối năm học 2017 - 2018 vừa qua, toàn tỉnh có 121/260 trường tiểu học đã được giảng dạy. Trong đó, huyện Tân Biên, Tân Châu và Dương Minh Châu đã áp dụng 100%. Tài liệu giảng dạy này rất ổn định và hiệu quả. Thế mạnh là giúp HS đọc thông, viết thạo, nắm rất chắc quy tắc chính tả.
Lê Hoàng Cương (Trưởng phòng Giáo dục tiểu học thuộc Sở GD-ĐT Tây Ninh)
Khó bị tái mù chữ sau khi lên lớp 2
Thời điểm trước năm học 2013 - 2014, 2014 - 2015, thường có hơn 3% HS lên lớp 2 hằng năm bị tái mù chữ. Hai năm học đó, chúng tôi cho thí điểm tại một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh và tính hiệu quả trước tiên của sách CNGD giúp tỷ lệ tái mù chữ sau hè của HS giảm còn dưới 1%. Đồng thời, HS bước vào lớp 2 có kỹ năng đọc, viết và cả tư duy ngôn ngữ, hình thể… cũng tương đối vững vàng hơn so với HS học sách truyền thống. Từ năm học 2015 - 2016 đến nay, tỉnh Tiền Giang cho dạy cuốn sách CNGD ở tất cả các trường.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hồng Oanh (Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang)
Sở không ép trường theo chương trình GDCN
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã tham gia cho HS học tiếng Việt theo CNGD ở một số điểm trường, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 102 trường tham gia gồm các vùng sâu, xa và huyện thị, tỷ lệ là 32,9%. Chất lượng hằng năm vẫn ổn định, HS đọc tốt viết tốt, đảm bảo mục tiêu, không có gì đáng lo ngại. Sở không ép trường nào phải học theo chương trình này, tùy theo hiệu trưởng nhà trường quyết định chọn lựa, tài liệu này phù hợp với trường nào thì trường đó dạy.
Ngô Thúy Anh (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Đồng Tháp)
Nắm chắc luật chính tả
Học theo tài liệu tiếng Việt CNGD giúp HS phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đây cũng chính là những điểm mạnh của tài liệu này trong những năm qua. Học xong lớp 1, HS đã biết đọc, biết viết và nắm chắc luật chính tả. Đặc biệt đối với HS khó khăn về ngôn ngữ, HS dân tộc đã đọc, viết thành thạo khi lên lớp 2.
Huỳnh Quang Long (Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng)
Triển khai trên tinh thần tự nguyện
TP.Cần Thơ rất thận trọng khi áp dụng chương trình CNGD. Trước khi đưa vào dạy, Sở đã tập huấn cho giáo viên, tham quan và tìm hiểu về tính hiệu quả của phương pháp dạy tại nhiều địa phương. Từ năm học 2015 - 2016, Sở đã triển khai trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh HS tại 38 trường với 121 lớp gồm khoảng 2.000 HS. Đến nay đã có 161 trường với 610 lớp và khoảng 20.000 HS lớp 1 học phương pháp trên. Phương pháp dạy này không liên quan đến việc thay đổi chữ viết, cách đọc chữ đối với HS lớp 1.
Nguyễn Mạnh Hùng (Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.