Lĩnh vực vật lý của Đại học Quốc gia Hà Nội lại được xếp hạng thế giới

27/02/2019 20:35 GMT+7

Nhóm ngành vật lý và thiên văn của Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp vào nhóm 501-550 bảng xếp hạng QS WRU by Subject. Đây là lần thứ 2 lĩnh vực vật lý của đại học này được vào bảng xếp hạng thế giới.

Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, hôm nay, 27.2, tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds - QS (Vương quốc Anh) công bố kết quả bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới theo lĩnh vực (viết tắt là QS WRU by Subject) năm 2019.
Ngoài Trường đại học Bách khoa Hà Nội (có 3 nhóm ngành được lọt vào bảng xếp hạng), Việt Nam còn có Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có 3 nhóm ngành được lọt vào bảng xếp hạng QS WRU by Subject.
Trong đó, đáng chú ý là nhóm ngành vật lý và thiên văn học được xếp vào nhóm 501 - 550. Bảng xếp hạng cũng đánh giá đây là nhóm ngành đào tạo tốt số 1 Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội còn có nhóm ngành kỹ thuật cơ khí, hàng không và chế tạo đứng vị trí đồng số 1 Việt Nam cùng với Trường đại học Bách khoa Hà Nội (2 nhóm ngành này của 2 đơn vị đều được xếp vào nhóm 451-500 của bảng xếp hạng thế giới QS WRU by Subject); khoa học máy tính và hệ thống thông tin vào nhóm 551-600 thế giới, nằm vị trí số 2 Việt Nam (sau Trường đại học Bách khoa Hà Nội).
Như vậy, đây là lần thứ 2, lĩnh vực vật lý của Đại học Quốc gia Hà Nội được lọt vào bảng xếp hạng thế giới. Hồi tháng 11.2018, hãng tin tức US NEWS của Mỹ cũng đã công bố bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất toàn cầu (Best Global Universities rankings). Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở đạo tạo duy nhất của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng này, với lĩnh vực vật lý được xếp thứ hạng 502.
QS WRU by Subject là bảng xếp hạng các trường đại học theo 48 ngành, nhóm ngành đào tạo thuộc 5 lĩnh vực, năm 2019 có 1.222 cơ sở giáo dục đại học của 153 quốc gia trên thế giới tham gia việc xếp hạng.
QS đánh giá và xếp hạng các trường đại học trên thế giới theo lĩnh vực dựa trên 4 tiêu chí, bao gồm: đánh giá của học giả (Academic Reputation), đánh giá của nhà tuyển dụng (Employer Reputation), tỷ lệ trích dẫn trung bình trên bài báo (Citations per paper) và chỉ số H-index đo lường năng suất và mức độ tác động của các công bố khoa học của cán bộ khoa học.
Các tiêu chí này có trọng số khác nhau tùy theo từng lĩnh vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.