Lo ngại tính khách quan trong thẩm định SGK

17/09/2019 07:23 GMT+7

Bộ GD-ĐT cho rằng có một sự tuyển lựa khắt khe hơn rất nhiều quy trình thẩm định sách giáo khoa, là sự tuyển lựa của thực tiễn dạy học. Vấn đề là việc chọn sách giáo khoa có thực sự là do thực tiễn dạy học không?

 

Hội đồng thẩm định cần đa dạng thành phần hơn

Thảo luận về dự luật Giáo dục sửa đổi tại kỳ họp Quốc hội (QH) vừa qua, nội dung thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa (SGK) được nhiều đại biểu QH quan tâm. Ông Phạm Văn Hòa, đại biểu tỉnh Đồng Tháp, ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH đề xuất: Nên cân nhắc hội đồng thẩm định quốc gia chương trình SGK, có thể giao cho Thủ tướng Chính phủ thành lập sẽ đa dạng thành phần hơn. Thời gian qua dư luận xã hội rất quan tâm về tính khách quan khi thẩm định, nhất là xã hội hóa trong biên soạn sách.
Bà Phạm Thị Thu Trang, đại biểu QH tỉnh Quảng Ngãi, cũng lo lắng: Liệu có tình trạng mỗi năm học nhà trường cũng có thể sử dụng sách khác nhau, học sinh lớp sau không sử dụng được của học sinh lớp trước, gây lãng phí cho xã hội. Vấn đề này cần được giải trình cụ thể.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên -Nhi đồng của QH, đã báo cáo giải trình tại QH mong muốn SGK sẽ đa dạng hơn, dần dần chúng ta sẽ xã hội hóa phần viết sách. Tuy nhiên, luật quy định Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về chương trình phổ thông và SGK phổ thông.
“Không phải ai viết cũng ban hành được, chỉ Bộ trưởng ban hành mới được sử dụng và như thế thì có một hội đồng cấp tỉnh và hội đồng cấp quốc gia”, ông Bình nói.
Lý giải vì sao có hội đồng cấp tỉnh trong lựa chọn SGK, ông Phan Thanh Bình giải thích: “Vì trong chương trình sắp tới 80% là chương trình thống nhất của cả nước và 20% để địa phương bổ sung đặc thù của địa phương. Ngay chương trình 20% này cũng phải Bộ trưởng GD-ĐT thông qua. Với những thay đổi trong thời gian tới, các em có thể học theo một bộ SGK chuẩn của Bộ, cũng có thể học bằng nhiều cách khác”.

Giáo viên không được chọn SGK

Bộ GD-ĐT cho rằng Hội đồng thẩm định SGK cấp quốc gia chỉ đánh giá đạt hay không đạt chứ không xếp hạng các SGK. Như vậy, có một sự tuyển lựa có thể khắt khe hơn rất nhiều quy trình thẩm định của các hội đồng, đó là sự tuyển lựa của thực tiễn dạy học ở các cơ sở giáo dục, điều kiện thực tiễn tại các địa phương. Chính sự tuyển lựa này sẽ bảo đảm cho uy tín và vị thế lâu dài của những SGK được biên soạn với chất lượng cao nhất. Sự thành công, hiệu quả của một bộ sách sẽ được thể hiện chính ở bước tuyển lựa và đánh giá này.
Luật Giáo dục 2019 đã được ban hành có sự điều chỉnh so với Nghị quyết 88, đó là UBND các tỉnh, thành phố sẽ có quyền quyết định lựa chọn cho địa phương mình. Tuy nhiên, việc giao cho cấp tỉnh chọn đã khiến dư luận lo lắng, khi nhiều người kỳ vọng chính giáo viên (GV) sẽ được quyền lựa chọn SGK phù hợp nhất với học sinh của mình.
Có ý kiến cho rằng, nhà trường chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, về “đầu ra” nhưng lại không được quyền chọn sách để giảng dạy cho phù hợp với học sinh của mình thì rất bất cập. Hơn nữa, việc chọn SGK nếu thu hẹp vào một hội đồng với số ít thành viên sẽ gây lo ngại về “lợi ích nhóm”.
Một GV dạy lớp 1 ở trường tiểu học tại Hà Nội, cho biết việc chọn SGK không đơn giản là đọc qua hoặc nhìn hình ảnh bắt mắt là có thể chọn được mà phải có thực tế dạy học. Do vậy, nếu giao cho GV hoặc chí ít là nhà trường trên cơ sở đề xuất của tập thể GV để chọn SGK thì tính thực tế sẽ cao hơn.
“Chúng tôi đã chuẩn bị tâm thế này, dự kiến khi có các SGK được phê duyệt, chúng tôi sẽ mua tất cả để dạy thử và chọn sách nào phù hợp nhất với học sinh của mình. Tuy nhiên, theo luật Giáo dục mới ban hành thì cấp tỉnh sẽ chọn sách cho chúng tôi dạy và chúng tôi sẽ bị động”, cô giáo này nói.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Bộ đang nghiên cứu để ban hành thông tư về việc thành lập hội đồng thẩm định, lựa chọn SGK cho các địa phương. Mỗi tỉnh sẽ có một hội đồng để tham vấn cho lãnh đạo tỉnh trong việc quyết định lựa chọn, trong đó, ngoài các nhà khoa học, cán bộ quản lý thì phải có ít nhất 1/3 là GV giảng dạy ở cơ sở. Đây là những người hiểu kỹ về chương trình, hiểu học sinh của từng trường, từng vùng để chọn những cuốn SGK phù hợp nhất. Các GV này sẽ phải đại diện cho cả vùng thuận lợi và khó khăn để chọn sách sát với thực tế, tránh trường hợp vùng thuận lợi chọn SGK cho học sinh vùng khó khăn và ngược lại”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.