Lớp 1 cũng phải đi học thêm

11/12/2020 07:25 GMT+7

Chỉ một con hẻm nhỏ gần trường tiểu học tại Q.12, TP.HCM, có 3 - 4 lớp dạy thêm của giáo viên trong trường, và không khó để tìm kiếm những lớp học do giáo viên của các trường mở dạy gần đó.

“Học sinh (HS) lớp nào, giáo viên (GV) lớp đó dạy”, một GV đã nói với phóng viên Thanh Niên như thế.

Nước mắt của người mẹ không có tiền cho con đi học

Trong giờ nghỉ buổi trưa, chị M. có con học lớp 1 tại Trường tiểu học Nguyễn Du (Q.12) kể cho phóng viên Thanh Niên câu chuyện của mình. Chị quê ở miền Trung, vào TP.HCM mưu sinh. Cuộc sống không hề dễ dàng, từ đó đến nay chị làm đủ việc để nuôi con ăn học.
Thu nhập mỗi tháng chỉ vừa đủ chi trả tiền thuê nhà, tiền ăn học và sinh hoạt của gia đình nên chị phải tằn tiện trong chi tiêu, không dám cho con học thêm môn gì.
“Từ đầu năm học, GV chủ nhiệm nhiều lần chê chữ con xấu, làm toán chậm, chê con trước mặt bạn bè… Nhiều bạn trong lớp đến nhà cô học thêm nên con tôi nhiều lần nằng nặc đòi mẹ cho đi học thêm để không bị cô khó chịu nhưng điều kiện kinh tế không cho phép tôi vẫn phải từ chối thằng bé. Điều này khiến thằng bé rất buồn vì sợ bị các bạn xa lánh. Có những câu nói của cô có thể làm tổn thương đến con nên nhiều khi đón con, nghe con kể những chuyện trên lớp tôi rất đau lòng”, chị M. nói.
Chị M. cho biết con chị khá nhanh nhẹn, khi kiểm tra việc học của con chị thấy con hoàn toàn có thể theo kịp chương trình, đã đọc viết tốt, làm được hết các phép tính cơ bản.

Cho con đi học thêm vì cô... hay phàn nàn con viết chậm

Tương tự, anh T.A, một phụ huynh khác của lớp này, cũng cho biết rất bức xúc khi cho rằng GV làm khó con mình vì không học thêm lớp của cô. “Từ đầu năm cô có nói đến việc con viết chậm và xấu rồi bóng gió việc cô có dạy thêm ở nhà, nếu ba mẹ bận có thể đưa đến nhà để cô kèm cặp thêm”, anh T.A nói và cho biết hiện có khoảng nửa lớp đăng ký học thêm với cô ở nhà. Các em học vào thứ hai và thứ tư, mỗi tháng 500.000 đồng/HS. Đến lịch học, cứ sau giờ học ở trường, phụ huynh lại chở con tới thẳng nhà GV. Điều đặc biệt là, HS lớp của GV này là bán trú, các em đã học 2 buổi/ngày ở trường.
Chị M.T, có con hiện đang học lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (Q.12), cho biết lý do chị cho con đi học thêm với cô không phải vì con mình học chậm hay mong muốn con giỏi hơn. “Ngày nào cô cũng phàn nàn việc con viết chậm, học không tập trung, làm toán không tốt… Rồi cô giáo khuyên mình nên cho bé đi học thêm 5 buổi/tuần. Lấy lý do con còn đi học năng khiếu chỗ khác nên mình chỉ đăng ký lớp 2 buổi/tuần để thằng bé còn có thời gian… thở”, chị M.T nói.
Theo phụ huynh này, cô giáo của con thuê phòng ở một trung tâm dạy thêm, học thêm gần trường để mở lớp. Nhà chị M.T khá gần trường, nên cứ sau 16 giờ 30 con học xong ở trường là chị đón ngay về nhà vội vàng tắm rửa rồi đưa con sang lớp học thêm luôn. Vì lớp học bắt đầu lúc 17 giờ đến 18 giờ 30 mới xong.

Lớp dạy thêm “mọc” xung quanh trường học

Theo lời kể của phụ huynh, phóng viên Báo Thanh Niên đã nhiều ngày có mặt tại cơ sở dạy thêm, học thêm bán trú Trí Tuệ Việt, nằm gần Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (Q.12). Theo đó, cứ vào các ngày trong tuần, sau khi HS tan học, nhiều phụ huynh đã chở con sang thẳng cơ sở này, một số người sống gần trường thì vội vàng đưa con về nhà tắm rửa, thay đồ mới qua học.
Trong vai phụ huynh đến tìm lớp học cho con, tôi gặp một phụ nữ là quản lý ở đây. Người này khá dè dặt, hỏi con tôi học ở lớp nào? Khi phóng viên chia sẻ cháu học lớp 1/13 Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình và muốn đăng ký học thêm với cô tên Th. thì chị này hỏi lại: “Học lớp 1/13 sao không cho cháu học thêm ở lớp cô L. luôn, cô L. cũng dạy thêm ở chỗ khác mà. Còn nếu học ở đây bên chị có thể hỗ trợ phụ huynh đón các bé về đây sau giờ tan trường luôn, phụ huynh khỏi mất công. Cháu của chị muốn học nguyên tuần hay 2 buổi/tuần…”.
Sau khi nghe phóng viên trình bày lý do vì tiện đưa đón nên muốn tham gia lớp học ở đây thì cô Th. giới thiệu: “Nếu bé đăng ký học cả tuần thì học phí là 700.000 đồng/tháng, còn 2 buổi/tuần thì 500.000 đồng/tháng. Mình lấy rẻ hơn các cô khác 100.000 đồng tháng đó. Mình thuê phòng ở đây dạy chứ không phải nhà mình, có sẵn luôn máy lạnh. Mấy cô thuê ở đây luôn, mỗi cô thuê một phòng, ở đây có 3 phòng gồm có cô T. GV lớp 1 khác, mình và một cô lớp 5 trong trường nữa”.
“Lớp đông rồi nên nếu HS yếu quá thì mình không nhận đâu. Chị cứ đưa con vào học thử một tháng đi, cô Th. thấy kèm được thì kèm mà không kèm được thì đưa đi gửi cô giáo chủ nhiệm của bé nhé”, nữ GV này nói thêm.

Sau giờ tan trường, phụ huynh đưa con tới lớp học thêm do một giáo viên ở Trường tiểu học Nguyễn Du mở lớp dạy tại nhà

Tương tự, phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Du (Q.12) cũng giới thiệu rất nhiều lớp dạy thêm của các GV trong trường, khối nào cũng có GV mở lớp.
Từ sự giới thiệu của phụ huynh, tôi tìm đến một con hẻm đối diện bên kia đường của Trường tiểu học Nguyễn Du tìm hiểu thì có tới 3 điểm dạy thêm do GV của trường mở.
Cách đó chừng 100 m, căn nhà thuê của hai GV khác thuộc Trường tiểu học Nguyễn Du cũng đang sáng đèn. Vào tầm 16 giờ 30, khi vừa tan học ở trường, nhiều phụ huynh lần lượt chở con đến đây để học thêm. Trong đó, ở tầng dưới là lớp dạy thêm của cô L., HS chủ yếu là lớp 2 do cô làm chủ nhiệm, còn tầng trên là lớp học của một GV lớp 5.
“Mình cho con học đây từ đầu năm, GV chủ nhiệm lớp con nên tiện thì gửi cô kèm cặp luôn. Cũng không biết con học gì ở lớp học thêm. Thấy nhiều phụ huynh trong lớp gửi con ở đây, không cho học sợ con thiệt thòi nên mình cũng cố gắng để con được học với các bạn”, một phụ huynh chia sẻ.
Tình trạng mở lớp dạy thêm của GV ở trường tiểu học không chỉ ở những trường này, theo tìm hiểu của phóng viên, rất nhiều GV bậc tiểu học mở lớp gần trường để tổ chức dạy thêm, học thêm chủ yếu cho HS do mình chủ nhiệm hoặc HS mình đứng lớp ở trường.

Những trường hợp cấm dạy thêm

Điều 4, Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2012 quy định các trường hợp không được dạy thêm, học thêm gồm:
1. Không dạy thêm đối với HS đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với GV đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a. Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
b. Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với HS mà GV đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý GV đó. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.