Lùm xùm Facebook NSƯT Đức Hải nói tục: Nhà giáo nghĩ gì về phát ngôn trên mạng?

04/06/2021 17:00 GMT+7

Ảnh chụp màn hình lời lẽ thô tục trên tài khoản Facebook có tick xanh của nghệ sĩ Đức Hải lan truyền trên mạng xã hội khiến các thầy cô giáo trẻ suy tư về cách phát ngôn trên không gian mạng.

Hiện vẫn chưa rõ nghệ sĩ ưu tú Đức Hải, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn (TP.HCM) thực sự có lời lẽ thô tục trên mạng xã hội hay tài khoản Facebook cá nhân của ông bị hack. Tuy nhiên, vấn đề này thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là thầy cô giáo trẻ, về cách phát ngôn trên mạng xã hội.

Xôn xao việc tài khoản Facebook NSƯT Đức Hải có status, bình luận văng tục

 Giáo viên dùng mạng xã hội phải cẩn trọng gấp 10 lần so với  người khác
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niêncác giáo viên trẻ cho biết họ đang sử dụng mạng xã hội nói để phục vụ nhu cầu kết nối cá nhân và hỗ trợ cho việc giảng dạy. Họ cho rằng bản thân dùng mạng xã hội phải cẩn trọng với lời ăn tiếng nói "gấp 10 lần so với những người khác" vì lo ngại hình ảnh, bình luận có thể ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh.
“Tài khoản Facebook cá nhân không đơn giản chỉ là cá nhân vì nó mang tính cộng đồng nếu đăng tải ở chế độ công khai. Do đó, bản thân người viết hay sẻ chia những thông tin công khai phải chịu trách nhiệm trước những phát ngôn đó, nhất là nhà giáo", thầy Trần Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên ngữ văn Trường THCS Trần Bội Cơ, Q.5, TP.HCM, nêu quan điểm.
Theo thầy Huy, ngôn từ, thông tin chia sẻ trên tài khoản Facebook của nhà giáo cần phải chính thống, chuẩn xác vì có thể ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, cách nhìn và quan điểm sống của học sinh. 

Điện thoại thông minh, mạng xã hội quá phổ biến hiện nay, trò có thể quan sát và đánh giá từ cách các thầy của mình dùng Facebook

Ảnh minh họa Trung Dung

Giáo viên tiếng Anh một trường THCS tại Huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên chia sẻ cô luôn chọn lựa và suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đăng tải từng hình ảnh trên mạng xã hội, từ bữa cơm gia đình đến câu hài hước trong mùa dịch.
“Mọi người có thể khoe hình ảnh gia đình đi tắm biển, mặc áo tắm hai mảnh là chuyện bình thường nhưng tôi thì không. Facebook cá nhân của tôi cũng là kênh để kết nối với học sinh lẫn phụ huynh. Do đó, từng lời ăn tiếng nói, hình ảnh của mình cũng sẽ được phụ huynh và học sinh quan sát và đánh giá”, nữ giáo viên tâm sự.
 

Mạng xã hội không phải là nơi trút hết mọi nỗi lòng nên thầy cô cần phải tỉnh táo và thông minh, không để bị cuốn vào những cơn bão “like”, sự tung hô ảo để mất kiểm soát phát ngôn

SHUTTERSTOCK


Cô giáo Nguyễn Thị Thùy  Diện, giáo viên ngữ văn Trường THCS An Nhơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM chia sẻ, thầy cô giáo giống như bao người khác, cũng thích chia sẻ hình ảnh, câu nói hay hoặc suy nghĩ, tâm trạng của mình.
"Tuy nhiên, mạng xã hội không phải là nơi trút hết mọi nỗi lòng nên thầy cô cần phải tỉnh táo và thông minh, không để bị cuốn vào những cơn bão “like”, sự tung hô ảo để mất kiểm soát phát ngôn", cô Diện nêu quan điểm.
Dành thời gian nói chuyện trực tiếp với học sinh thay vì "tâm sự" trên Facebook
Cô Diện cho hay cô chỉ sử dụng mạng xã hội để đăng tải những thông tin "có thể chia sẻ được", từ chuyện vui hàng ngày, chuyến đi, cho đến kinh nghiệm về nghề, thông tin sức khoẻ và hình ảnh của cô và trò. Bên cạnh đó, Facebook cá nhân không chỉ có bạn bè, đồng nghiệp mà còn có cả phụ huynh lẫn học sinh nên cô Diện luôn cân nhắc dùng hình ảnh và ngôn ngữ phù hợp nhất với tất cả mọi người.
Một số thầy cô giáo cho hay họ không dùng Facebook để “tâm sự” quá nhiều với học sinh, thay vào đó là dành thời gian nói chuyện trực tiếp với các em.
“Ngoài những bức ảnh chụp chung với học sinh đăng tải trên Facebook, tôi luôn muốn dành thời gian nói chuyện trực tiếp và mở lòng mình để hiểu học trò của mình hơn. Đó là những lời tâm tình, bài giảng với câu chuyện ý nghĩa trong cuộc sống mà tôi lồng ghép vào. Những điều đó không cần từ ngữ hoa mỹ hay phải đăng tải trên Facebook với nhiều nút share”, cô Thùy Diện nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.