Lúng túng công nhận bằng đào tạo từ xa

03/10/2017 08:33 GMT+7

Trong khi phải mất một thời gian khá dài các cơ quan quản lý mới đưa ra được các quy định để đưa hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài đi vào quy củ, thì thực tiễn của hình thức liên kết đào tạo lại đang khiến các nhà chức trách lúng túng.

Được công nhận trên toàn thế giới… trừ VN !
Trường ĐH trực tuyến FUNiX (thuộc Tổ chức Giáo dục FPT) là một trong những cơ sở đào tạo đầu tiên của VN đi theo hướng đào tạo trực tuyến. Thông tin giới thiệu của trường: Bằng thạc sĩ Mỹ, “Bằng cấp không có sự phân biệt với học tập trung”, “Bằng cấp được công nhận trên toàn thế giới”... Oái oăm là ở chỗ, dù bằng cấp “không phân biệt” và “được công nhận trên toàn thế giới”, song lại chưa được công nhận tại VN.
Theo tin từ Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho tới nay Bộ chưa hề cấp phép cho một chương trình đào tạo từ xa nào. Trong khi đó, theo Quyết định số 77/2007 và Thông tư số 26 năm 2013 do Bộ ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 77, quy định về việc công nhận văn bằng của người VN do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp, thì các văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ GD-ĐT VN cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại VN.
Như vậy, việc không được Bộ GD-ĐT cấp phép khiến những bằng cấp của Trường ĐH trực tuyến FUNiX sẽ không được công nhận tại VN khi người học có nhu cầu.

tin liên quan

Bê bối chương trình liên kết nước ngoài
Việc liên kết đào tạo với nước ngoài trong một thời gian dài thiếu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật đã nảy sinh nhiều hệ lụy với cả người học, cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý.
Dừng đào tạo vì bộ không thừa nhận văn bằng
Vào khoảng năm 2008 - 2009, ĐH Thái Nguyên triển khai chương trình liên kết đào tạo với một trường ĐH của Hàn Quốc theo hình thức đào tạo trực tuyến trình độ thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh.
GS Nguyễn Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho biết: “Chương trình liên kết đào tạo này chỉ triển khai được một khóa, sau đó chúng tôi nghe nói chương trình đào tạo trực tuyến sẽ không được Bộ công nhận văn bằng tương đương nên phải dừng luôn. Giờ những người được đào tạo từ chương trình này chỉ có cách là chuyển ngành khác hoặc bỏ cái bằng đi thôi, chứ cũng không còn cách nào khác”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết bộ này cũng xác định là sẽ phải “đối mặt” với giáo dục từ xa. Vì vậy, Bộ đã từng tổ chức một hội thảo để bàn bạc vấn đề làm sao có bộ công cụ kiểm soát được chất lượng giáo dục từ xa. Khi đã có công cụ kiểm soát được rồi thì có thể chấp nhận dần dần văn bằng, còn khi chưa có công cụ thì phải có những hàng rào nhất định.
Theo ông Nghĩa, trong các văn bản hiện hành, Bộ GD-ĐT cũng chưa đặt vấn đề không công nhận văn bằng đại học của giáo dục từ xa, mà chỉ đưa ra các điều kiện, nghĩa là chỉ được công nhận khi chương trình được Bộ phê duyệt.
Thách thức lớn đối với cơ quan quản lý
Chia sẻ tại một hội thảo về công nhận văn bằng hồi tháng 3, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng một trong những thách thức lớn đối với VN cũng như nhiều quốc gia khác là việc công nhận tương đương văn bằng của các chương trình đào tạo trực tuyến đang rất đa dạng và chất lượng, tính nghiêm túc rất khó kiểm soát.
“Tất nhiên có những chương trình trực tuyến chất lượng tốt, không kém gì chất lượng đào tạo truyền thống. Nhưng làm thế nào để chọn lọc, công nhận văn bằng, tránh thiệt thòi cho những người học các chương trình trực tuyến chất lượng này hiện đang là một câu hỏi khó”, ông Ga nói.
Ông Vũ Ngọc Hà, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cũng cho biết hiện nay có 2 xu thế khi nhìn nhận về đào tạo từ xa. Nhiều nước xem đó là xu thế tất yếu nhưng cũng nhiều nước vẫn chưa chịu công nhận. Ông Hà kiến nghị cần phải sớm có quy định, tiêu chuẩn và công cụ để công nhận văn bằng hình thức đào tạo từ xa.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Kim Vui cho rằng: “Chúng ta nghiên cứu một cách kỹ càng tất cả các chương trình, đồng thời có giải pháp để tạo điều kiện cho các hình thức đào tạo khác nhau, đặc biệt là loại hình đào tạo dựa trên công nghệ thông tin. Đó là xu hướng hiện nay”.
Liên quan tới hình thức đào tạo từ xa, bà Nguyễn Thanh Huyền, Trường ĐH Việt Pháp, cho biết hiện các văn bản quy định của nhà nước chỉ mới quy định với các cơ sở trong nước mà chưa có quy định với các cơ sở đào tạo của nước ngoài. “Thực tế cũng có những chương trình đào tạo trực tuyến chất lượng tốt. Tuy nhiên, một số ngành đòi hỏi phải có phòng thí nghiệm thực hành, nghiên cứu thì hình thức đào tạo từ xa sẽ khó thực hiện được. Vì vậy, hiện nay với một số trường hợp thì có thể xin phép và được nhà nước cấp phép hoạt động thí điểm để luật hóa”, bà Huyền kiến nghị.
Rườm rà việc công nhận văn bằng
Các quy định, thủ tục về công nhận văn bằng tương đương đang gây ra nhiều phiền toái cho những người có nhu cầu công nhận văn bằng.
Một cán bộ quản lý một trường ĐH lớn kể về trải nghiệm không mấy dễ chịu khi phải đi công nhận văn bằng trong lần tái bổ nhiệm gần đây. Bằng tiến sĩ của ông do một trường ĐH hàng đầu của Pháp cấp. “Đầu tiên phải dịch bằng tiến sĩ. Dịch xong thì lại yêu cầu bằng thạc sĩ. Khi mình nộp bằng thạc sĩ thì họ lại yêu cầu bằng ĐH. Sau khi đã dịch xong hết các bằng thì họ lại yêu cầu phải nộp giấy tờ chứng minh thời gian mình đi học (gồm 4 cuốn hộ chiếu, các quyết định điều động đi học...). Đến phút cuối họ lại đòi thêm bảng điểm đại học...”, vị này kể.
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT ĐH FPT, cũng cho rằng việc công nhận bằng quá rườm rà bởi lẽ chỉ cần đặt quy tắc “nước bạn công nhận thì nước ta công nhận”, nhưng ta lại còn muốn xem cả quá trình học của người có nhu cầu công nhận văn bằng. Trong khi quá trình học thế nào thì nơi cấp bằng chịu trách nhiệm rồi mà Bộ GD-ĐT lại cho mình cái quyền can thiệp chuyện đó. “Bằng ĐH của chúng ta chất lượng thấp thế mà chúng ta vẫn công nhận được thì có phi lý không khi đặt vấn đề đi công nhận hay không bằng của những trường mà trình độ quản lý đào tạo tốt hơn mình?”, ông Tùng đặt vấn đề.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.