1 thông tư, 2 cách hiểu ?
Cuối năm ngoái, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 27/2019 quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục ĐH. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 1.3 năm nay, dựa trên luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH năm 2018. Và theo Nghị định 99/2019 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này, các văn bằng chuyên sâu đặc thù, trong đó có bằng kỹ sư, cần có chương trình với khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên (đối với người đã tốt nghiệp THPT và tương đương) hoặc từ 30 tín chỉ trở lên (với người đã tốt nghiệp trình độ ĐH).
Thông tư này thay thế cho Thông tư số 19/2011 của Bộ GD-ĐT quy định ngành kỹ thuật sẽ ghi bằng kỹ sư; những ngành được ghi bằng cử nhân gồm khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế...
Thông tư mới đang có 2 cách hiểu khác nhau từ phía trường ĐH. Theo cách hiểu của phần đông số trường ĐH có đào tạo khối ngành kỹ thuật thì thông tư áp dụng cho tất cả sinh viên nhận bằng sau ngày 1.3. Nếu chương trình đào tạo mà sinh viên theo học không đủ 150 tín chỉ, người đó không được nhận bằng kỹ sư mà chỉ nhận bằng cử nhân.
Theo cách hiểu thứ 2, thông tin này chỉ áp dụng cho khóa tuyển sinh mới sau ngày 1.3. Sinh viên các khóa đã nhập học trước đó vẫn sẽ áp dụng theo thông tư cũ, tức sinh viên học ngành kỹ thuật đương nhiên nhận bằng kỹ sư.
Nhiều trường cho biết đang lúng túng chưa biết sẽ thực hiện việc cấp bằng theo cách nào. Đại diện một trường ĐH tại TP.HCM cho biết sẽ có văn bản kiến nghị với Bộ GD-ĐT về việc này. “Trường đã có ý để sinh viên tốt nghiệp năm nay được nhận bằng tốt nghiệp trước ngày 1.3 để cấp bằng kỹ sư, nhưng việc này đã bị đình lại do thời gian nghỉ học tránh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 quá lâu”, trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho hay.
Ảnh hưởng quyền lợi người học ?
Theo đại diện Trường ĐH Cần Thơ, có khoảng 50% số ngành đào tạo cấp bằng kỹ sư bị ảnh hưởng bởi thông tư mới do tổng số tín chỉ nằm dưới mức 150, rơi vào nhóm thủy sản, nông nghiệp, môi trường... Cấp bằng nào cho sinh viên các ngành kỹ thuật khóa cũ không đủ 150 tín chỉ là một câu hỏi lớn của trường.
“Cách đây 4 năm, người học căn cứ trên chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo kỹ sư để đăng ký vào học. Nay nếu theo thông tư mới, các sinh viên này không được nhận bằng kỹ sư thì không nhất quán. Chưa kể, cùng một ngành và một khóa tuyển sinh có thể xảy ra tình trạng sinh viên nhận bằng kỹ sư nếu nhận bằng trước ngày 1.3 và nhận bằng cử nhân nếu sau thời gian này. Quy định mới này áp dụng cho khóa tuyển sinh sau ngày 1.3 là hợp lý nhất”, đại diện này nói.
Trưởng phòng đào tạo một trường đào tạo khối ngành kỹ thuật tại TP.HCM cũng cho rằng nếu không cho “hồi tố” thì thông tư này sẽ không công bằng với người học khóa cũ: “Từ đầu trong đề án tuyển sinh, trường đã cam kết cấp bằng kỹ sư cho người học. Nay nếu không cấp bằng kỹ sư thì không công bằng”.
Đại diện Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng một chương trình đào tạo có thời lượng 140 tín chỉ sẽ khác hoàn toàn với chương trình 150 tín chỉ. Vì vậy, thông tư mới quy định không thể cấp bằng như nhau với 2 loại chương trình này, sinh viên theo học chương trình dưới 150 tín chỉ không được cấp bằng kỹ sư là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, quyền lợi sinh viên sẽ có phần thiệt thòi nếu không phân biệt khóa tuyển sinh cũ và mới.
Theo thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), căn cứ vào nội dung luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH năm 2018 và thông tư nói trên, nội dung trên văn bằng được áp dụng đối với những văn bằng được ban hành (ngày ký văn bằng) kể từ ngày 1.3 năm nay, không căn cứ vào ngày nhận bằng. Đồng thời, không phân biệt khóa tuyển sinh vì luật và thông tư không hề có điều khoản chuyển tiếp hay giải thích khác.
Bình luận (0)