Lưu ý đặc biệt của Bộ GD-ĐT khi thi tốt nghiệp THPT trong dịch bệnh

26/06/2021 07:32 GMT+7

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT quốc gia , vừa có những chỉ đạo chi tiết, lưu ý đặc biệt với các địa phương khi tổ chức kỳ thi trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngày 25.6, ông Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đoàn công tác số 1 của Bộ GD-ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại Quảng Ninh.

Nơi nào để thí sinh có F0, F1 do lỗi chủ quan sẽ bị truy trách nhiệm

Tại Quảng Ninh, sau 50 ngày không có ca bệnh trong cộng đồng, đến ngày 25.6 đã phát hiện 2 ca F0 trong cộng đồng, có lịch trình di chuyển khá phức tạp. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay việc phát hiện những ca bệnh mới nhất trong cộng đồng tại địa phương cũng có những ảnh hưởng nhất định tới việc tổ chức kỳ thi này, nên mọi phương án dự phòng phải làm “già hơn” một bước.
Bà Hạnh cũng cho hay tỉnh đã chỉ đạo các nhà trường có biện pháp an toàn dịch bệnh cho giáo viên (GV) và đặc biệt thí sinh (TS) trước kỳ thi diễn ra, yêu cầu GV và TS không ra khỏi địa phương, đặc biệt là đến những nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp. “Nếu cơ sở giáo dục nào để TS có F0 mà do lỗi chủ quan của GV chủ nhiệm, của nhà trường thì sẽ bị truy trách nhiệm đến cùng”.
Lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho biết mong muốn của tỉnh là chỉ tổ chức thi 1 đợt nên đã phối hợp với ngành GD-ĐT xây dựng chi tiết kế hoạch tổ chức kỳ thi trong hoàn cảnh có thể có TS là F1, F2, như thi tại địa điểm riêng, người tham gia kỳ thi mặc đồ bảo hộ, bài thi, đề thi được phun khử khuẩn sau khi thi…
Xét nghiệm Covid-19 cho TS hay không là nội dung Quảng Ninh đang bàn để huy động các nguồn lực có thể đáp ứng được xét nghiệm cho 100% TS. Trước mắt, địa bàn nào phát hiện các ca F0, F1 như TP.Cẩm Phả… thì chắc chắn tiến hành xét nghiệm trước kỳ thi cho 100% TS.
Bà Hạnh mong muốn trước ngày thi, Bộ có những tổ công tác mang tính chất giám sát, kiểm tra để chỉ ra cho các địa phương những bất cập và điều chỉnh kịp thời.
Về khâu in sao đề thi, theo dự kiến từ ngày 26.6, các địa phương trên cả nước sẽ nhận đề thi từ Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và tiến hành khâu in sao đề thi. Quy định chỉ có 3 vòng độc lập nhưng Quảng Ninh thực hiện 4 vòng với kế hoạch rất chi tiết để đảm bảo an toàn nhất cho khâu bảo mật đề thi.

Bản tin Covid-19 ngày 25.6: TP.HCM chứng kiến ngày dịch bệnh “kỷ lục” với 667 ca dương tính trong 24 giờ

Thí sinh đã đi thi là không “có F”…

Ông Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt và chuẩn bị chu đáo của các địa phương, trong đó có Quảng Ninh, cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của kỳ thi này: dù tính chất là thi tốt nghiệp THPT nhưng nhiều trường ĐH vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi để xét tuyển nên mức độ cạnh tranh rất căng thẳng.
Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Độ yêu cầu phải tổ chức đảm bảo 2 mục tiêu: vừa khách quan, trung thực vừa an toàn phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo đặt lên hàng đầu trong việc bảo vệ sức khỏe cho GV và học sinh. “Chúng ta tổ chức kỳ thi nghiêm túc nhưng không căng thẳng. Muốn như vậy thì phải có kế hoạch chi tiết để mọi tình huống diễn ra đều nằm trong tầm kiểm soát”, ông Độ nhấn mạnh.
Ông Độ cũng khẳng định Bộ GD-ĐT đã quyết định sẽ tổ chức kỳ thi năm nay thành 2 đợt thi nên đợt 1, các địa phương phải rà soát thật kỹ để đảm bảo TS đi thi là tuyệt đối không có "F", không có TS đi thi từ khu vực đang thực hiện cách ly xã hội hoặc những điểm bị phong tỏa vì dịch bệnh. Đề nghị các tỉnh bố trí mỗi điểm thi ít nhất 1 - 2 cán bộ, nhân viên y tế để hỗ trợ phòng ngừa dịch bệnh.
Với phương án mà Quảng Ninh chuẩn bị cho cả TS “có F” dự thi trong đợt 1, ông Độ lưu ý: TS F1, F2 nếu có nguyện vọng thi thì phải có đơn để ban chỉ đạo thi của tỉnh xem xét và tổ chức những điểm thi, phòng thi đặc biệt. “Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp rất đặc biệt. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là tổ chức kỳ thi đợt 1 thật trọn vẹn với đa số TS không có "F", không có TS đến từ khu vực phong tỏa. Bộ sẽ tổ chức kỳ thi đợt 2 trong một thời điểm phù hợp và đảm bảo quyền lợi cho tất cả TS”, ông Độ nói.
Về việc tiêm vắc xin và xét nghiệm cho những thành viên tham gia kỳ thi, ông Độ yêu cầu nếu không xét nghiệm được cho toàn bộ TS thì đảm bảo xét nghiệm được cho toàn bộ TS ở những khu vực có nguy cơ cao. Nếu phải huy động cả những GV chưa tiêm vắc xin thì buộc phải xét nghiệm để loại trừ trường hợp F0 tham gia làm thi.

Tất cả giám thị phải tập huấn, nắm vững quy chế thi

Năm nay vì dịch bệnh nên nhiều địa phương dự kiến sẽ cho TS học tập quy chế qua mạng thay vì đến trực tiếp như các năm trước. Tuy nhiên, ông Độ lưu ý phải có hướng dẫn cụ thể để tránh việc đến ngày thi, TS mất thời gian tìm điểm thi dẫn đến việc muộn giờ thi hoặc bị đi nhầm điểm thi do không được đến từ trước làm thủ tục dự thi.
Về khâu coi thi, nhắc lại việc kỳ thi năm trước có giám thị ký nhầm trong giấy làm bài thi của TS sau đó lại xử lý không đúng, dẫn tới cả phòng thi phải thi lại bằng đề dự bị của Bộ, gây phức tạp rất lớn trong khâu tổ chức, ông Độ nhấn mạnh tất cả giám thị phải được tập huấn, nắm vững quy chế thi. Nếu cần thiết thì quy trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục trong việc điều động GV đi làm thi mà chưa nắm được quy chế thi. 
Thí sinh mong muốn đề thi bám sát đề tham khảo
Tại Trường THPT Yên Hưng (H.Quảng Yên, Quảng Ninh), học sinh lớp 12 đang ôn thi giai đoạn “nước rút” chia sẻ thời gian qua các em đã bám sát vào đề tham khảo Bộ GD-ĐT công bố để ôn tập, và mong muốn Bộ ra đề không khó hơn đề tham khảo để tránh gây bất ngờ cho TS.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định đề thi chính thức sẽ bám sát định hướng ra đề Bộ GD-ĐT đã công bố trong đề tham khảo. Việc tổ chức 2 đợt thi cũng đảm bảo mức độ đề thi 2 đợt là tương đương nhau. Vì vậy, ông Độ mong các TS yên tâm tập trung ôn tập, chuẩn bị tâm lý, sức khỏe thật tốt để tham dự kỳ thi này.
Bộ GD-ĐT sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học
Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh trình độ ĐH; tuyển sinh trình độ CĐ ngành GD mầm non (được ban hành tháng 5.2020).
Thông tư có một số điểm mới thay đổi so với năm 2020. Chẳng hạn, bổ sung phương thức TS đăng ký xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. Đưa ra quy định sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, TS được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần (so với năm 2020 TS chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần). Thông tư cũng quy định chặt chẽ hơn về việc UBND các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ đặt hàng đào tạo nhân lực cho tỉnh, đối tượng là học sinh các vùng trên. Quy định cụ thể việc các trường ĐH ngoài giấy chứng nhận kết quả thi THPT không được dùng bất cứ hình thức nào khác để thay thế giấy chứng nhận xác định nhập học…  
Quý Hiên
Ông Độ cũng yêu cầu việc bảo mật đề thi phải đặc biệt coi trọng từ khâu in sao cho đến khâu vận chuyển, bảo quản tại các điểm thi; những điểm thi gần nhà dân, gần mặt đường, cần có phương án an toàn trong suốt quá trình TS làm bài thi, tránh hiện tượng lộ, lọt đề thi. Theo ông Độ, Bộ có tổ hỗ trợ giải đáp thắc mắc về quy chế thi và một tổ hỗ trợ về phần mềm quản lý thi trực 24/24 giờ để giải đáp tất cả thắc mắc cho các địa phương trong quá trình chuẩn bị và tổ chức kỳ thi thi tốt nghiệp THPT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.