Máy in 3D giá rẻ 'made in Kon Tum'

18/11/2019 09:13 GMT+7

Nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học, Trường CĐ Cộng đồng Kon Tum đã nghiên cứu lắp ráp, sản xuất thành công máy in 3D với giá thành siêu rẻ.

Máy in 3D là một thiết bị công nghệ in mới, hiện đại, đã được các nước trên thế giới chế tạo và sản xuất. Công nghệ này giúp tạo ra các mô hình và thiết bị trong nhiều lĩnh vực như: vũ trụ, giao thông vận tải, kiến trúc, y học… Tuy nhiên, giá thành của máy in 3D hiện tương đối cao. Ở khu vực Tây nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng chưa có đơn vị nào nghiên cứu chế tạo, lắp ráp, sản xuất loại máy này.
Trước xu thế đó, tháng 6.2017, nhóm nghiên cứu của Trường CĐ Cộng đồng Kon Tum gồm các giảng viên: Đặng Xuân Thọ, Nguyễn Minh Hoàng, Lâm Nguyên Vũ bắt đầu thực hiện đề tài nghiên cứu, chế tạo máy in 3D giá rẻ.
Sau 8 tháng, sản phẩm đầu tiên ra đời. Tuy nhiên máy gặp khá nhiều lỗi kỹ thuật và chưa thể đưa vào sử dụng. Không bỏ cuộc, nhóm tác giả đã miệt mài nghiên cứu, khắc phục các sự cố. 2 tháng sau, một chiếc máy in hoàn chỉnh ra đời với bộ khung bằng nhôm và các chi tiết máy bằng nhựa.
Máy in 3D của nhóm tác giả ở Kon Tum hoạt động trên nguyên lý kéo dài nhựa nóng chảy rồi đẩy ra qua vòi phun lên mặt phẳng chi tiết. Các lớp nhựa có độ dày khoảng 0,05 - 0,1 mm được xếp liên tiếp với nhau theo mặt cắt của sản phẩm cho đến khi hoàn chỉnh. Sử dụng máy in 3D này tiện lợi ở chỗ có thể tạo một sản phẩm bất kỳ mà không cần khuôn đúc như cách đúc nhựa truyền thống. Tuy nhiên máy cũng có những khuyết điểm như độ bền thấp, độ chính xác chưa cao.
Hiện nhóm tác giả đã chế tạo được 10 máy in 3D, gồm 5 máy in khổ lớn và 5 máy khổ nhỏ; giá thành sản xuất từ 4 - 12 triệu đồng/máy. Những sản phẩm nhỏ có thể in trong 5 - 10 phút, sản phẩm lớn thì từ 3 - 10 giờ.
Theo thạc sĩ Nguyễn Minh Hoàng, đại diện nhóm tác giả, máy in 3D có thể ứng dụng để giảng dạy nhiều ngành hoặc chuyên ngành khác nhau. Đối với cơ khí có thể áp dụng vào dạy môn robot công nghiệp hoặc dùng để chế tạo phôi mẫu trong việc giảng dạy các môn thiết kế 3D, còn đối với điện có thể dạy về lập trình vi điều khiển, hệ thống cơ điện tử…
“Máy in 3D của nước ngoài khi nhập về Việt Nam có giá hơn 120 triệu đồng/máy, máy in do chúng tôi chế tạo có giá thành rẻ hơn 10 lần. Sản phẩm này chủ yếu phục vụ việc dạy học, đào tạo tại trường. Trong giáo dục và đào tạo, máy in 3D khơi gợi hứng thú, đam mê, khám phá; mở ra nhiều khả năng mới cho việc học tập, nghiên cứu, thúc đẩy kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo”, thạc sĩ Hoàng nói.
Cũng theo thạc sĩ Hoàng, sắp tới nhóm nghiên cứu sẽ tìm cách thay đổi vật liệu in, có thể là bột kim loại, sợi thủy tinh, để tạo ra những sản phẩm có độ bền cao, đáp ứng được các nhu cầu nghiên cứu khoa học.
Vừa qua, “dự án sản xuất máy in 3D giá rẻ” của nhóm tác giả đã nhận được giải ba cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” tại Lâm Đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.