Theo báo cáo của Công an xã Lý Trạch, vụ việc mẹ ruột trói chân, tay bé gái xảy ra vào cuối giờ chiều 29.5 tại nhà ông Nguyễn Văn Chánh (62 tuổi, ở thôn 10, xã Lý Trạch). Chị Nguyễn Thị Mai Thu (33 tuổi, cùng ở xã Lý Trạch; là con của ông Chánh) đã dùng dây thừng buộc hai tay của con gái chị Mai là N.T.T. (12 tuổi) vào sau thùng xe ô tô tải loại 2,5 tấn của gia đình đang đỗ trước cổng nhà. Một số người dân đi qua đường thấy cháu T. bị buộc vào thùng xe nên đã rất bức xúc. Một số người đã quay phim, chụp hình cháu T. đưa lên mạng xã hội.
Sau khi nhận được tin báo về vụ việc, Công an xã Lý Trạch có mặt kịp thời yêu cầu gia đình cởi trói cho cháu T. đồng thời lập biên bản, triệu tập những người có liên quan để làm rõ. Bước đầu, chị Mai khai nhận cháu T. hay trộm vặt trong gia đình nên chị đã trói cháu bé vào đuôi xe tải nhằm mục đích răn đe.
Nhiều người bày tỏ ra bức xúc với hành động “dạy con” của gia đình này.
Ảnh hưởng sâu đậm đến tâm lý trẻ
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc dạy dỗ con cái của cha mẹ theo cách hành hạ bằng đòn roi, trói buộc là một trong những kiểu bạo hành gia đình. Vấn nạn trên phản ánh hệ quả của sự yếu kém trong nhận thức của người lớn về luật Trẻ em, sự hạn chế trong cách chăm sóc và giáo dục con. Nếu nhìn vấn đề dưới góc độ giáo dục thì phương pháp này không mang lại kết quả như mong muốn mà đổi lại phản giáo dục cao.
Đối với trẻ em đang trong giai đoạn có nhiều biến động về tâm sinh lý thì không tránh khỏi những va vấp, sai lầm trong cuộc sống. Mục đích cốt lõi của giáo dục từ phía gia đình là giúp trẻ nhận ra những thiếu sót, uốn nắn để trẻ dần hoàn thiện về mặt nhân cách. Giáo dục con trẻ là cả một hành trình dài và đây là công việc với muôn vàn khó khăn, thử thách.
“Tôi cho rằng việc cha mẹ trói buộc để răn đe con cũng có lý lẽ riêng của họ. Tuy nhiên, đây là cách làm sai lầm “lợi bất cập hại” phụ huynh cần tránh. Hậu quả trước mắt mà chúng ta dễ dàng nhận thấy đó là về mặt thể xác có thể để lại các chấn thương vĩnh viễn trên cơ thể. Ngoài ra, một trong những hệ lụy ảnh hưởng mãi về sau là các thương tổn về mặt tinh thần đeo bám lấy trẻ. Chúng ta không khó để nhận thấy có em sẽ cảm thấy sợ hãi, ám ảnh trước những đòn roi hay hành động mang tính vũ lực từ cha mẹ. Nếu như người lớn thường xuyên bạo hành con thì chúng sẽ bắt đầu hoài nghi về tình yêu thương của cha mẹ. Lâu dần tình trạng này có thể dẫn đến sự thu mình vào trong, luôn giữ khoảng cách với bố mẹ để tự vệ. Ngược lại, cũng sẽ có trường hợp khi lớn lên, con trẻ có xu hướng hung hăng, sử dụng bạo lực khi gặp các va chạm của cuộc sống. Không những vậy, có em sẽ không thoát khỏi những hình ảnh bạo hành ấy rất dễ trở thành “bản sao” bạo hành như chính cha mẹ mình”, thạc sĩ An phân tích.
Cũng theo thạc sĩ An, khi bị trói buộc và bêu riếu trước đám đông không khéo còn đưa trẻ vào trạng thái tủi hổ. Đó là trạng thái tâm lý tiêu cực, nếu không chuyển hóa lâu ngày sẽ khiến trẻ thiếu tự tin trong cuộc sống hay hổ thẹn với mọi người, thiếu tự tin, học hành sút kém, trở nên trì độn. Xuất hiện những sang chấn tâm lý khác như trầm cảm, suy nghĩ tiêu cực và thậm chí tìm đến cái chết để giải thoát.
Trẻ em phải được sống trong môi trường an toàn
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, cho biết hành vi trói tay chân của cha mẹ bé T. đã vi phạm đến quyền của trẻ em. Việc trói tay chân bé T. giữa nơi công cộng là hành vi bạo hành về thể chất lẫn tinh thần với trẻ. Ngoài ra, theo hình ảnh để lại những người lớn kia còn treo bảng nói bé trộm cắp là xúc phạm danh dự và nhân phẩm của trẻ.
“Theo điều 185 Bộ luật hình sự, tội ngược đãi, xâm phạm thân thể của trẻ em sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị giam giữ phạt tù. Đứng dưới góc độ luật sư bảo vệ quyền trẻ em tôi nhận thấy hành vi này không thể chấp nhận được. Một đứa trẻ cần được sự bảo vệ của cha mẹ, người thân, cộng đồng và pháp luật. Vụ việc này cha mẹ không bảo vệ mà lại là người bạo hành con mình”, luật sư Nữ nói.
Theo luật sư Nữ, đối với luật pháp Việt Nam, trẻ em được nhiều quyền cơ bản là phải được sống trong một môi trường an toàn. Phải được người thân, cha mẹ, trường học, các hội bảo vệ. Một đứa trẻ khi bị trói tay như vậy ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý. Trẻ sẽ khó đến trường gặp bạn bè thầy cô hoặc gặp mặt hàng xóm khi bị bêu riếu như vậy. Những hình ảnh này có thể sẽ theo bé suốt đời và gây ảnh hưởng nặng nề đến khi lớn lên. Ngoài ra, luật sư Nữ cũng cho rằng hành vi chụp ảnh, quay phim bé đăng lên mạng xã hội khi chưa được phép của bé là không được phép. Nếu muốn tố cáo hành vi mẹ ruột trói chân, tay con trẻ chỉ nên chụp ảnh làm bằng chứng và giao nộp cho cơ quan công an.
Bình luận (0)