Mỗi môn 4 điểm có thể nộp đơn xét tuyển đại học!

16/07/2018 08:22 GMT+7

Năm nay, trừ các ngành đào tạo giáo viên, các trường còn lại Bộ GD-ĐT không quy định điểm sàn mà trường ĐH tự đặt ra mức điểm xét tuyển.

Trong những ngày qua, một số trường ĐH đã đặt ra mức điểm xét tuyển rất thấp. Thí sinh chỉ cần đủ 4 điểm/môn đã có thể nộp đơn xét tuyển.
Ngành dược 13 điểm
Ngày 14.7, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng công bố mức điểm xét tuyển vào trường. Có đến 29/31 ngành tại trường lấy mức 12 điểm. Ngành dược lấy 13 điểm và ngành răng - hàm - mặt 18 điểm.
Mức điểm xét tuyển này thấp hơn cả điểm xét học bạ. Vì với phương thức xét tuyển học bạ, trường xét 18 điểm cho hầu hết các ngành, trừ ngành dược lấy 13 điểm và không xét tuyển ngành răng - hàm - mặt. Đáng chú ý, năm 2017, khi còn điểm sàn của Bộ, hội đồng tuyển sinh trường này đưa ra mức điểm xét tuyển khá cao. Năm ngoái, đa số các ngành lấy mức 15,5 điểm, ngành dược 18 điểm và răng - hàm - mặt lấy 21 điểm.
Trước đó, Trường ĐH Xây dựng miền Trung đưa thông báo trên website xét tuyển các ngành với mức điểm xét tuyển là 11 điểm. Sau đó, thông báo này không còn hiển thị trên website. Đại diện trường cho biết đây là thông tin cũ (!) và sẽ công bố lại vào ngày 19.7 khi hội đồng tuyển sinh nhà trường họp.
Trường ĐH Xây dựng miền Tây cũng đặt mức điểm sàn khá thấp cho 8 ngành, đều 13 điểm. Trường này tính điểm xét tuyển = Điểm môn 1 + Điểm môn 2 + Điểm môn 3 + Điểm UT (ưu tiên). Như vậy, nếu tính cả điểm ưu tiên, thí sinh chỉ cần chưa tới 4 điểm/môn là có cơ hội đỗ.
Thí sinh cần bình tĩnh
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng phải xem kết quả cuối cùng là điểm trúng tuyển như thế nào. Chúng ta e ngại mức điểm xét tuyển quá thấp, nhưng mức điểm trúng tuyển có thể cao hơn.
Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, các trường đưa ra điểm nhận hồ sơ xét tuyển thấp sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của trường và hệ thống ĐH nói chung, dư luận cũng không đồng tình. Bộ cũng đã có chỉ đạo các trường hết sức lưu ý, lựa chọn, công bố mức điểm xét tuyển phù hợp, đảm bảo chất lượng đào tạo.
Tiến sĩ Trần Đình Lý khuyên thí sinh phải hết sức bình tĩnh nếu thấy điểm thi của mình thấp hơn chuẩn năm trước của các ngành mình chọn. Việc một số trường đưa ra điểm sàn thấp, trước hết cũng dễ thông cảm cho sự lo lắng của các trường nhưng điều này cũng làm ảnh hưởng đến uy tín của các trường, cao hơn là sự ngộ nhận sai về ngành.
Bộ sẽ kiểm tra về chất lượng
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ GD ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết tuy năm nay Bộ không xác định điểm sàn như các năm để tăng tính tự chủ cho các trường, tuy nhiên Bộ vẫn theo dõi sát tình hình xác định điểm sàn tại các trường.
Đối với các trường dự kiến mức điểm sàn quá thấp, có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng, Bộ đã và sẽ trao đổi trực tiếp để khuyến cáo các trường xem xét lại chính sách chất lượng đầu vào, khuyến cáo không nên đưa ra mức sàn thấp sẽ ảnh hưởng đến uy tín của trường và chất lượng đào tạo chung của cả hệ thống.
Đến 18.7, các trường phải công bố mức điểm sàn chính thức, nếu vẫn còn trường công bố mức điểm sàn thấp, Bộ sẽ thanh tra, kiểm tra toàn diện điều kiện đảm bảo chất lượng của trường. Nếu các điều kiện chất lượng không đảm bảo, Bộ sẽ yêu cầu giảm chỉ tiêu tuyển sinh hoặc dừng tuyển sinh... theo đúng quy định.
Các thông tin về điểm sàn, các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường, tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp, kết quả kiểm tra, thanh tra... sẽ được công khai rộng rãi để xã hội giám sát và các thí sinh có thông tin lựa chọn các trường đảm bảo chất lượng để theo học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.