Mỗi ngày đến trường có vui?

22/08/2018 10:53 GMT+7

Nhiều người đã quen với thông điệp 'mỗi ngày đến trường là những ngày vui'. Thế nhưng thực tế liệu học sinh, sinh viên có cảm thấy vui khi đi học mỗi ngày?

“Cháu không thích đi học. Làm bài tập hoài. Quay lên quay xuống một chút bị cô giáo đập bàn rồi la. La không được, cô còn khóc”, Tr.T.H (học sinh lớp 5, Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM) chia sẻ. Theo nam sinh này, vì hiếu động, hay trêu chọc bạn nên em hay bị cô giáo phạt, nhiều lần phải chép phạt và mời phụ huynh lên phê bình. Điều này càng khiến em sợ đến trường.
Chị Trần Phương Thi (32 tuổi, trú đường Nguyễn Duy, P.9, Q.8, TP.HCM), có con 4 tuổi, cũng bày tỏ lo âu: “Càng ngày, những bản tin về bạo lực học đường, áp lực điểm số, bảo mẫu đánh mắng trẻ nhiều đến mức tôi không biết phải gửi con đi trường mầm non nào. Rồi sau này học ở đâu để con luôn vui vẻ, không phải âu lo điểm số, thi cử?”.

Lê Nhất Thy, sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, thừa nhận việc đi học mỗi ngày của bạn giống như một thói quen và nghĩa vụ, không có nhiều niềm cảm hứng. Việc tương tác giữa người dạy và người học gần như không có: “Thầy giáo cứ giảng, sinh viên ở dưới cứ nói chuyện, ăn vặt hoặc ngủ, hết giờ thì về; nhiều bạn thì bỏ tiết ra ngoài từ lâu”.
Chị Trương Thị Hương, giáo viên một trường tiểu học tại Q.3, TP.HCM, thừa nhận: “Lớp học quá đông, trò quá nghịch và ồn, chương trình bài giảng còn nhiều, chúng tôi thấy như mình sắp kiệt sức, làm sao có thể dịu dàng với các con?”.
Mới đây, tại một hội thảo về hạnh phúc trong trường học, ông Dương Trần Minh Đoàn, Hiệu trưởng Trường CĐ Việt Mỹ, cũng cho biết ở nhiều trường học, sinh viên không cảm thấy có niềm vui, sự chia sẻ, thấu cảm của các giảng viên và học viên. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên bỏ học giữa chừng ở nhiều trường gia tăng.
Theo GS Hà Vĩnh Thọ, người thiết kế dự án Trường học hạnh phúc, có 3 điều cần lưu ý để lớp học thật sự là niềm vui. Đó là cần chăm sóc cho chính bản thân mình, kế đến là chăm sóc người khác và xã hội, sau cùng là chăm sóc thiên nhiên. Nhiều nhà giáo đang kiệt sức vì làm việc quá tải, do đó cần chăm sóc sức khỏe cho mỗi người thầy. Sau đó, mỗi giáo viên cần học cách lắng nghe học sinh. Cuối cùng, cần cho học sinh tiếp xúc, gần gũi với thiên nhiên để bình tĩnh, vui vẻ hơn.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu, giảng viên Trường ĐH Hoa Sen, cho rằng để học sinh, sinh viên cảm thấy vui khi đến trường, mỗi giáo viên trước hết phải thay đổi, sống tích cực, vui vẻ để truyền năng lượng tích cực ấy cho mọi người xung quanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.