Mua sách song ngữ rồi... bỏ xó

20/09/2016 09:08 GMT+7

Những ngày đầu năm học mới, các trường tại TP.HCM vẫn tiếp tục giới thiệu sách song ngữ tới phụ huynh và HS (sách song ngữ này chưa được Bộ GD-ĐT thẩm định, theo Thanh Niên số ra ngày 2.6).

Việc làm này khiến nhiều phụ huynh hoang mang. “Nếu chỉ là sách tham khảo thì sao nhà trường lại yêu cầu đăng ký mua ở trường?”, một phụ huynh ở Q.3 thắc mắc. Việc này thể hiện sự mập mờ giữa bắt buộc và không bắt buộc mua sách.
Chị Trần Huyền Lan, phụ huynh có con học Trường THCS Trần Văn Ơn, Q.1, cho hay: “Cuối năm học 2015 - 2016, tôi có nghe trường phổ biến về việc mua sách song ngữ. Khi phổ biến trường nói việc mua sách là làm theo văn bản của Sở GD-ĐT nên tôi cứ nghĩ là bắt buộc. Tôi đã mua sách ngay nhưng từ hè tới giờ con tôi cũng chưa hề đụng tới sách này vì cứ đợi vào năm học để GV hướng dẫn. Mới đây, nhà trường lại thông báo vẫn học theo SGK cũ, đây chỉ là sách tham khảo. Nếu chỉ là sách tham khảo thì trường nên nói ngay từ đầu chứ không nên để phụ huynh mua về rồi không sử dụng tới. Rất lãng phí”. Chị Huỳnh Ánh Hồng (có con đang học THCS tại Q.8) cũng bức xúc: “Nghe con nói nhà trường giới thiệu bộ sách song ngữ nên tôi mua thêm cho con một bộ. Tuy nhiên, chỉ 2 - 3 ngày đầu là cháu hào hứng xem sách, vài ngày sau đó thì để vào một góc, không sử dụng đến”.

tin liên quan

UBND TP.HCM chưa có chủ trương dạy học sách song ngữ
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đối với SGK song ngữ mà NXB Giáo dục VN phát hành, nếu Bộ GD-ĐT chưa thẩm định thì nên rút lại SGK đó để thẩm định kỹ nội dung trước khi phát hành.
Thực tế là hiện nay dù HS đã mua sách bài học, bài tập nhưng hầu như trên lớp GV không dạy. Còn sách bài tập, HS mang về nhà làm thay cho sách bài tập bản tiếng Việt mà HS đã có. Như vậy rõ ràng rất lãng phí.
Hiệu trưởng một trường tiểu học chia sẻ: “Ngày 29.3, Sở ban hành Công văn 881 về việc triển khai sách giáo khoa toán, lý, hóa song ngữ Việt - Anh của NXB Giáo dục VN, trong đó yêu cầu các trường thực hiện đăng ký sách giáo khoa cho HS theo từng cấp lớp. Căn cứ vào đó, các trường triển khai vì trong văn bản này cũng quy định quy trình đăng ký và phân phối”.
Trong khi hiệu trưởng triển khai việc mua sách song ngữ tới HS, phụ huynh thì hầu hết GV, kể cả GV tiếng Anh cũng rất ít người mua.
Một GV dạy toán tại Q.1 cho biết: “Trình độ tiếng Anh của GV toán chúng tôi cũng còn nhiều hạn chế nên nghĩ là không phù hợp và không mua”. GV này cho biết thêm: “Khi hỏi một số GV dạy tiếng Anh trong trường thì họ cũng nói sách song ngữ chỉ đơn thuần là dịch ra và không có hướng dẫn gì thêm nên rất khó dạy”. Tổ trưởng tổ tiếng Anh một trường THCS tại Q.3 cho biết: “Chúng tôi chỉ khuyến khích GV mua về tham khảo nhưng số người mua rất ít. Vì vậy, tổ có xuất tiền quỹ mua một bộ sách song ngữ để ở trường”.

tin liên quan

Sách giáo khoa song ngữ tự biên tự diễn
Ông Nguyễn Sỹ Thư, Trưởng ban Quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 khẳng định sách song ngữ toán và các môn khoa học do NXB Giáo dục xuất bản là do đơn vị này tự tổ chức dịch, Bộ GD-ĐT chưa thẩm định!
Tất cả GV mà phóng viên Thanh Niên tiếp xúc đều khẳng định không dạy sách song ngữ trong trường học. Những phụ huynh có nhu cầu mua sách chỉ cho con tự tham khảo ở nhà. Còn nhà trường chưa có chủ trương hướng dẫn tại trường.
Một trưởng phòng giáo dục ở quận ngoại thành cho biết: “Cấp trên giao hẳn việc triển khai sách song ngữ về phòng nên chúng tôi cũng chỉ làm đúng theo chủ trương là thông báo về các trường để trường tổ chức cho phụ huynh, HS đăng ký. Sau đó sẽ nộp danh sách về cho Sở phân phối sách”. Ông này cho biết thêm: “Trước hè phòng đã triển khai ở các trường tiểu học, THCS trong quận nhưng không nói rõ là không bắt buộc nên số lượng phụ huynh mua sách khá đông. Tuy nhiên, năm học mới này trong lúc nhắc lại chủ trương của Sở chúng tôi cũng nói rõ với phụ huynh đây là bộ sách tham khảo không bắt buộc nên số lượng phụ huynh đăng ký mua sách ít hơn so với thời điểm trước đó. Thậm chí nhiều phụ huynh đăng ký rồi tỏ ý muốn hồi lại”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.