Muôn chuyện khóc, cười với học trực tuyến...

07/09/2021 10:25 GMT+7

Năm học mới chỉ vừa bước sang ngày thứ 2 với chương trình học trực tuyến , nhưng đã có lắm chuyện khóc, cười. Giáo viên, phụ huynh cũng chỉ biết cười trừ, thông cảm cho nhau và dặn lòng cố gắng "vì tương lai con em chúng ta"…

1. Con trai tôi may mắn học ở một trường điểm của TP.Đông Hà (Quảng Trị). Lớp của cháu gần 40 em nhưng hầu hết phụ huynh là cán bộ nhà nước hoặc có công việc làm ổn định. Các cháu cũng đã bước vào lớp 4, lứa tuổi đủ hiểu biết để nghe theo hướng dẫn của người lớn. Trước ngày vào học chính thức, tiếp sau nội dung hướng dẫn của cô giáo chủ nhiệm, hội phụ huynh cũng rất chủ động khi tổ chức cuộc “trưng cầu dân ý” sôi nổi về việc học trực tuyến trên nền tảng Zoom hay Google Meet, phân tích mặt lợi hại. Ấy thế như đến khi học, phụ huynh và học sinh liên tục làm khổ cô giáo với…1.001 câu hỏi: "Vì sao?".

Trừ cậu út, cả nhà tôi đều tham gia hỗ trợ "anh cả" trong ngày đầu đi học trực tuyến lớp 4.

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Cô giáo chủ nhiệm của lớp coi trai tôi tỏ ra là một người khá rành về dạy trực tuyến, soạn “giáo án số” công phu. Nhưng cô cũng thừa nhận là quá tải và rất cần sự hợp tác của phụ huynh lúc này. Cũng dễ hiểu, bởi có rành rọt đến mấy thì cô giáo cũng không phải là chuyên gia công nghệ, càng không phải là “Phật Bà nghìn mắt nghìn tay” để giải đáp hết thắc mắc của phụ huynh...
Bố mẹ gọi tên cô giáo chán chê thì đến lượt học trò gọi. Nhất là những khi phụ huynh ra khỏi nhà đi làm, để lại “khoảng trống mênh mông” của các em học sinh trước màn hình máy tính, điện thoại. Đặc biệt là học trò bậc tiểu học, lứa tuổi mà... cái gì hơi lạ cũng tò mò đặt câu hỏi.
“Cô ơi, cháu không thấy cô?”, “Cô ơi, bài này giải như thế nào?”, “Cô ơi, cho cháu phát biểu”, “Cô ơi, cô… biến mất đâu rồi?”. Những câu hỏi đại loại như thế vang lên không ngớt. Nhưng dẫu sao đó vẫn là những đoạn hội thoại dễ thương, bám trọng tâm của buổi học. Bởi đã từng có nhiều "học trò online” mặc cô nói, vẫn trò chuyện râm ran (hoặc nhắn tin) về việc nhà cửa, về kỳ nghỉ hè và cả dịch bệnh Covid-19.
Có cô giáo ở một trường học khác ở TP.Đông Hà tâm sự rằng dạy trực tuyến mà… rát cổ hơn khi đứng trên bục giảng ở trường. Ở lớp, khi học trực tiếp, chỉ một ánh nhìn nghiêm nghị của cô giáo có thể làm các bạn nhỏ nín thinh, trở lại nề nếp. Nhưng cùng ánh nhìn đó, qua màn hình máy tính hoặc điện thoại thông minh, hiệu quả đã… hư hao phần nhiều.

Sốt ruột vì con vào lớp 1 học trực tuyến mà nhà chỉ có chiếc điện thoại hỏng

2. Nhưng không phải thầy cô nào cũng cập nhật công nghệ và rành rẽ việc dạy học trực tuyến, dù ở thành phố. Đặc biệt, khi tuổi tác là vật cản lớn trong cuộc thể nghiệm dạy học chưa từng xảy ra trong tiền lệ, chỉ có trong thời dịch bệnh Covid-19 này.
Thực tế là rất nhiều thầy cô giáo cũng đang phải… học, đang phải cố gắng làm mới mình.

Để duy trì 1 lớp học trực tuyến như thế này, giáo viên cũng phải luôn cập nhật kiến thức, công nghệ, làm mới mình.

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Chọn nghề giáo viên, các thầy cô đã xác định từ đầu là không thể cùng con của mình tham gia nhiều sự kiện quan trọng xuyên suốt trong các bậc học phổ thông như khai giảng, thi cử, tổng kết lớp… vì còn phải theo lớp. Dịch bệnh là "cơ hội" để thầy cô giáo ở gần các con trong buổi khai giảng trực tuyến. Có điều, có gần nhau nhưng ai vào việc nấy, dán mắt vào màn hình, đánh vật với camera và micro, kể cũng… như không.
Lướt Facebook, tôi có đọc dòng trạng thái của cô Võ Quế Ân, một giáo viên mầm non tư thục ở TP.Đông Hà.
Cô Ân viết: “Ngày 6.9.2021. Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022. Khóa mắt mẹ cay cay, rồi không hiểu vì sao nó lại rơi một cách vô thức. Thương các bạn năm đầu tiên bước vào lớp 1, thương con, khi mẹ là cô giáo mẹ đã xác định sẽ không được đồng hành cùng con trong những ngày lễ quan trọng. Nhưng năm nay là một năm đặc biệt mẹ đã được cùng con ngồi nghe cô giáo đọc thư chúc mừng, rồi cùng xem thầy hiệu trưởng đánh tiếng trống trường đầu tiên của năm học mới, trong một hoàn cảnh mà mẹ nghĩ rằng sẽ không bao giờ quên... Cầu mong dịch bệnh qua đi, mọi thứ trở lại bình thường để các con được đến trường cùng cô giáo và các bạn”.
3. Không chỉ giáo viên, mà phụ huynh cũng bị cuốn trong… trăm mối tơ vò của học trực tuyến. Mang tiếng là thành phố, nhưng không phải gia đình nào ở Đông Hà cũng có mạng internet, wifi; không phải phụ huynh nào cũng sắm máy tính hay có điện thoại thông minh.
Và giả sử có điện thoại thông minh rồi, thì không phải ai cũng có hẳn 2 chiếc để dành bớt 1 điện thoại ở nhà cho con học. Chưa nói, nhà có 2 - 3 đứa cùng học trực tuyến thì tính sao?

Cho con em đến trường, là giấc mơ của biết bao giáo viên và phụ huynh, lúc này.

ẢNH: THANH LỘC

 
Một cô giáo dạy trường điểm ở TP.Đông Hà phát hiện trong lớp 38 học sinh thì đã có 3 em vắng học. “Có phụ huynh báo với tôi rằng cả nhà chỉ có mỗi một cái điện thoại thông minh, mà lại hỏng camera, đang sửa ngoài tiệm… Họ xin cô cho cháu nghỉ 1, 2 hôm”, cô giáo kể.
Thương con, lo cho việc học hành của con thua chúng bạn, nhiều phụ huynh hớt hãi nhờ vả nhà mạng đến nhà kéo dây, một số khác phải chi ra món tiền không nhỏ (đặc biệt là trong buổi dịch giã khó khăn) để mua sắm thiết bị để phục vụ việc học cho con. Ừ thì, thua thầy một vạn, không bằng thua bạn một ly…
Có thiết bị, có mạng Internet, nhưng nhiều bậc phụ huynh vì công việc ít tiếp xúc với máy móc, công nghệ nên không biết làm sao đăng nhập để “con được vào lớp”. Có người bạn đã gửi cho tôi bức ảnh, ghi cảnh cả nhà gồm ông bà, cha mẹ cùng 1 học sinh đang xúm quanh chiếc điện thoại nhỏ tí, toát mồ hôi để đăng nhập. Cười ra nước mắt.
Riêng đối với tụi nhỏ, chủ thể chính cho công cuộc học trực tuyến quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, tôi cứ bị ám ảnh khi xem rất nhiều hình ảnh miêu tả việc học trực tuyến đầy rẫy trên mạng. Đó là những cô cậu học trò nghiêng ngả, hoặc đang say giấc, hoặc đang làm một việc riêng gì đó… mặc cho “tiếng cô vang rừng núi, sao không ai trả lời”.
Quay lại lớp học với con trai tôi, trong 2 ngày đầu, chưa phát hiện được “trường hợp” cô cậu nào… “vi phạm nghiêm trọng nội quy lớp học” như kể trên. Tuy nhiên, chính buổi đầu được bố mẹ “giao hẳn quyền tự quyết” sử dụng các thiết bị nghe nhìn, làm cho sự tập trung cũng… trở về thang điểm khá thấp.
4. Trong lá thư gửi giáo viên, phụ huynh và các em học sinh Quảng Trị đầu năm học, bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, đã lường trước những vất vả. Rằng, kế hoạch của nhà trường có thể liên tục xáo trộn, lịch học của học sinh có thể liên tục đổi thay, các thầy cô giáo sẽ phải làm việc nhiều hơn, vất vả hơn để xây dựng các kế hoạch tổ chức dạy học phù hợp. Các phụ huynh, học sinh cũng sẽ nhiều băn khoăn, lo lắng hơn trước thềm năm học mới…
Nhưng bà Hương vẫn vững tin rằng các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý, nhân viên trường học và học sinh sẽ không thiếu ý chí và quyết tâm để nỗ lực vượt mọi khó khăn vì mục tiêu chung: An toàn trong phòng chống dịch Covid-19, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.

Bà Lê Thị Hương (áo tím, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị) trong một lần tham dự lễ khai giảng với học trò miền núi Đakrông (Quảng Trị), thời chưa dịch bệnh Covid-19.

ẢNH: THANH LỘC

Nhưng ngành giáo dục Quảng Trị đến lúc này vẫn còn may mắn bởi 2 địa bàn miền núi của tỉnh là Hướng Hóa và Đakrông, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Pa Kô và Vân Kiều, vẫn chưa bị dịch Covid-19 "chiếm đóng”. Vì thế, việc dạy học vẫn diễn ra bình thường, thầy trò vẫn đến trường nhưng chấp hành 5K. Cá nhân tôi không dám nghĩ đến chuyện giáo viên, phụ huynh, học sinh vùng cao Quảng Trị sẽ ra như thế nào nếu… học trực tuyến. Tôi tin là cả cô Hương cũng không dám nghĩ!
5. Chẳng riêng gì tôi mà hầu hết các bậc phụ huynh, thậm chí là không ít giáo viên đang vật lộn trong những buổi dạy học trực tuyến vẫn mơ màng về tác dụng của lựa chọn này. Nhiều câu hỏi đặt ra: Ngành giáo dục đang “bước theo” con đường khó nhọc này liệu có đúng? Rằng học trực tuyến có thực sự có tác dụng đối với học trò hay không?
Nhưng ở đâu đó, trong tôi cũng… mơ hồ, tin rằng học trực tuyến rõ là không hiệu quả bằng việc trực tiếp đến trường đến lớp, nhưng đã là cách “hiệu quả, ít tổn thất nhất, trong hoàn cảnh dịch bệnh". Hay nghĩ một cách tích cực hơn, tôi thoáng nhận ra việc học trực tuyến cũng giúp phụ huynh ở cạnh con, cùng học với con, quan tâm đến bài học của con thay vì thả nổi cho cô giáo và nhà trường. Còn với các cô cậu học trò nhỏ, sẽ bớt được thời gian cắm đầu vào tivi, điện thoại nhưng không phải để học. Tóm lại là "không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang", không được nhiều thì cũng được ít.
Và như đã nói, cũng vì con em chúng ta, nên giáo viên, phụ huynh và cả học trò hãy cùng nhau cố gắng, "xuê xoa" những cái chưa được để cùng khắc phục, phát huy những cái tốt… Biết đâu, sau vài tuần, vài tháng, học trực tuyến vào guồng, cái sự mơ hồ, mơ màng sẽ nhợt nhạt dần đi. Hy vọng thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.