Diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid -19 khiến hầu hết các địa phương đến thời điểm này vẫn phải tiếp tục cho học sinh từ mầm non đến THCS nghỉ học, chưa “hẹn” chính xác ngày trở lại trường. Một số tỉnh như Đồng Nai, ngày 10.3 đã quyết định cho học sinh tạm nghỉ hết tháng 3.
Các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cùng nhiều tỉnh, thành khác vẫn buộc phải cho toàn bộ học sinh, trong đó có học sinh THPT, học sinh lớp 12 nghỉ học.
Trao đổi với Thanh Niên, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết trường hợp diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, thì an toàn sức khoẻ cho học sinh, cán bộ, giáo viên vẫn phải ưu tiên hàng đầu.
Trường hợp bất khả kháng khiến việc nghỉ học của học sinh kéo dài, Bộ GD-ĐT sẽ tính toán và điều chỉnh thời gian nhằm đảm bảo các nhà trường có đủ quỹ thời gian cần thiết để xây dựng kế hoạch dạy học và đảm bảo chương trình.
Ông Thành khẳng định: "Chúng ta còn quỹ thời gian để có thể điều chỉnh thời gian năm học cũng như thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ phải tính toán cụ thể dựa trên tình hình thực tế để cân đối kế hoạch, đảm bảo các nhà trường dạy và học hết chương trình của năm học 2019 - 2020 cũng như chuẩn bị cho năm học tới mà ít bị ảnh hưởng nhất".
|
Nếu phải nghỉ học hết tháng 3 sẽ phải tính điều chỉnh tiếp thời gian năm học
Theo ông Thành, theo quyết định điều chỉnh khung thời gian năm học mà Bộ đã ban hành cuối tháng 2 vừa qua thì các mốc thời gian đều lùi lại 4 tuần, tương ứng với thời điểm đó, học sinh cả nước đã nghỉ học 4 tuần và có thể kéo dài thêm một số tuần trong tháng 3.
Tuy nhiên, trên thực tế đến nay học sinh mầm non, tiểu học, THCS và cả THPT ở một số tỉnh, thành đang phải nghỉ học đến tuần thứ 6 vì dịch bệnh diễn biễn phức tạp.
Cũng theo ông Thành, nếu phải nghỉ học đến hơn 8 tuần hoặc hơn nữa thì việc phải cân nhắc, tiếp tục điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học là việc Bộ đã tính toán và cũng đã có những phương án cụ thể cho từng tình huống.
Ví dụ, trong tình huống phần lớn học sinh cả nước đi học vào ngày 16.3 tới, Bộ GD-ĐT cũng đã có hướng dẫn chi tiết những nội dung để các trường chuẩn bị đón học sinh trở lại trường và thời điểm này việc tiếp tục điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học là chưa cần thiết.
Tuy nhiên, ông Thành dự tính, nếu xảy ra tình huống đến đầu tháng 4 tình hình dịch bệnh còn phức tạp, học sinh trở lại trường chưa thực sự an toàn thì nghĩa là việc học tập đã gián đoạn quá 8 tuần và Bộ cũng đã tính đến phương án sẽ tiếp tục điều chỉnh thời gian năm học cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó thời điểm kết thúc năm học, thi THPT quốc gia là những mốc thời gian quan trọng nhất.
Các địa phương sẽ căn cứ vào thời gian học sinh trở lại trường, quyết định để điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học của địa phương mình một cách phù hợp, trong đó quyết định thời gian thi, tuyển sinh vào lớp 10, tuyển sinh đầu cấp… cho các cơ sở giáo dục của địa phương với nguyên tắc đảm bảo thời gian thực dạy - thực học của các nhà trường theo quy định.
Ông Thành khẳng định, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, Bộ GD-ĐT nhất quán chủ trương đặt vấn đề sức khoẻ, an toàn của học sinh, giáo viên và các nhà trường lên hàng đầu. Nếu các nhà trường vẫn buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh thì Bộ GD-ĐT sẽ luôn có những chỉ đạo, hướng dẫn linh hoạt, kịp thời, không vì các mốc thời gian đã định mà “làm khó” cho các nhà trường và người dân trong các quyết định có liên quan đến phòng ngừa dịch bệnh.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học. Cụ thể, thời gian kết thúc năm học được lùi 1 tháng là đến 30.6; thời gian tổ chức thi THPT quốc gia 2020 trong các ngày 23, 24, 25, 26.7, thay vì cuối tháng 6 như dự kiến. Với thời gian điều chỉnh như trên, Bộ GD-ĐT khẳng định, các địa phương cho học sinh quay lại trường học bất kỳ thời điểm nào trong tháng 3 đều có thể đảm bảo thực hiện đủ chương trình giáo dục hiện hành.
|
Bình luận (0)